Dạy bơi cho học sinh: Nửa vời

Dạy bơi cho học sinh: Nửa vời
TP - Mỗi năm cả nước có gần 6.000 trẻ em chết do đuối nước. Tỷ lệ chết do đuối nước chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Đã có những cảnh báo nhưng những trường hợp trẻ chết vì đuối nước thương tâm vẫn xảy ra.

> 'Đuối' với nước
> Đắng lòng tiễn đưa tám nữ học sinh đuối nước
> Hai tháng, 200 trẻ chết đuối: Dạy bơi trên giấy

Học sinh trường tiểu học Trần Khánh Dư và Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) trong giờ học bơi sáng 11-9. Ảnh: Quang Minh
Học sinh trường tiểu học Trần Khánh Dư và Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) trong giờ học bơi sáng 11-9. Ảnh: Quang Minh.

Những cái chết tức tưởi

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm cả nước ta có gần 6.000 trẻ em chết do đuối nước, trong đó mùa hè là thời gian mà tai nạn xảy ra nhiều nhất do các em học sinh nghỉ học.

Báo cáo từ Cục Bảo vệ trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, những cái chết đau lòng từ trẻ em phần lớn có nguyên nhân do sự thiếu quan tâm của người lớn.

Khoa Hồi sức cấp cứu của BV Nhi đồng 1 TPHCM trong một tháng qua tiếp nhận đến 23 trường hợp học sinh tiểu học nhập viện do đuối nước. BV Nhi đồng 2 TPHCM trong tuần qua tiếp nhận 3 trẻ từ 2 đến 6 tuổi.

Từng có thời gian dài công tác ở khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, trong các tai nạn thương tích, ngạt nước là tai nạn thường gặp nhất.

Thống kê của Sở Lao động- Thương binh xã hội TPHCM trong năm qua cho thấy, chỉ riêng tại TPHCM đuối nước đã cướp đi sinh mạng 30 trẻ từ 14 tuổi trở xuống.

Báo cáo tại tỉnh Đồng Tháp cũng cho thấy, trong năm 2011, tỉnh này có hơn 50 trẻ tử vong do đuối nước, chủ yếu từ 6 đến 13 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho rằng, người lớn thiếu quan tâm là nguyên nhân chính. Theo một bác sĩ ở khoa cấp cứu của BV Nhi đồng 2 TPHCM rất nhiều trẻ nhập viện do đuối nước mà thủ phạm là những hố sâu của các công trình xây dựng để lại.

Xác định đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 19 tuổi, tuy nhiên theo đại diện Bộ Y tế số trẻ tử vong do tai nạn này vẫn không ngừng tăng.

Theo thống kê thì tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi với trung bình 19/100.000 trẻ/ năm.

Mỗi nơi mỗi kiểu

Trước thực trạng tử vong do đuối nước gia tăng, năm 2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch trên vẫn gặp nhiều khó khăn.

Hồ Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội) - nơi 8 nữ sinh chết đuối chiều 12-9. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Hồ Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội) - nơi 8 nữ sinh chết đuối chiều 12-9. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Tại TPHCM một số quận huyện đã phổ cập bơi cho học sinh: quận Thủ Đức có khoảng 99% số học sinh khối THCS và gần 80% số học sinh học lớp 3 và lớp 5 được phổ cập môn bơi lội.

Trong khi ở huyện Bình Chánh, phòng giáo dục vẫn đang loay hoay tìm cách phối hợp với 5 hồ bơi trên địa bàn, cả hồ bơi ở các khách sạn, công ty để hỗ trợ việc dạy bơi cho HS. Còn ở Quận 1, tất cả học sinh lớp 3 đều được học bơi miễn phí, có xe đưa rước tận nơi và quận trả lương cho giáo viên dạy bơi.

Mỗi nơi mỗi kiểu, mạnh ai nấy làm cũng là tình trạng chung của khu vực ĐBSCL. Được xem là vùng có tỷ lệ đuối nước cao của cả nước, khu vực miền Tây Nam Bộ đã được yêu cầu tiên phong dạy bơi lội cho trẻ em. Tuy nhiên, ngoài Đồng Tháp có những dự án cụ thể, còn lại vẫn đang rục rịch và làm theo kiểu phong trào.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT TPHCM, do thiếu cơ sở vật chất, nhân sự nên việc phổ cập bơi lội chỉ được làm tốt ở một số quận huyện.

Theo thống kê của sở, trong số hơn 1.000 trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn, mới chỉ có 20 trường có hồ bơi. Và theo một chuyên viên môn giáo dục thể chất của sở, sau hai năm thực hiện chương trình phổ cập bơi cho học sinh, đến nay, chỉ có 69 trường THCS, 83 trường THPT và 40 trường tiểu học thực hiện được chương trình “xóa mù bơi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG