Cấp xã: Lạm dụng biện pháp mạnh với dân

Ông Huỳnh Văn Nam chỉ nơi bị Công an xã “đánh và nhấn xuống sình” Ảnh: Sáu Nghệ
Ông Huỳnh Văn Nam chỉ nơi bị Công an xã “đánh và nhấn xuống sình” Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Ở chính quyền cơ sở một vài địa phương đang có hiện tượng tùy tiện sử dụng lực lượng công an để làm những việc vượt quá thẩm quyền.

Tranh quyền của tòa án

Chủ tịch UBND huyện Thới Lai (Cần Thơ) Nguyễn Thanh Danh nói về vụ việc vừa xảy ra tại xã Đông Bình: “Làm như vậy là đàn áp dân, sai rồi. Tranh chấp đất, chính quyền xã chỉ hòa giải, nếu không được thì chuyển hồ sơ đến tòa án xử rồi có thi hành án thực hiện”.

Vụ tranh chấp đất trong gia tộc ông Huỳnh Văn Nam ở ấp Đông Phước, xã Đông Bình; đám ruộng ông Nam được cấp bìa đỏ năm 1992, cho em gái làm lúa, sau đó muốn lấy lại em gái không trả. Xã hòa giải không thành, thay vì chuyển hồ sơ cho tòa án thì xã buộc “giữ nguyên hiện trạng”, để em gái ông Nam tiếp tục sạ lúa.

Ông Nam không chấp hành, ngày 28-11-2011, đem lúa giống ra sạ, liền bị Chủ tịch xã Lương Việt Vững huy động công an “đánh đập, còng tay” (theo đơn của ông Nam). Chủ tịch Vững giải thích với PV Tiền Phong, đám đất do ông Nam đứng tên, ông gieo sạ là hợp pháp, nhưng tranh chấp còn liên quan đám đất khác nữa và “chủ trương của thường trực Đảng ủy, UBND và HĐND xã là giữ nguyên hiện trạng để giữ cái tình”.

Tuy nhiên, ông Vững thừa nhận “giữ cái tình” bằng còng số 8 sai thẩm quyền đã khiến vụ việc thêm phức tạp.

Ông Nam làm đơn gửi Công an huyện Thới Lai “đến nay vẫn chưa thấy giải quyết” nên nhờ báo chí “công khai những việc làm sai trái” của cán bộ xã. Chủ tịch huyện Nguyễn Thanh Danh nói “hoan nghênh báo chí tác động để xây dựng chính quyền địa phương được tốt hơn”.

Trấn áp người tâm thần

Ngày 24-1-2010, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Sóc Trăng kết luận, ông Nguyễn Ngọc Anh 65 tuổi, ở ấp Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) “thiểu năng tuần hoàn hai bán cầu”. Ông Anh từng, tham gia kháng chiến, làm Xã đội phó xã Vĩnh Hiệp, từ khi bị bệnh thì vợ bỏ, sống dựa vào mẹ ruột 82 tuổi Dương Thị Láng, cũng là mẹ liệt sỹ.

Ngày 19-10-2011, ông Anh bị ông Nguyễn Hoàng Huy (Phó ấp kiêm công an viên, Tổ trưởng tổ hòa giải ấp) dùng roi điện chích, theo đơn của 38 người dân thì ông Anh “té xuống đất…”. Báo cáo ngày 24-11 của UBND xã Vĩnh Hiệp thừa nhận “công an xã đến khống chế, khóa tay ông Anh đưa về trụ sở công an làm việc”.

Bà Láng nhờ ông Nguyễn Viết Đàng là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Tân Hưng đến bảo lãnh để đưa ông Anh đi viện, thấy ông Anh “ở trần, bị còng hai tay treo lên cửa sổ”. Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Châu ghi nhận, ông Anh bị vết thương khắp người và “đau dữ dội”.

Nguyên nhân vụ việc là ông Anh lên cơn tâm thần nên quậy phá. Dân ấp bất bình ở chỗ, ông bị bệnh mà đối xử tàn nhẫn, sau này công văn của UBND xã lại cho rằng ông Anh “say rượu”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.