> Chiếc cúc áo tố cáo kẻ giết, hiếp cô sinh viên Kiến trúc
Người phụ nữ tên Hải được mời về cơ quan công an.
Tính đến thời điểm bị tuyên án tử hình, Phạm Đăng Hùng mới 26 tuổi nhưng đã trải qua gần một nửa quãng thời gian đó trong trường giáo dưỡng và trại giam.
Bản chất lưu manh ngấm vào máu từ nhỏ, có lẽ từ tuổi thiếu niên đến khi bị đưa ra pháp trường trả giá cho tội lỗi của mình, Hùng chưa một ngày sống lương thiện.
Để có tiền ăn tiêu, chơi bời trác táng, hắn liên tục gây án dù đang là thợ nề của một xí nghiệp xây dựng. Sáng nào mở mắt ra, Hùng cũng chuẩn bị đồ nghề “đi chợ”. Lợi dụng sơ hở của người dân, hắn ra tay trộm cắp, cướp giật bất cứ lúc nào có thể.
Năm 13 tuổi, học hết lớp 5, Hùng bị đuổi vì thường xuyên ăn trộm và bị bắt đi trại Kim Đồng (trường giáo dưỡng bây giờ) một tháng. Năm 1965, hắn cùng gia đình sơ tán về quê ở Hưng Yên, do thù tức một người cùng làng, hắn đã đốt nhà người này và bị Ty Công an Hưng Yên bắt.
Đầu năm 1967, Hùng về lại Hà Nội, gây ra vụ trộm cắp tài sản, bị Công an Hoàn Kiếm bắt và lãnh án 3 năm tù. Tháng 7-1974, trong một lần được ra ngoài lao động, hắn hiếp dâm một phụ nữ và tiếp tục “gỡ lịch” thêm vài năm nữa.
Đến tháng 9-1977 mãn hạn, đầu tháng 10 Hùng được nhận vào làm thợ nề tại Xí nghiệp xây dựng nhà khu phố Đống Đa. Từ đó, trong vòng chưa đầy hai tháng hắn gây thêm ba vụ án nữa trước khi sát hại chị Thuận.
Cách ngày gây án ở số 7 Phạm Đình Hổ chừng 1 tuần, Hùng ra ga Trần Quý Cáp “kiếm ăn”. Thấy hai thanh niên đang dùng dao găm gí vào cổ một người để trấn lột đồng hồ, Hùng liền xông vào cướp dao rồi dùng chính hung khi ấy gí vào cổ tên này và nói: “Có gì bỏ hết ra đây”.
Sợ hãi, đối tượng móc túi đưa cho hắn 40 đồng vừa cướp được. Hùng ung dung cất tiền vào túi và đạp xe về phía Cầu Giấy mời lũ bạn hư hỏng đi uống bia. Cũng chính con dao cướp được này, Hùng đã dùng sát hại chị Thuận và gây ra một số vụ khác.
Đại tá Đào Đức Ninh kể lại vụ án. |
Sau vụ trấn lột ấy, ngày 16-11-1977 hắn lại lấy trộm đồng hồ của một người tại phố Đặng Dung. 6 giờ sáng 18-11-1977, Hùng bỏ con dao cướp được vào chiếc túi đen treo trên ghi đông xe đạp, rong ruổi qua các con phố, bắt đầu hành trình trộm cắp như mọi ngày.
Không phát hiện nhà nào sơ hở, hắn đành dừng lại ở một hàng nước trên phố Ngô Thì Nhậm ngồi hút thuốc, đó chính là điểm tập kết trước và sau mỗi phi vụ của Hùng và đám bạn giang hồ. Chừng vài phút sau thì hai đồng bọn của hắn là Dũng và Tiến cũng vào quán. Cả ba bàn nhau vào trộm của một nhà trong ngõ 14 Hai Bà Trưng vì trước đó tên Dũng đã tiền trạm thăm dò.
Cả ba lên gác, Tiến dùng vam phá khóa, còn Hùng và Dũng đứng ngoài cảnh giới. Tuy nhiên, khi vào nhà không lấy được gì nên cả ba lại đạp xe đến đường Tăng Bạt Hổ, đối diện bên kia là số 7 Phạm Đình Hổ. Cả ba tên đi từ gác 1 lên gác 3 của nhà số 7 nhưng thấy chỗ nào cũng có người nên chúng lại đạp xe ra quán nước đường Trần Hưng Đạo bàn bạc.
