Phòng chữa cháy tại Hà Nội: Địa bàn rộng, phương tiện thiếu

Phòng chữa cháy tại Hà Nội: Địa bàn rộng, phương tiện thiếu
TP - Từ vụ “bà hỏa” thiêu rụi kho hàng điện tử rộng 1.000m2 ở Gia Lâm đến vụ cháy cây xăng Quân đội trên phố Trần Hưng Đạo vừa qua tiếp tục cho thấy nhiều bất ổn trong công tác PCCC ở Hà Nội, khi trang thiết bị PCCC còn thiếu thốn, địa bàn PCCC lại quá rộng.

> Cây xăng bị cháy ở Hà Nội chưa được cấp phép
> Nhiều cây xăng nguy cơ cháy nổ rất cao

Có tới 9 chiến sỹ cảnh sát PCCC bị thương khi chữa cháy tại cây xăng Quân đội. Ảnh: Ngọc Châu
Có tới 9 chiến sỹ cảnh sát PCCC bị thương khi chữa cháy tại cây xăng Quân đội. Ảnh: Ngọc Châu.

“Nước ta hiện nay còn nghèo, kinh tế còn khó khăn nên không thể trang bị đồng bộ mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) một bộ quần áo amiang chống cháy. Chúng ta phải động viên nhau cùng tự khắc phục, cố gắng thôi, phương tiện có đến đâu ta dùng đến đó ” - đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội chia sẻ với Tiền Phong về những hạn chế, khó khăn, thiếu thốn trong công tác PCCC hiện nay trên địa bàn thành phố.

Giải thích việc vì sao có nhiều CBCS tham gia chiến đấu tại cây xăng Quân đội, số 2B Trần Hưng Đạo mà không có áo bảo hộ chống cháy khiến lửa bén vào người, đại tá Sơn cho hay, trong quá trình chiến đấu tại hiện trường vụ hỏa hoạn hôm 3/6, ngoài lực lượng cứu hỏa, còn có cả lực lượng khác. Có người chữa cháy, có người tham gia múc cát, không mặc quần áo amiang bảo hộ và họ đã lao vào “trận chiến” không ngại ngần.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn
Đại tá Nguyễn Văn Sơn.

“Phải nhìn nhận thực tế nước ta hiện nay còn nghèo, kinh tế khó khăn nên không thể trang bị đồng bộ mỗi CBCS một bộ quần áo amiang chống cháy, hoặc quần áo phủ nhôm có tác dụng phản nhiệt. Do đó, trên mỗi xe số lượng quần áo loại này không nhiều, chỉ có thể trang bị cho những người trực tiếp tiếp cận với lửa, xông pha vào nơi nhiệt độ cao” - đại tá Nguyễn Văn Sơn nói.

 Tới đây, Hà Nội sẽ nhập 2 xe chữa cháy xăng dầu chuyên dụng để phục vụ công tác PCCC trên địa bàn.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn

Ngoài sự thiếu thốn về trang, thiết bị địa bàn rộng, dàn trải cũng ảnh hưởng phần nào đến công tác chữa cháy của lực lượng chuyên trách. “Thủ đô hiện có 29 quận, huyện nên phạm vi chữa cháy lớn, có những điểm chữa cháy cách xa đơn vị chữa cháy đến vài chục kilômét, trong khi mới có hơn 10 Đội PCCC. Đối với những đám cháy nhỏ, hoặc ở gần thì đáp ứng được… Nên, nếu hỏi có đáp ứng được với nhu cầu của TP không thì phải nói thẳng là chưa” - đại tá Sơn nói.

Mặt khác, hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp sự gia tăng dân số và các phương tiện tham gia giao thông. Hà Nội hiện rất nhiều đường, ngõ sâu trên 200m mà phương tiện chữa cháy cơ giới không vào được, nhiều nơi đóng cọc bê tông, lấn chiếm lòng đường gây khó khăn cho xe chữa cháy di chuyển, tiếp cận chữa cháy. Hà Nội cũng còn thiếu nhiều trụ nước chữa cháy, hoặc có nhưng áp lực nước yếu, không ổn định...

Trao đổi với báo chí về những khó khăn hiện nay của lực lượng PCCC Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở PCCC Hà Nội cũng thừa nhận, việc trang bị cho lực lượng PCCC còn thiếu, thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện cả kho của lực lượng PCCC Hà Nội chỉ có vỏn vẹn 50 bộ quần áo chữa cháy chuyên dụng, chia cho 15 phòng trên toàn thành phố.

Vừa qua, Sở PCCC Hà Nội đã chi 50 tỷ đồng để mua ủng, mặt nạ, bình thở… nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho CBCS khi chiến đấu với “giặc lửa”. Tuy nhiên, do mỗi bộ quần áo chống cháy chuyên dụng rất đắt nên chưa thể trang bị đồng bộ.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, hiện Sở PCCC Hà Nội tiếp nhận kinh phí từ hai nguồn, gồm từ Bộ Công an và từ UBND TP. Tuy nhiên, ngân sách Bộ chủ yếu chi trả lương, chi phí sinh hoạt, còn kinh phí mua sắm trang thiết bị “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu thực tế, còn “xin” kinh phí của UBND TP cũng chỉ có mức độ.

Sáng 5/6 người dân phát hiện cháy trong ngôi nhà ở ngõ 61 Quang Trung (phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng). Khi đám cháy được dập tắt thì cụ bà Vũ Thị Chung (80 tuổi, sống một mình tại ngôi nhà trên) đã thiệt mạng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG