> Điều tra tiêu cực ở Cty CP Dầu khí Mê Kông
> Rút giấy phép công ty cổ phần dầu khí Mê Kông
Trái phép
Hành vi sử dụng trái phép tài sản được CQĐT xác định là dùng tiền của khách hàng trả trước, đứng tên cá nhân để gửi ngân hàng, lấy lãi chia nhau.
Từ năm 2005 đến 2010, tổng số tiền gửi hơn 382 tỷ đồng. Đứng tên gửi tiết kiệm chủ yếu là ông Nguyễn Tuấn Kiệt và Nguyễn Đức Minh, giám đốc (GĐ) và Kế toán Chi nhánh Kiên Giang.
Bên cạnh, Chi nhánh còn tổ chức kinh doanh (mua bán xăng dầu) ngoài nguồn cung cấp của Cty Cổ phần Dầu khí Mê Kông, để kiếm lời chi tiêu riêng.
Tiền thu được, theo Kế toán Chi nhánh Nguyễn Đức Minh, mỗi tháng trích khoảng 15 triệu đồng để hoạt động chung, còn lại chia cho cá nhân, GĐ Kiệt hưởng 50%, ông Minh và thủ kho Đỗ Trung Trực mỗi người 25%.
Ngoài ra, còn phát hiện một số nhân viên có giao dịch bất thường tại ngân hàng. Chứng từ ngân hàng cung cấp cho Cty, có 7 nhân viên của Chi nhánh chuyển vào tài khoản cá nhân ngoài lương gần 3 tỷ đồng. Ông Kiệt còn nhờ ông Minh chuyển cho người nhà ở tỉnh Vĩnh Long hơn 500 triệu đồng.
Hành vi sử dụng tài sản trái phép đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố vụ án hình sự. Ba ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Đức Minh, Đỗ Trung Trực bị bắt tạm giam 4 tháng.
Riêng thủ kho Đỗ Trung Trực còn bị xác định làm thất thoát hơn 3,5 tỷ đồng và ông đã khắc phục được gần 1,5 tỷ. Trước đó, ngày 18-11-2010, ông Trực đã bị Đảng ủy Tổng Cty Dầu khí Việt Nam ra quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.
Gian dối
Cty Cổ phần Dầu khí Mê Kông đóng trụ sở tại Cần Thơ, từ năm 2011, Công an TP Cần Thơ đã “quan tâm” đến những dấu hiệu tiêu cực ở Cty. Ngoài hành vi sử dụng trái phép tài sản, kinh doanh trục lợi riêng như nêu trên, Công an TP Cần Thơ nắm được, Chi nhánh Kiên Giang còn làm thất thoát hơn 9 tỷ đồng.
Đó chủ yếu là tiền được Chi nhánh báo cáo khách hàng nợ, nhưng xác minh không có thực. Với khách hàng lớn nhất là Xí nghiệp An Bình, trên sổ sách của Chi nhánh còn nợ gần 7 tỷ đồng nhưng sổ sách của Xí nghiệp An Bình cũng như ngân hàng không còn nợ.
Làm việc với một tổ kiểm tra của Cty, ông Minh thú nhận, cuối năm phát hiện mất cân đối tài chính nên đã làm giả hồ sơ để đối phó.
Một số giấy nộp tiền vào ngân hàng, ông Minh thừa nhận đã tự ghi, sửa ngày để phù hợp với báo cáo gửi Cty. Thậm chí, có giấy xác minh (do ông Minh làm với ngân hàng) là Chi nhánh nộp xấp xỉ 3 tỷ đồng vào ngân hàng để chuyển về Cty đầu năm 2008, là giả.
Cty Cổ phần Dầu khí Mê Kông cũng có biểu hiện thiếu trung thực. Ngày 22-1-2013, Cục Hải quan TP Cần Thơ đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Cty.
Nội dung vi phạm, Cty “khai báo chưa chính xác các thông tin liên quan đến hàng hoá nhập khẩu thuộc 11 tờ khai nhập khẩu” và kê khai tạm nhập tái xuất xăng dầu “không chính xác số lượng giữa nhập và xuất”.
Số tiền phạt hành chính và thuế VAT Cty Cổ phần Dầu khí Mê Kông phải nộp thêm được xác định hơn 60 tỷ đồng.
Cty kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt với Cục Thuế TP Cần Thơ cũng chưa đầy đủ nên mới đây, bị yêu cầu nộp thêm khoảng 50 tỷ đồng.
Những khoản phải nộp thêm này, xem xét số lượng xăng dầu kinh doanh từ năm 2010 về trước, bây giờ lấy tiền từ đâu là vấn đề nan giải. Nhiều kho tàng, trụ sở của Cty Cổ phần Dầu khí Mê Kông ở Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh đã bị bán.