Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình: Bị đề nghị 19 - 20 năm tù

Ngoài Nguyễn Tuấn Dương (thứ hai từ trái sang) được đề nghị chuyển tội danh, 8 bị cáo bị đề nghị giữ nguyên tội cố ý làm trái
Ngoài Nguyễn Tuấn Dương (thứ hai từ trái sang) được đề nghị chuyển tội danh, 8 bị cáo bị đề nghị giữ nguyên tội cố ý làm trái
TP - Hôm qua, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình từ 19-20 năm tù về hành vi cố ý làm trái. Tám bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3-18 năm tù.

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Theo vị đại diện Viện kiểm sát (VKS), bị cáo Phạm Thanh Bình cùng các đồng phạm đã không tuân thủ quy định pháp luật, không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn trong các dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen, nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, nhà máy nhiệt điện Diesel Cái Lân, đầu tư tàu Bình Định Star và thương vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Cũng theo công tố viên, hành vi của các bị cáo còn để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, gây dư luận xấu, bất bình trong xã hội, làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế của Tập đoàn, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân với Nhà nước, ảnh hưởng đời sống hàng chục ngàn lao động…

Theo kết luận điều tra, các bị can đã gây thiệt hại 469 tỷ đồng trong thương vụ mua bán tàu Hoa Sen. Tuy nhiên, đại diện VKS kết luận, số tiền thiệt hại ở dự án này lên đến 650 tỷ đồng.

Tại dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, đại diện VKS nhận định bị cáo Nguyễn Tuấn Dương (nguyên Chủ tịch HĐQT Cty Cửu Long) không bàn bạc thỏa thuận với các bị cáo khác, không đồng phạm trong vụ án, do đó không chịu trách nhiệm trong số tiền do bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (nguyên GĐ Cty Hoàng Anh Vinashin) vay vốn.

Tuy nhiên, bị cáo Dương đã sử dụng 20 tỷ đồng vốn vay để nhập máy móc, nên công tố viên đề nghị tòa chuyển tội danh truy tố ông Dương về hành vi sử dụng trái phép tài sản, buộc bồi thường 20 tỷ đồng và lãi suất vay cho Cty Cửu Long. Bị cáo Dương bị đề nghị tuyên từ 3-4 năm tù giam.

Đề nghị xem lại thiệt hại

Trong phần tranh tụng, luật sư Chu Đông (bào chữa cho bị cáo Phạm Thanh Bình) cho rằng, các quyết định của ông Bình đều thông qua HĐQT Vinashin, ông này chỉ là người ký sau khi đã được thông qua.

“Theo tôi, bị cáo Bình không chỉ đạo làm trái trong vụ mua tàu Hoa Sen”- LS Đông nói.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Giám đốc Cty TNHH Một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin), lại cho rằng, ông Liêm chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Bình trong dự án tàu Hoa Sen.

Luật sư này đề nghị đại diện VKS đưa ra những căn cứ chứng minh thiệt hại của dự án lên đến 650 tỷ đồng.

LS Trương Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Hoàng Gia Hiệp (nguyên Phó TGĐ Cty Tài chính TNHN Một thành viên Công nghiệp tàu thủy - VFC) cũng đề nghị đại diện VKS tính lại con số thiệt hại từ dự án mua tàu Hoa Sen.

“Vì sao đang từ con số 469 lên tới hơn 650 tỷ đồng? Đại diện VKS căn cứ vào đâu để có cách tính thiệt hại ra con số đó?”- LS Tuấn nói.

Hôm nay (30-3), phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.

Tám bị cáo bị đề nghị án về tội cố ý làm trái

Phạm Thanh Bình từ 19-20 năm tù, Trần Văn Liêm 17-18 năm, Tô Nghiêm 17-18 năm, Nguyễn Văn Tuyên 15-16 năm, Trịnh Thị Hậu 13-14 năm, Hoàng Gia Hiệp 12-13 năm, Trần Quang Vũ 11-12 năm, Đỗ Đình Côn 11-12 năm.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị tuyên buộc các bị cáo Bình, Liêm, Hậu, Hiệp liên đới bồi thường cho Cty Viễn Dương hơn 650 tỷ đồng và tiền lãi; các bị cáo Bình, Tuyên, Côn liên đới bồi thường cho Cty Hoàng Anh hơn 23 tỷ đồng và tiền lãi; các bị cáo Bình, Nghiêm liên đới bồi thường cho Cty Cái Lân hơn 66 tỷ đồng và tiền lãi; bị cáo Vũ bồi thường cho TCty Nam Triệu hơn 18 tỷ đồng và tiền lãi…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG