Tiếp chuyện cô gái trở về sau bốn năm 'mất tích'

Tiếp chuyện cô gái trở về sau bốn năm 'mất tích'
TP - Người dân ở xã Tân Hội (Cai Lậy, Tiền Giang) rất ngỡ ngàng khi sáng 15-2, cô gái “mất tích 4 năm” Nguyễn Thị Trâm trở về nhà.

> 'Người chết' trở về sau bốn năm mất tích

Nguyễn Thị Trâm sinh năm 1993 trong một gia đình nghèo. Lên 5 tuổi, Trâm được cha mang tới nhờ bà Ngàn ở xã Tân Hội (Cai Lậy, Tiền Giang) nuôi, rồi bỏ đi biệt tích.

Trên giấy tờ pháp lý thì bà Ngàn là mẹ nuôi nhưng Trâm thường gọi bà là bà nội và gọi con trai của bà Ngàn, ông Chế Văn Thanh là cha nuôi.

Trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, Trâm bộc bạch, đã để dành được gần 15 triệu đồng và muốn đem về cho bà nội, “vì đi làm đã được chủ lo ăn ở đầy đủ”.

Trâm nói rất thương bà nội vì những việc đã xảy ra, phần nào do lỗi của Trâm và qua những ngày đầu năm công việc bận rộn, Trâm sẽ về. Khi hay tin, bà nội Trâm hiện giờ, đi phải chống gậy, Trâm bật khóc.

Cha nuôi của Trâm là ông Chế Văn Thanh, người mang tiếng “hiếp con nuôi rồi giết chết” mấy năm qua, nay đã vui trở lại. Ông tâm sự, sau khi Trâm bỏ đi, nhiều lời đồn thổi ác ý đã dồn nhằm vào ông.

“Những thiệt hại về vật chất do khu vườn bị đào bới, nhà cửa bị đập phá khá lớn nhưng không bằng những đau đớn, mất mát về tinh thần không sao bù đắp nổi. Nhưng bây giờ mừng nhất là bà nội đã đỡ lại, huyết áp đã bình thường, da dẻ hồng hào và khỏe khoắn hơn”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh kể, hồi Trâm mới đi, mẹ của ông bắt đầu bị cao huyết áp rồi bị tai biến chỉ sau vài tháng. Nhưng nay, từ ngày Trâm về làm chứng minh nhân dân, đa số bà con hàng xóm gặp đều “chúc mừng gia đình tết này vui đúp”.

Mừng nhất là giải tỏa được dư luận, trước đây nhờ chính quyền địa phương giải thích là gia đình ông không giết Trâm nhưng đồn thổi thì khó dẹp khi Trâm chưa xuất hiện.

Khi được hỏi, nếu Trâm muốn quay trở về sống cùng gia đình thì ông có đồng ý không? Ông Thanh trả lời ngay: “Nó muốn về thì về, ở đây đâu có cấm cản hay đuổi nó đi đâu, dù sao Trâm cũng là con cháu của nhà này mà”. Ông nói thêm: “Nó đi khỏi nhà mà không nói gì với người lớn chớ đâu có làm gì phạm pháp. Mà hồi đó nó chưa được 18 tuổi, còn ăn chưa no, lo chưa tới”.

Tháng 4 - 2009, do giận bà nội nuôi, Trâm bỏ nhà đi. Gia đình tìm kiếm Trâm khắp nơi không thấy nên đến chính quyền địa phương trình báo. Chuyện nghiêm trọng hơn khi có tin đồn Trâm bị ông Thanh “hiếp rồi giết, chôn xác trong vườn”.

Ngày 2-6 -2009, rất đông người hiếu kỳ tụ tập quanh nhà ông Thanh, một số người xông vào nhà đập phá đồ đạc và đào bới nhiều nơi trong vườn.

Công an huyện Cai Lậy rất vất vả mới vãn hồi được trật tự, sau đó bắt người tung tin đồn thất thiệt, khởi tố 13 người gây rối trật tự công cộng.

Trước Tết Quý Tỵ, bà Lê Thị Điệp là người cầm đầu việc đào bới, đập phá nhà ông Thành, cũng đã được về nhà sau hơn 3 năm ở tù. Sáng Mùng 6 Tết, Nguyễn Thị Trâm từ quận 5 (TP HCM), nơi làm thuê, về thẳng UBND xã Tân Hội để xin làm chứng minh nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Tảo, Trưởng công an huyện Cai Lậy, cho biết, qua báo chí người dân đã biết được phần nào sự thật việc mất tích của Nguyễn Thị Trâm.

“Tới đây, công an và chính quyền địa phương sẽ tổ chức họp dân để thông tin chính thức và có thể để Trâm ra mắt nếu cần thiết”, ông Tảo nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.