> Cựu Chủ tịch Vinashin xin giảm khoản bồi thường gần 1.000 tỉ đồng
Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm. |
Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình và các đồng phạm đồng loạt xin giảm án và mức bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Phiên xử do thẩm phán Đào Thị Nga, Phó Chánh Tòa phúc thẩm TAND Tối cao làm Chủ tọa cùng với sự tham gia của 2 thẩm phán khác.
Chỉ có 8 bị cáo được dẫn giải ra xét xử do có đơn kháng cáo, còn bị cáo Nguyễn Tuấn Dương vắng mặt do không có đơn kháng cáo.
Đơn kháng cáo của 7 bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường thiệt hại gây ra trong các dự án.
Riêng bị cáo Trịnh Thị Hậu cho rằng mức xử án đối với bản thân ở phiên tòa sơ thẩm là không thỏa đáng, có phần oan ức.
Thiệt hại gần 1.000 tỷ do…khách quan
Sau phần Chủ tọa tóm tắt bản án sơ thẩm và đơn kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) đi vào phần thẩm vấn các bị cáo liên quan đến Dự án đầu tư mua tàu cao tốc chở khách và ô tô (Dự án tàu Hoa Sen).
Đây là dự án do Cty TNHH Một thành viên vận tải Viễn Dương- Vinashin làm Chủ đầu tư.
Các cá nhân phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của dự án này, ngoài bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, nguyên Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương- Vinashin, còn có bị cáo Trịnh Thị Hậu, nguyên TGĐ Cty tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC) và Hoàng Gia Hiệp, nguyên phó TGĐ VFC.
Bị cáo Phạm Thanh Bình đề nghị HĐXX tính toán lại thiệt hại ở dự án tàu Hoa Sen. |
Khi được Chủ tọa gọi lên, cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình trong bộ quần áo màu xám trả lời khá rành rọt và điềm tĩnh.
Bị cáo Bình nhớ rất rõ quá trình thực hiện dự án nghìn tỉ này, mặc dù nó diễn ra cách đây 5 năm.
Khi được hỏi về bản án sơ thẩm, bị cáo Bình đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại bối cảnh và động cơ thực hiện hành vi phạm tội và xem xét lại mức bồi thường thiệt hại.
Bị cáo Bình không đồng ý con số thiệt hại ở dự án này là hơn 991 tỉ đồng mà bị cáo và bị cáo Liêm cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo ông Bình, con số thiệt hại trên do cơ quan giám định đưa ra đã không tính các khoản chi phí khác.
Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại một phần do chủ quan, còn lại là do khách quan như khủng hoảng kinh tế, khách hàng giảm, xăng dầu tăng lên.
Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét những nguyên nhân khách quan để tính lại mức thiệt hại của dự án tàu Hoa Sen.
“Tôi đồng ý với tội danh đã truy tố, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, với nhiệm vụ lớn, do vậy phải có những quyết định nhanh dẫn đến sai sót. Sai do hoàn cảnh khách quan”- ông Bình nói.
Bị cáo Bình còn giải thích, việc mua tàu là có tham khảo, khảo sát từ trước, thấy tàu hiện đại và phù hợp với điều kiện của Việt Nam nên quyết định mua không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh. Tuy nhiên, con tàu này mới chạy được 39 chuyến đã phải dừng vì kinh doanh không hiệu quả.
Chưa kể hệ thống cầu cảng ở Việt Nam chỉ phù hợp với tàu biển có cửa lên xuống ở mạn tàu trong khi tàu Hoa Sen có lên, xuống ở đuôi tàu, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 1.390 tỉ lên hơn 1.499 tỉ đồng.
Đồng loạt phản bác án sơ thẩm
Vẫn với điệp khúc như ở phiên xử sơ thẩm, bị cáo Trần Văn Liêm nói mình chỉ là người thực hiện một cách thụ động theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình.
Mặc dù thừa nhận hành vi vi phạm của mình nhưng bị cáo Tuyên vẫn cho rằng, mức án và bồi thường đã tuyên ở phiên xử sơ thẩm là quá nặng.
Trong phiên xử sơ thẩm, bị cáo Liêm bị tuyên phạt 19 năm tù giam, bồi thường hơn 495 tỉ tiền thiệt hại tại Dự án tàu Hoa Sen.
“Cái sai sót nhất của tôi là cứ làm theo chỉ đạo, không có báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Biết sai nhưng vẫn làm theo. Nếu không làm thì tôi sẽ bị kỉ luật”- bị cáo Liêm giãi bày. Bị cáo Tuyên cũng đổ lỗi dự án tàu Hoa Sen không hiệu quả là do khách quan.
Liên quan đến dự án tàu Hoa Sen, bị cáo Trịnh Thị Hậu (bị án sơ thẩm 14 năm tù) cho rằng mình không phạm tội “Cố ý làm trái”, không gây thiệt hại gì.
Thậm chí, có lúc bị cáo Hậu còn tranh luận với cả HĐXX về khoản tiền 80 tỉ đồng đã chuyển dưới hình thức tiền gửi cho Cty Viễn Dương trong khi giữa VFC và Cty này chưa ký kết hợp đồng tín dụng.
Khi HĐXX “bẻ” lại thì bị cáo lờ đi với câu cửa miệng: “Không nhớ! Không biết!”. Chỉ đến khi HĐXX trích dẫn những lời khai trước đó thì bị cáo Hậu mới im lặng.
Cũng trong ngày hôm qua, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo liên quan đến những sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định); Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân (Quảng Ninh); Dự án đầu tư tàu Bình Định Star và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang.
Khi được gọi lên thẩm vấn các bị cáo còn lại cũng cho rằng mức án đưa ra tại phiên xử sơ thẩm là quá nặng.
Bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin (bị tuyên phạt 11 năm tù giam, bồi thường thiệt hại hơn 25 tỉ đồng) cho rằng mình bị xử không công bằng.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.