Bầu Kiên 'kinh doanh trái phép' thế nào?

Bầu Kiên 'kinh doanh trái phép' thế nào?
TP - Theo một nguồn tin, bước đầu CQĐT nhận định 3 Cty do ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, thường gọi là Bầu Kiên) làm Chủ tịch HĐQT đã phát hành trái phiếu, đầu tư cổ phiếu trái phép.

> ACB tuyên bố đảm bảo thanh khoản

Cùng ngày, ngân hàng ACB cho biết Tổng giám đốc Lý Xuân Hải vẫn đang “hợp tác điều tra” với công an.

Bầu Kiên 'kinh doanh trái phép' thế nào? ảnh 1

Vì lý do trên, ngày 20-8, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế - chức vụ (C46) - Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên để điều tra về hành vi kinh doanh trái phép, theo Điều 159 Bộ luật Hình sự (Tiền Phong đã phản ánh).

Theo đó, CQĐT cho biết, việc bắt tạm giam ông Kiên chỉ liên quan đến vi phạm xảy ra tại 3 Cty do bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT gồm: Cty Cổ phần Đầu tư thương mại B&B; Cty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Cty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.

Thời điểm bị khởi tố, bắt giam, ông Kiên không còn tham gia hoạt động điều hành ACB, cả phía cơ quan điều tra và ngân hàng cùng khẳng định điều này.

Vậy 3 Cty do Bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT đã kinh doanh trái phép thế nào? Theo thông tin Tiền Phong nhận được, giấy phép đăng ký kinh doanh 3 Cty do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT chỉ có chức năng kinh doanh xây dựng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho, bãi đỗ xe, kinh doanh vàng bạc, đá quý, quảng cáo, bất động sản, kinh doanh sân golf…, không có chức năng kinh doanh đầu tư tài chính, phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, ông Kiên đã chỉ đạo 3 Cty trên phát hành trái phiếu, bán và dùng trái phiếu cầm cố cho một số tổ chức tín dụng để vay một số tiền rất lớn.

Theo xác minh ban đầu, để làm được điều này, các Cty của ông Kiên đã lập khống phương án kinh doanh nhằm nâng giá trị tài sản, đánh bóng tên tuổi Cty...

Sau khi huy động được nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng, một số người thân, quen với ông Kiên đem số tiền trên đi mua cổ phiếu của các ngân hàng, rồi lại dùng chính số cổ phiếu đã mua để thế chấp vay tiền ngân hàng.

ACB tạm thay người điều hành

Trong khi đó, người phát ngôn của ngân hàng ACB - ông Nguyễn Thanh Toại (Phó tổng giám đốc), cho biết Tổng giám đốc Lý Xuân Hải vẫn đang “hợp tác” với cơ quan điều tra sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt.

Do vậy, HĐQT ACB đã ủy quyền cho ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc thường trực, tạm điều hành hoạt động của ngân hàng thay ông Hải.

Theo giới thiệu của ACB, ông Toàn đã có hơn 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và giữ những chức vụ quan trọng tại ACB cũng như tại Cty Chứng khoán Á Châu.

Theo ông Toại, ngân hàng vẫn liên lạc được với ông Hải, nhưng không biết ông Tổng giám đốc sẽ phải “hợp tác với cơ quan chức năng” trong thời gian bao lâu.

“Nội dung làm việc giữa ông Hải và cơ quan điều tra, ngân hàng không nhận được thông tin”, ông Toại nói.

Trả lời câu hỏi ACB trong thời điểm hiện tại sẽ như thế nào, ông Toại cho biết, với kinh nghiệm chống khủng hoảng từ năm 2003 (sự cố tin đồn khiến người dân đổ xô đến ACB rút tiền - PV), và sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh khoản tại hệ thống ACB ổn định và đáp ứng được nhu cầu cần rút tiền của người dân.

“Sau khi nghe thông tin bắt ông Nguyễn Đức Kiên, tâm lý người gửi tiền có lo lắng nên chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ để khách hàng an tâm hơn. Mọi hoạt động tại ACB đã trở lại bình thường”, ông Toại nói.

Khuyến khích khách hàng gửi tiền lại

Theo ghi nhận của Tiền Phong, trong ngày hôm qua, tại một số điểm giao dịch của ACB ở TPHCM như quận 1 và quận 3, số lượng khách hàng liên hệ ACB đã giảm so với hôm trước.

Ông Nguyễn Thanh Toại cho biết thêm, từ hôm nay (23-8) ACB sẽ đưa ra chính sách khuyến khích đối với những khách hàng đã rút tiền ra và gửi lại, ACB sẽ trả lãi suất đúng như họ đã gửi cho đến ngày đáo hạn (nghĩa là khi rút trước hạn thì khách hàng chỉ được lãi suất không kỳ hạn, nhưng nếu gửi lại ACB sẽ trả đúng lãi suất tính đến ngày đáo hạn).

Ông Toàn, với vai trò điều hành xác nhận, đến ngày hôm qua (22-8), ACB đã sử dụng từ thị trường mở (OMO) 3.000 tỷ đồng bằng trái phiếu Chính phủ.

Hôm nay ACB lấy thêm trên thị trường mở 7.000 tỷ đồng dựa trên khối lượng trái phiếu Chính phủ mà ACB có được.

Tổng cộng, lượng tiền ACB sử dụng thông qua thị trường mở là 10.000 tỉ đồng để phục vụ công tác thanh khoản của ACB.

Ngoài ra, ACB cũng thu dần nợ và tiền gửi liên ngân hàng của ACB xấp xỉ 36.000 tỷ đồng (nghĩa là những khoản đến hạn thì ACB thu về).

Trong một thông báo phát đi cuối ngày 22-8, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ và ACB.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống các tổ chức tín dụng đã và tiếp tục cam kết sẵn sàng hỗ trợ vốn cho ACB để bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư tại ngân hàng này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG