Ông Nguyễn Minh Hùng - nguyên Đội trưởng Đội điều tra Hình cảnh (CSHS) CA Hà Nội - một trong những người trực tiếp điều tra vụ trộm ấn vàng. Ảnh:TL. |
Hai vụ trộm ấn vàng
Vào một ngày cuối tháng 6-1961, Viện Bảo tàng lịch sử phát hiện một số hiện vật trong tủ trưng bày bị mất. Trong đó có chiếc ấn vàng của Hoàng hậu nhà Nguyễn nặng 4,9kg và chiếc hộp đựng màu vàng nặng 0,5kg. Chiếc ấn này chính là ấn đẹp nhất trong 32 chiếc ấn mà Viện Bảo tàng đang lưu giữ.
Vụ án có tính chất hết sức nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ công an (Bộ Nội vụ) tập trung lực lượng và phương tiện quyết tâm tìm ra thủ phạm. Công tác điều tra được tiến hành trong điều kiện hết sức khó khăn, hiện trường vụ án hầu như không còn giữ lại được, chiếc ấn bị mất hình như đã lâu. Các nhân chứng đều không xác định được chính xác thời gian mất ấn.
Cuộc điều tra đang tiến hành thì vào lúc 3h sáng 5-1-1962, Sở Công an Hà Nội nhận được tin báo vụ mất trộm lần thứ hai ở Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chiếc ấn "Cao đức Thái hoàng Thái hậu" bằng bạc mạ vàng và 2 quyển kim sách bằng bạc mạ vàng khắc chữ "Bảo Long" và "Khải định thập niên" là những hiện vật đang trưng bày bị mất.
Sách vàng - Kim sách triều Nguyễn. Ảnh:TL. |
Ngay sáng hôm đó, trinh sát và cán bộ điều tra khám nghiệm hiện trường đã có mặt ở nơi xảy ra vụ án. Do phát hiện sớm nên hiện trường vụ án được giữ lại nguyên vẹn giúp CQCA thu được nhiều dấu vết thủ phạm để lại. Trong đó có một lá thư bị xé làm 4 mảnh, thông tin trên lá thư bị xé cho thấy, lá thư là của một người có tên là Đỗ Mộng Dần (xã viên ở một lò ngói nào đó) viết thư hỏi thăm các em là Ất, Mão, Giáp (đang học ở một lớp hàm thụ), có các con hay cháu tên là Trung, Phong, Thanh….
Trên cơ sở kết quả khám nghiệm hiện trường, Ban chuyên án nhận định vụ án này có nhiều khả năng do lưu manh chuyên nghiệp gây ra và quyết định tung một lượng lớn trinh sát vào công tác điều tra. Công tác điều tra được mở rộng đến 11 tỉnh của miền Bắc. Các trinh sát đã kiểm tra từng nhân khẩu trong sổ điều tra dân số để tìm người ghi lá thư có tên là Dần. Sở Công an Hà Nội đã thông báo với các đơn vị trong toàn TP Hà Nội và các tỉnh truy tìm các tên Dần, Ất, Mão, Giáp,…
Theo hướng điều tra đó, ngày 5-5-1962 một trinh sát đã phát hiện ở Kim Bảng (Hà Nam) có một người là Đỗ Mộng Dần, có con là Ất làm thợ nề ở một công trường phố Bạch Mai (Hà Nội). Đối chiếu nét chữ của Dần thấy hoàn toàn giống với nét chữ trong mảnh thư phát hiện tại hiện trường vụ trộm. Vụ án được hé mở, các trinh sát khẩn trương truy tìm người có tên Ất và phát hiện Ất có mối quan hệ với một số đối tượng nghi vấn tiêu thụ nhiều vàng… Trong đó nổi lên đối tượng có tên là Thợi.
