Tòa tuyên tử hình kẻ giết mẹ ruột, người dân vỗ tay
> Sự thật thảm án 'Ma lai' giữa đại ngàn Tây Nguyên
> Giết người vì lạng lách
Những người có mặt trong phiên xét xử của TAND tỉnh Bình Định vào ngày 30/5/2013, tất cả đều tỏ ra vui mừng khi Nguyễn Văn Cư (37 tuổi, ngụ ở thôn Văn Trường Tây, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nhận bản án tử hình phạm tội “Giết người”. Cay nghiệt thay, nạn nhân mà Cư xuống tay giết hại chính là người mẹ đã dứt ruột đẻ ra mình.
Bị cáo Nguyễn Văn Cư trước vành móng ngựa. |
Đứa con mất nhân tính
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Định, vào đầu năm 2012, sau khi chấp hành xong bản án 17 năm tù về tội “Giết người” tại trại giam Kim Sơn (thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), Cư quay về sinh sống tại nhà mẹ ruột là bà Trần Thị Mùi (SN 1938, ngụ ở thôn Vân Trường Tây, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, Bình Định), cùng ở với bà Mùi còn có gia đình anh Nguyễn Minh Tu (57 tuổi, anh ruột của Cư).
Sống chung với nhau, Cư khăng khăng cho rằng căn nhà mà mọi người đang ở chính là nhà riêng của hắn nên nhiều lần y tìm đủ mọi cách để kiếm chuyện, gây sự rồi đuổi gia đình anh Tu ra khỏi nhà. Những lần như thế, bà Mùi thường phân bua hơn thiệt, đứng về phía con trai lớn. Thế nên Cư cho rằng mẹ một mực bênh anh trai và tỏ ra bức xúc. Nhiều lần như thế, Tu đã tìm cách trút mâu thuẫn, cơn giận lên đầu những đứa cháu vô tội.
Vào khoảng 5h ngày 31/11/2012, tại gian bếp trong nhà, khi cháu Nguyễn Thị Hồng Mỹ (15 tuổi, con gái của anh Tu), cũng là cháu gọi Cư bằng chú đánh răng, súc miệng xong, vừa lên nhà trên để kiểm tra lại bài vở trước khi đến lớp thì bị Cư quát nạt: “Mày lên đây làm gì?”, “Con lên đây để học bài”, cháu Mỹ đáp lại. Vừa dứt câu, tên Cư đã dùng chân đá liên tiếp nhiều cái vào người đứa cháu gái. Bị đá đau quá nên Mỹ chạy nhanh ra ngoài sân hòng tránh sự đánh đập của Cư.
Chưa chịu buông tha, Cư hậm hực chạy xuống bếp lấy một đoạn cây đuổi theo để đánh tiếp. Sợ hãi trước sự hung hăng của người chú ruột, cháu Mỹ vừa khóc vừa chạy vào nhà “mách” với bà nội. Lúc này, bà Mùi đang ngồi trên giường quát lớn: “Sao mày đánh nó vậy Cư?”, nghe mẹ ruột la mắng, hắn càng thêm điên loạn nên đã lớn tiếng chửi bới lại mẹ. Mâu thuẫn giữa hắn và bà Mùi ngày càng tăng thêm dẫn đến việc hắn đánh luôn cả hai bà cháu. Hắn dùng đoạn cây trên bổ mạnh liên tiếp nhiều cái vào đầu và tay mẹ mình cho đến khi bà Mùi xông cửa chạy ra ngoài, còn Cư thì tiếp tục chạy đến phòng ngủ, dùng cây đánh vào lưng em Nguyễn Tiến Văn (7 tuổi, em ruột của Mỹ) đang nằm ngủ trong phòng khiến em giật mình khóc ngất.
Không dừng lại ở đó, Cư còn cầm cây đi ra ngoài sân, thấy bà Mùi đang ngồi vật vã, hắn tiếp tục vung cây lên cao định đánh tiếp thì nghe Lê Văn Kha (18 tuổi, cháu gọi Cư bằng cậu) chạy đến la lớn: “Sao cậu đánh bà ngoại?”, lúc này hắn mới chịu dừng tay, bỏ vào trong nhà vứt đoạn cây xuống đất rồi ung dung bỏ đi. Bà Mùi được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định nhưng do bị thương quá nặng nên bà Mùi đã tử vong sau 2 ngày cấp cứu.
Ngày 3/12/2012, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Bình Định kết luận nguyên nhân cái chết của bà Trần Thị Mùi là do: “Đa chấn thương, chấn thương sọ não, tụ máu nội sọ vùng thái dương đỉnh trái, chấn thương gãy 1/3 dưới 2 xương cẳng tay trái”. Do đó, Công an huyện Phù Mỹ đã ra lệnh bắt khẩn cấp tên Nguyễn Văn Cư về hành vi “Giết người” và đưa hắn đi giám định mức độ tâm thần. Đến ngày 12/3/1013, Tổ chức giám định pháp y tâm thần tỉnh Bình Định đã có kết luận tình trạng tâm thần của Nguyễn Văn Cư như sau: “Rối loạn nhân cách và hành vi do sử dụng rượu”.
Người mẹ tội nghiệp
Ở thôn Vân Trường Tây, khi hỏi về bà Trần Thị Mùi người ta vẫn thường nhắc đến một người mẹ suốt một đời tần tảo chăm sóc, nuôi dưỡng các con khôn lớn. Chồng mất sớm, bao năm qua người mẹ già một nắng hai sương, vất vả sớm hôm, làm đủ mọi nghề để có tiền trang trải cuộc sống, chăm lo cho gia đình. Ấy vậy mà, đứa con trai út mà bà rất mực yêu thương lại “báo hiếu” mẹ mình bằng trận đòn “nhừ tử”.
Theo tìm hiểu của PV, vì gia cảnh khó khăn nên mấy anh em Cư đều không được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên một chút, họ đã tìm cho mình một công việc phù hợp để kiếm sống, phụ thêm cho gia đình. Đến lúc trưởng thành, anh chị Cư đều lập gia đình và ra ở riêng, chỉ có mình Cư là chưa có công ăn việc làm, còn độc thân nên sống chung với bà Mùi. Vì là con út nên hắn được mọi người trong nhà nuông chiều nên ỷ lại, suốt ngày chỉ biết ăn chơi lêu lổng, dựa dẫm vào người khác mà không chịu lao động. Anh chị em trong gia đình nói lắm hắn mới chịu theo nghề cắt tóc. Khi công việc chỉ mới bắt đầu được vài tháng, Cư đành phải tạm ngưng công việc của mình để lên đường nhập ngũ.
Những tưởng sau khi đi bộ đội trở về, Cư sẽ tu chí làm ăn, phụng dưỡng mẹ già, nào ngờ hắn suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt cùng bạn bè rồi gây gổ với những người xung quanh. Nói về thành tích đen của đứa con bất trị này, những người hàng xóm cho biết, trước đây ở cái vùng đất bình yên này, khi nhắc đến tên Nguyễn Văn Cư thì mọi người ai cũng biết đó là một thanh niên lêu lổng, lười làm, ham chơi, tính khí hung hăng, lại còn hay tụ tập nhậu nhẹt rồi gây sự đánh nhau, nên có tiền án về tội “Giết người” nên phải ngồi “nhà đá” hết 17 năm trời.
Thời gian Cư ngồi tù bốc lịch, chính bà Mùi đã không ngại tuổi già, còng lưng phơi từng cái bánh tráng đem bán để lấy tiền mua những thứ cần thiết mang vào tù cho Cư. Mọi người ai cũng hy vọng sau khi ra tù, Cư sẽ biết ăn năn hối cải mà làm lại cuộc đời, lo phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo làm con. Nào ngờ, sau khi dược mãn hạn tù trở về, Cư vẫn “chứng nào tật nấy”, không những không biết hối cải mà còn thường xuyên gây gổ với mẹ và anh ruột về việc phân chia đất đai, cuối cùng hắn đành nhẫn tâm sát hại cả đấng sinh thành ra hắn.
Trước vành móng ngựa, gã nghịch tử thú tính vẫn một mực phủ nhận hành vi tội ác mà mình đã gây ra, hắn đổ hết lỗi cho đứa cháu bé bỏng và cho rằng chính cháu Mỹ đã đánh bà Mùi chứ không phải hắn vì hắn rất thương mẹ, mặc dù có bực mình mẹ nhưng có chết hắn cũng không bao giờ dám làm thế. Song, lập luận này của hắn đã bị hội đồng xét xử bác bỏ.
Tại phiên xét xử,khi được hỏi về nguyên nhân nào khiến bị cáo giết chết mẹ mình, bị cáo Cư không tập trung trả lời câu hỏi mà liên tục phân trần rằng: “Làm con như tôi có gì nên tội, bị bệnh như tôi làm gì nên tội mà má lại đối xử không ra gì, suốt ngày chửi bới, la mắng rồi đánh đập tôi hoài?...”. HĐXX tiếp tục hỏi: “Bị cáo đã dùng cây đánh chết mẹ, bị cáo có thấy ân hận về hành vi của mình hay không?”. Lần này Cư vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi của HĐXX mà lại cho rằng: “Má mất tôi cũng đau lòng lắm chứ, tuy tôi có bị bệnh nhưng tôi vẫn biết được điều đó. Lúc tức giận, đầu óc không tỉnh táo nên tôi không còn biết gì nữa, chứ bình thường tôi rất thương mẹ tôi”.
Nhớ lại cái ngày nhận được thông báo của bệnh viện rằng mẹ mình đã tử vong do vết thương quá nặng, anh Nguyễn Minh Tu (57 tuổi, anh ruột của Cư) càng thêm đau lòng hơn, anh rươm rướm nước mắt khi nghe HĐXX nhắc lại từng tình tiết của vụ án. Càng thương xót cho sự ra đi oan uổng của người mẹ xấu số bao nhiêu, anh càng căm phẫn trước tội ác không thể dung thứ của đứa em mất hết tính người bấy nhiêu. Tuy nhiên, anh Tu vẫn khẩn thiết xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt đối với đứa em tội lỗi của mình. “Nó ra tay với mẹ như vậy tôi rất hận nó, song suy cho cùng nó cũng là em ruột của tôi, mẹ tôi đã mất, nay tôi không muốn mất thêm đứa em này nữa. Xin Quý tòa xem xét, giảm nhẹ tội cho em tôi để nó được trở về nhà và làm lại cuộc đời”, anh Tu nghẹn ngào chia sẻ.
Sau khi xem xét toàn bộ quá trình, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là côn đồ hung hãn, đã tước đoạt mạng sống của chính người che chở cho mình, cho mình cuộc sống... Hành vi của bị cáo trái với luân thường đạo lý,gây nên sự mất mát cho gia đình và người thân nên cần xử lý nghiêm khắc bằng pháp luật hình sự. Sau giờ nghị án, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt mức án chung thân đối với bị cáo Nguyễn Văn Cư. Mức án trên có lẽ sẽ giúp đứa con bất hiếu sớm hiểu ra vấn đề, cải tạo tốt để sớm có ngày làm lại cuộc đời. Song, tội ác mà hắn gây ra đối với mẹ mình sẽ còn ám ảnh đến muôn đời…
Theo Cảnh sát toàn cầu