Khi nào cảnh sát được nổ súng?

Khi nào cảnh sát được nổ súng?
TPO - Theo quy định, kể cả trong trường hợp tấn công tội phạm nguy hiểm như cướp, các đối tương truy nã đặc biệt nguy hiểm, việc nổ súng là lựa chọn cuối cùng, khi không còn biện pháp nào tốt hơn.

> Nổ súng bắn người chống đối: Làm sao tránh lạm dụng?
> 1 thiếu tá chết, 2 cảnh sát bị thương sau vụ nổ súng

CSGT Đoàn Thanh Phú được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tối 22/9. Ảnh: Châu Thành VNE
CSGT Đoàn Thanh Phú được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tối 22/9. Ảnh: Châu Thành (VnExpress).

Quy định

Khoản 1 - Điều 234 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Theo Pháp lệnh số 16/2011/ UBTVQH12 về “quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, người thi hành công vụ chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ khi ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác; bắt giữ người theo quy định của pháp luật; thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 22, Pháp lệnh số 16 này, người thi hành công vụ nổ súng khi đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…

Hình ảnh hai người đàn ông bị cảnh sát giao thông truy đuổi có hành vi trêu trọc, khiêu khích.
Hai người đàn ông bị cảnh sát giao thông truy đuổi, có hành vi trêu trọc, khiêu khích.

Trang bị súng

Theo quy định tại Pháp lệnh 16/2011/ UBTVQH12, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng (theo Điều 13), gồm: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu; An ninh hàng không; Chính phủ quy định loại vũ khí quân dụng trang bị cho các đối tượng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Tuy nhiên, để được sử dụng súng, vũ khí, người sử dụng phải có những tiêu chuẩn: Có phẩm chất, đạo đức tốt; Có sức khoẻ phù hợp; Được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí.

Pháp lệnh cũng quy định rõ, người sử dụng vũ khí không thuộc lực lượng vũ trang, ngoài tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí.

Để có súng, đối tượng được giao sử dụng phải thực hiện các thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cụ thể:

Thứ nhất, thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thứ hai, thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, thực hiện như sau: Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng nêu rõ nhu cầu, điều kiện, số lượng, chủng loại vũ khí đã được trang bị và số lượng, chủng loại vũ khí cần trang bị mới cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Văn bản đề nghị do lãnh đạo bộ, ngành ký nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu trang bị ở trung ương hoặc do lãnh đạo ban, ngành ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu trang bị ở địa phương;

Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng của các bộ, ngành ở trung ương gửi Bộ Công an. Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng của các ban, ngành ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng thì Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét báo cáo Bộ Công an quyết định;

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng, Bộ Công an phải cấp giấy phép được trang bị, cấp giấy giới thiệu và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị vũ khí làm thủ tục cung cấp, chuyển nhượng hoặc chuyển Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định việc cung cấp, chuyển nhượng; trường hợp không đồng ý trang bị phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Khi nào được nổ súng?

Để nổ súng, người sử dụng súng phải thực hiện theo đúng quy định.

Thứ nhất, khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thứ hai, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Một số vụ CSGT nổ súng

- Khoảng 18 giờ ngày 22/9, vụ nổ súng tại trạm Kiểm soát giao thông Suối Tre (xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, Đồng Nai), làm 3 CSGT thương vong.

- Chiều 16/7, tại TP Thanh Hoá, xảy ra vụ CSGT nổ súng làm 2 người bị thương. Ngay trong chiều cùng ngày, Công an TP.Thanh Hóa đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Đại úy Trần Ngọc Hoàng (SN 1967), công tác tại Đội CSGT Công an TP.Thanh Hóa.

Theo Viết
MỚI - NÓNG