Quá trình điều tra đã phát hiện được tên Thợi (tức Chiểu, tức Sơn, tức Chương, tức Khiển) là đối tượng tiêu thụ nhiều vàng. Đối chiếu vân tay tên Thợi với vân tay để lại hiện trường thì hoàn toàn trùng khớp. Đến lúc này CQCA đã có đủ chứng cứ kết luận tên Thợi là thủ phạm vụ trộm thứ hai. Qua xét hỏi, tên Thợi đã thú nhận chính y cũng là thủ phạm vụ trộm thứ nhất ở Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Ấn vàng Hoàng đế tôn thân chi bảo một trong những bảo vật của triều Nguyễn còn sót lại đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng. Ảnh:TL. |
Vụ án nghệ sĩ Thanh Nga
Một vụ án khác xảy ra chấn động dư luận trong và ngoài nước. Đó là vụ ám sát vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga.
23h30 ngày 26-11-1978 vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị hai tên lạ mặt bắn chết trên chiếc xe riêng, khi kết thúc biểu diễn và về đến cổng nhà tại 114 đường Ngô Tùng Châu, phường 12 quận 1, TP HCM.
Vụ án xảy ra trong bối cảnh tình hình biên giới Tây nam và biên giới phía Bắc rất căng thẳng. Bọn phản động quốc tế câu kết với bọn phản động trong nước thực hiện âm mưu chống phá ta nhiều mặt. Tình hình lúc đó làm cho tính chất vụ án trở nên nghiêm trọng và phức tạp. Trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án gồm các đồng chí: Trần Quyết, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Mai Chí Thọ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, kiêm Giám đốc Công an TP HCM; Đại tá Trần Lung, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự; Đại tá Cáp Quang Diệm, Phó GĐ và Trung tá Trịnh Thanh Thiệp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM.
Căn cứ vào tài liệu, dấu vết, vật chứng thu được ở hiện trường, lời khai của những người chứng kiến và mọi tình hình liên quan đến nạn nhân, Ban chỉ đạo chuyên án nhận định:
1. Có khả năng giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga về mục đích chính trị.
2. Có thể giết do cạnh tranh trong biểu diễn hoặc mâu thuẫn về tình ái, ghen tuông.
3. Bắt cóc không thành, sợ bị lộ, buộc phải giết người bịt đầu mối.
Sau một thời gian điều tra, nghiên cứu các vụ án có liên quan, Ban Chuyên án đã khám phá ra băng bắt cóc tống tiền có tổ chức do Nguyễn Thanh Tân cầm đầu. Sau vụ bắt cóc con nghệ sĩ Thanh Nga để tống tiền không thành, bọn chúng tiếp tục làm một số vụ khác; đã bị lực lượng cảnh sát thành phố truy bắt, nhưng chúng dùng vũ khí nóng chống trả quyết liệt và chạy thoát.
Đêm 10-4-1979, đội trọng án Công an thành phố do đồng chí Võ Tấn Thành, Đội trưởng chỉ huy phối hợp với các đơn vị đã bắt được tên Nguyễn Thanh Tân tại nhà 145/20 chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Tân đã khai hết đồng bọn trong tổ chức bắt cóc tống tiền gồm 14 tên, do Tân cầm đầu. Chính y là thủ phạm 3 vụ án: Đó là vụ án cùng tên Đức, tên Mai bắt cóc cháu Toorroo con nghệ sĩ Kim Cương, tống tiền lấy trót lọt 20 lượng vàng.
Vụ án thứ hai, Nguyễn Thanh Tân cùng với tên Đức bắt cóc cháu Cúc Cu, con nghệ sĩ Thanh Nga để tống tiền, nhưng việc không thành nên bọn chúng giết cả vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga để tẩu thoát.
Vụ án khác, tên Tân cùng các đối tượng Trọng, Hào, Hải bắt cóc cháu bé Phương để tống tiền gia đình bác sĩ Lã Hỷ.
Với tội ác đó, Nguyễn Thanh Tân đã bị xử tử hình, những đồng bọn khác của hắn cũng đều phải nhận bản án thích đáng.
Việc phá vụ án này được đánh giá là chiến công thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm và nghiệp vụ vững vàng của các chiến sỹ CSND; đồng thời xóa tan bầu không khí căng thẳng lo âu của quần chúng nhân dân về tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở TP HCM trong những năm đầu mới giải phóng.
Diệt tướng cướp khét tiếng chuyên ngủ trên cây
Võ Văn Khê là tên tướng cướp nổi tiếng từ thời ngụy ở vùng An Giang. Bản thân hắn đã gây ra hàng chục vụ cướp, ngay cả ngụy quyền cũng kiêng nể. Ngoài cái tên Võ Văn Khê, hắn còn có các biệt danh: Bảy Khê, Bảy Thép, Hai Phước "tướng cướp".
Năm 1976, Bảy Khê tổ chức cướp có vũ trang ở thị xã Long Xuyên, CQCA bắt được y và xử 4 năm tù giam. Sau 4 năm cải tạo, đến năm 1980, tên Khê được tha về địa phương. Khi ra tù, Bảy Khê vẫn chứng nào tật ấy, hắn đã tập hợp bọn đàn em gồm Hùng Anh, Hùng Em, Chương Nấm, Ba Răng, Bảy Đương, Tường, Mai, Lơ, Danh, Minh còi và một số tên khác, thành lập băng cướp có vũ trang. Bọn chúng có 4 lựu đạn, 2 súng AK, 3 súng M16, 2 súng colt 45. Chúng đã gây ra nhiều vụ cướp của giết người hết sức trắng trợn, táo bạo. Có đêm chúng cướp vài ba vụ ở những địa bàn khác nhau.
Vào năm 1980, chúng cướp ở khu vực Thơm Rôm thuộc Ô Môn - Hậu Giang, khi bị phát hiện, bọn chúng đã nổ súng vào lực lượng cảnh sát đang vây bắt và tháo chạy… Lực lượng chức năng bắt được tên Chương Nấm, thu một súng M16.
Sau đó, bọn cướp dự định gây án vào đêm Noel tại thị xã Long Xuyên, nhưng bị bao vây bắt 11 tên, thu hồi một số vũ khí, riêng tên Bảy Khê trốn thoát.
Hoạt động trở lại của bọn cướp do tên Bảy Khê cầm đầu đã gây lo sợ cho nhân dân trong vùng, buổi tối các gia đình không dám ra khỏi nhà, đóng chặt cửa. Tình hình an ninh trật tự căng thẳng ở địa phương đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Trước sự truy lùng ráo riết của lực lượng CA, tên Bảy Khê liên tục thay đổi địa bàn hoạt động. Cuối cùng, y chạy về ẩn nấp tại khu vực ấp Đông Thanh, xã Mỹ Thới, thị xã Long Xuyên. Tại đây bọn chúng lại tiếp tục gây ra nhiều vụ cướp. Sau khi cướp xong chúng thường đe dọa các gia đình không được báo cho CA hoặc chính quyền, nếu ai báo chúng sẽ giết. Nhân dân lo sợ không dám tố cáo tội ác và nơi ẩn nấp của bọn chúng. Vào đầu năm 1983 chúng lại cướp tài sản của nhân dân và bắn bị thương nhiều người. Bảy Khê thường không ở lâu một nơi, buổi tối thường ngủ trên cây, ở những nơi hẻo lánh, hiểm trở nên rất khó bắt.
Được tin Bảy Khê đang chuẩn bị một vụ cướp lớn và nếu cướp được nhiều tài sản thì y sẽ cho tay chân đánh phá trạm kiểm soát giao thông, trạm thu thuế buôn chuyến Vàm Cổng, sẽ bắn chết cán bộ nhân viên ở đây rồi trốn sang địa bàn khác… Lực lượng CA đã bí mật bắt Bảy Sáng là tay chân của Bảy Khê tại chợ Long Xuyên. Bảy Sáng ngoan cố không chịu khai nơi ẩn nấp của Bảy Khê.
Lực lượng trinh sát đành khai thác vợ một tên đàn em thân tín khác của Bảy Khê, nhưng cũng chỉ biết khu vực ẩn nấp của Bảy Khê, không có địa chỉ cụ thể. Cuối cùng, lực lượng CA đành tiến hành phong tỏa chặt khu vực, dùng loa gọi hàng, tuy nhiên bọn chúng chống trả quyết liệt. Lực lượng cảnh sát buộc phải nổ súng tiêu diệt toán cướp Bảy Khê, chấm dứt mối họa cho nhân dân.
(Còn nữa)
Theo Sỹ Hào - Hoàng Vượng
Pháp luật & xã hội