Tại đây, Hùng nhờ Dũng cầm giúp chiếc mũ cối và dặn cả hai ngồi đợi để hắn “đi công chuyện một tí”. Thực tế là trong quá trình thăm dò ở nhà số 7 Phạm Đình Hổ, hắn đã để mắt tới căn hộ của chị Thuận nên quay lại ăn mảnh.
Khóa xe đạp cạnh gốc cây đại dưới sân, Hùng xách chiếc túi có con dao lên tầng 2. Đến trước cửa phòng chị Thuận, hắn lấy dao cầm sẵn ở tay và gõ cửa. Chị Thuận từ trong nhà hỏi vọng ra: “Ai đấy?”, lập tức Hùng xô cửa bước vào, giả vờ hỏi: “Đây có phải nhà anh Thắng không?”.
Nhìn gương mặt và thái độ của hắn thấy không lương thiện, linh tính có điều không hay sắp xảy ra, chị Thuận lùi lại hai bước, tên Hùng vung dao đâm luôn cô gái xấu số và thực hiện hành vi bỉ ổi.
Dã man hơn, khi thấy nạn nhân còn ú ớ, hắn dùng chiếc bàn là đập vào mặt nhiều lần đến biến dạng rồi lục lọi đồ đạc lấy đi một số tài sản, gồm 6 áo sơ mi nữ, 3 áo len, 1 áo mút trắng, 1 quần âu, 1 áo bờ-lu-dông, 1 khăn vuông bằng nylon dùng để trải bàn, 2 mảnh lụa và vài quần lụa đen, một số phụ tùng xe máy.
Sau đó, Hùng đứng trước gương soi thấy má bên trái có vệt máu dài, quần áo cũng dính máu, hắn dùng chăn lau rồi lấy một chiếc quần âu thay và khoác áo bờ-lu-dông của người nhà nạn nhân ra ngoài. Mang theo tất cả những thứ cướp được, Hùng tẩu thoát sau khi khóa cửa nhà nạn nhân lại nhằm kéo dài thời gian phát hiện của người dân xung quanh.
Ngay trong chiều cùng ngày, Hùng đã mang chiếc áo len xanh có 5 chiếc cúc màu cẩm thạch cướp được của nạn nhân đến tặng người yêu và dặn tháo len ra đan lại cho phù hợp thời trang lúc bấy giờ.
Cô này nghe theo nhưng vì tiếc 5 chiếc cúc quá đẹp nên cất vào ngăn kéo và người mẹ đã lấy đính vào áo len của bà. Cả hai mẹ con đều không ngờ đó chính là manh mối giúp Ban chuyên án tìm ra kẻ thủ ác, trấn an nỗi lo lắng của người dân và trả lại không khí yên bình cho thủ đô.
Trước vành móng ngựa, Phạm Đăng Hùng khai nhận, sau khi đi tù về, để có tiền ăn tiêu và đánh bạc, hắn đã nghĩ đến việc trộm, cướp và nhắm vào những gia đình đi làm vắng. Ngoài chiếc áo len thì cũng trong chiều cùng ngày, Hùng đã mang số phụ tùng xe máy, vòng bi ra ngõ Hàng Bột bán cho một người buôn mặt hàng này, lấy 80 đồng.
Chiều 21-11-1977, hắn mang chiếc áo mút trắng và tấm khăn nylon bán cho một người đi đường được 30 đồng. Số áo len và sơ mi còn lại, Hùng đưa cho em ruột mang bán được 100 đồng, hắn lấy 90 đồng và cho em 10 đồng.
Chỉ 2 tháng sau khi bị bắt, Phạm Đăng Hùng bị kết án tử hình cho cả ba tội: giết người, hiếp dâm, cướp tài sản. Trong quá trình biệt giam, Hùng đã viết đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết nhưng bị bác bởi những gì hắn gây ra quá dã man.
“Chúng tôi cũng không ngờ vụ án tưởng bế tắc, nhưng sau 49 ngày đêm đã được giải quyết nhanh nhờ gỡ được nút thắt tưởng rất đơn giản ấy. Đó là cả quá trình phối hợp chặt chẽ từ người chỉ huy đến các chiến sĩ tham gia phá án” - đại tá Nguyễn Đình Thục cho biết.
Theo Hồ Phương
Công an TP.HCM