Tách hộ tịch khỏi tư pháp

Tách hộ tịch khỏi tư pháp
TP - Hôm qua, tại cuộc họp lần thứ ba, Ban soạn thảo Dự án Luật Hộ tịch đã có nhiều ý kiến góp ý xây dựng chức danh Hộ tịch viên, tách khỏi tư pháp. Nhiều ý kiến khác đồng tình với quy định Hộ tịch viên không được cửa quyền, sách nhiễu, không nhận hối lộ, không thu tiền trái pháp luật khi đăng ký hộ tịch... Có ý kiến còn đề nghị Hộ tịch viên không được tự thực hiện đăng ký hộ tịch cho bản thân và những người ruột thịt.

>Mỗi cá nhân sẽ có một sổ hộ tịch

Đại diện Tổ biên tập dự án Luật Hộ tịch cho biết, hiện ở các xã, phường, thị trấn trong cả nước đều có ít nhất một công chức tư pháp – hộ tịch. Bên cạnh việc giúp UBND cấp xã thực hiện việc quản lý và đăng ký hộ tịch ở địa phương, công chức tư pháp – hộ tịch còn phải đảm nhiệm rất nhiều công việc tư pháp khác như tuyên truyền pháp luật, hòa giải…

Thực tế, tính chất chuyên môn của công tác hộ tịch và công tác tư pháp là rất khác nhau. Trong khi các công tác tư pháp mang tính chất “hành chính trật tự” của chính quyền thì công tác hộ tịch đòi hỏi sự ổn định chuyên môn rất cao. Đây chính là những nguyên nhân làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.

“Căn cứ vào tình hình thực tế đó, Dự thảo Luật Hộ tịch quy định về chức danh Hộ tịch viên trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp, theo hướng chuyên nghiệp hóa chức danh Hộ tịch viên”, đại diện Tổ biên tập nói.

Theo Dự thảo Luật Hộ tịch, Hộ tịch viên là công chức cấp xã, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ tịch và giúp UBND cấp xã quản lý công tác hộ tịch, được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Hộ tịch viên phải có các tiêu chuẩn chung của công chức cấp xã theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn: có trình độ từ trung cấp luật trở lên, được đào tạo kỹ năng về đăng ký và quản lý hộ tịch.

“Hiện có khoảng 11.000 cán bộ tư pháp – hộ tịch, trong đó nhiều người chưa tốt nghiệp trung cấp luật. Tôi đề nghị phải có giải pháp kế thừa để sử dụng được họ như mở các lớp đào tạo trung cấp luật để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội - ông Phạm Xuân Phương đề nghị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG