Kết luận điều tra bổ sung nhằm chứng minh khoản tiền hơn 13 tỷ đồng thuộc tài sản nhà nước bị thất thoát hay không, và nếu thất thoát thì ai phải chịu trách nhiệm? Nguyên do, Cty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Bạc Liêu triển khai dự án dân cư phường 5 (TX Bạc Liêu), đến thời điểm cổ phần hóa vào tháng 6-2006, còn hơn 10ha đất chưa bán được.
Giá trị phần đất ấy, khi cổ phần hóa được căn cứ theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2006 của Cty (đã thông qua Sở Tài chính). Tuy nhiên, nếu theo giá mới do UBND tỉnh quy định thì giá trị phần đất này phải tăng thêm hơn 13 tỷ đồng nữa. Giám định tài chính của Bộ Tài chính xác nhận số tiền chênh lệch và kết luận điều tra bổ sung khẳng định, quá trình cổ phần hóa đã làm thiệt hại cho Nhà nước hơn 13 tỷ đồng.
Chịu trách nhiệm về “số tiền thất thoát”, theo kết luận điều tra bổ sung, có 3 người: Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa Phạm Trung Hiếu (PGĐ Sở Tài chính), Tổ trưởng Tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo Phạm Văn Quang (GĐ Cty) và Kiểm toán viên Vũ Thị Kim Anh (ở Cty Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt). Căn cứ quyết định thành lập Ban chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu thì ông Hiếu có trách nhiệm lớn nhất trong “thẩm tra và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố giá trị doanh nghiệp”. Kế tiếp là kiểm toán viên, vì được thuê kiểm toán để xác định giá trị doanh nghiệp. Cuối cùng là trách nhiệm của Tổ trưởng giúp việc.
Tuy nhiên, kết luận điều tra bổ sung lại xác định trách nhiệm trước sai phạm của ba người này theo một trình tự ngược lại. Ông Trưởng ban Hiếu có dấu hiệu phạm tội “Thiếu trách nhiệm...”, nhưng CQĐT dựa vào một công văn của Viện KSND tỉnh Bạc Liêu để cho rằng, trong quyết định phân công trách nhiệm của UBND tỉnh “chỉ ghi nhận trách nhiệm pháp lý chung” mà “không quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý của Trưởng ban”, nên kết luận “không có căn cứ xử lý cá nhân ông Phạm Trung Hiếu”.
Về kiểm toán viên Vũ Thị Kim Anh, kết luận điều tra bổ sung nhận định “đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cố ý làm trái…”. Tuy nhiên, “xét về mặt chủ quan không chứng minh được động cơ mục đích phạm tội nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Còn ông Tổ trưởng giúp việc Phạm Văn Quang, kết luận điều tra nhận định “lẽ ra (…) phải có trách nhiệm tìm hiểu nắm kỹ các quy định của Nhà nước”, nhưng do thiếu trách nhiệm nên “không tìm hiểu, nghiên cứu và nắm kỹ”; để kiểm toán viên xác định giá trị doanh nghiệp không chính xác. Vì thế, ông Quang đã “gây thất thoát tài sản cho Nhà nước” hơn 13 tỷ đồng, đề nghị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”. Như vậy, phiên tòa tới đây sẽ “khuyết” hai người mà theo nhiều chuyên gia pháp luật thì trách nhiệm về sai phạm của họ nặng hơn ông Quang.