> Dự kiến xét xử Lê Văn Luyện trong tháng 11
Cướp vàng để chuộc xe
Bản kết luận điều tra nêu, sau khi học xong lớp 9, Lê Văn Luyện đi làm thợ xây tại Hà Nội và một số tỉnh khác. Từ tháng 3-2011, Luyện theo chú rể mình là Trương Văn Nhị (SN 1975, cùng thôn) làm tại phường Bưởi, quận Ba Đình (TP Hà Nội). Ngày 12-8, Luyện bỏ việc và mượn chiếc xe Dream BKS 98N4-7155 của anh Nhị rồi mang đi cầm cố được 5,5 triệu đồng.
Có tiền, Lê Văn Luyện lao vào các cuộc ăn chơi tại một số địa phương rồi quay lại Bắc Giang khi số tiền sắp hết. Để có tiền chuộc xe và tiếp tục ăn chơi, Luyện nảy sinh ý định cướp tiệm vàng. Ngày 20-8, Lê Văn Luyện nhờ Tạ Văn Giang (SN 1993), trú tại xã Mỹ An (Lục Ngạn) đưa lên thị trấn Chũ (Lục Ngạn) mua 1 ba lô, 1 đèn pin và 1 dao phớ do Trung Quốc sản xuất.
Ngày hôm sau, Luyện bắt xe buýt về thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) mua 1 dao nhọn, dạng dao gấp tại chợ Gai. Khi đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, Luyện đi loanh quoanh trên địa bàn huyện để tìm địa điểm gây án. Chiều 22-8, Luyện bắt xe từ thị trấn Đồi Ngô về TP Bắc Giang.
Khi qua khu phố Sàn (xã Phương Sơn), đối tượng phát hiện hiệu vàng Ngọc Bích nằm ngay bên quốc lộ 31, lại có các thanh sắt trang trí nằm ngang, có thể dễ dàng trèo lên tầng 3 đột nhập vào trong nên quyết định chọn làm địa điểm gây án.
Ngay tối 22-8, Lê Văn Luyện quay lại phố Sàn để tìm cơ hội đột nhập vào hiệu vàng Ngọc Bích. Tuy nhiên do gần đó có quán ăn đêm nên Luyện vào trong chợ Sàn nằm chờ và ngủ quên đến 4 giờ sáng 23-8. Lúc này, do quán bán bánh mỳ liền kề với hiệu vàng đã mở cửa nên đối tượng không thực hiện được hành vi, buộc phải đến thuê phòng tại nhà nghỉ Vàng Anh ở gần đó, ngủ vùi đến 17 giờ.
Thanh toán tiền nhà nghỉ xong, Luyện đi ăn rồi đứng đối diện với hiệu vàng quan sát. Do gặp người quen nên Luyện phải đi loanh quanh, chờ cơ hội. Khoảng 3 giờ ngày 24-8, phát hiện thấy quán bán bánh mỳ không mở cửa, trong khi trời bắt đầu nổi gió và mưa, Luyện trèo theo cây lộc vừng trước cửa nhà bán bánh mỳ và hiệu vàng leo lên mái tôn rồi trèo tiếp theo những thanh sắt nằm ngang leo lên ban công tầng 3 của tiệm vàng.
Sát thủ máu lạnh
Sau khi sử dụng dao phớ và tay cậy cửa chính đột nhập vào trong, Lê Văn Luyện để ba lô, dép tại phòng ngủ ở gần cửa rồi cài dao phớ sau lưng, tay cần dao nhọn và đèn pin kiểm tra các phòng nhưng không phát hiện gì. Lúc này, Luyện định vào phòng ngủ của anh Trịnh Thành Ngọc (SN 1974), chủ hiệu vàng và vợ là chị Đinh Thị Chín (SN 1976) để sát hại nhưng do sợ không giết được nên xuống tầng 1. Tại đây, Luyện đã ngắt cầu dao điện và rút đường chuyền máy camera rồi lên tầng 3 nằm chờ cơ hội giết từng người để cướp tài sản.
Sau khi ra tay sát hại cả gia đình, Lê Văn Luyện lên tầng 3 rửa vết thương rồi đi dép và lấy ba lô xuống cậy tủ lấy toàn bộ số vàng tại 2 khoang, tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Sau đó đối tượng gọi điện cho anh họ là Trương Thanh Hồng (SN 1992), cùng thôn Sơn Đình đến đón rồi đưa đến khâu vết thương tại Trạm Y tế xã Thanh Lâm.
Tiếp đó, đối tượng nhờ Hồng chở đi bắt xe lên nhà cô ruột là Lê Thị Định (SN 1980), trú tại huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Tuy nhiên, “lưới trời lồng lộng”, Lê Văn Luyện đã sa lưới sau đúng 1 tuần gây án khi y đang có mặt tại biên giới Việt Trung.
Ngay sau khi xác định rõ hung thủ, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các tội: “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với Lê Văn Luyện. Các đối tượng Lê Văn Miên (bố đẻ Luyện), Trương Thanh Hồng (anh họ Luyện), Lê Thị Định (cô ruột Luyện) và Lê Thành Nghi (chồng Định) bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm”. Trong khi đó, bố mẹ đẻ Trương Thanh Hồng là Trương Văn Hợp, Dương Thị Lược bị khởi tố về tội “Không tố giác tội phạm”.
Sự ân hận muộn màng
Ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận vụ án và chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố Lê Văn Luyện và các bị can, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc, trao đổi với luật sư Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Luật TNHH một thành viên số 1 (Đoàn Luật sư Bắc Giang) - luật sư được chỉ định bào chữa cho bị can Lê Văn Luyện.
Theo ông Ngọc, nội dung của bản kết luận điều tra trùng khớp với diễn biến của vụ việc và thông tin báo chí đã nêu. Về phía hung thủ Lê Văn Luyện, ông Ngọc cho biết: “Trong các buổi tiếp xúc, hỏi cung, Lê Văn Luyện luôn tỏ ra kiệm lời và thành khẩn khai báo. Đối tượng đặc biệt ân hận về hành vi cứa cổ cháu Trịnh Thị Thảo. Mỗi khi nhắc đến cháu Thảo, Luyện đều cúi mặt và không nói gì. Cũng tại các buổi tiếp xúc, Luyện luôn gửi lời xin lỗi đến cháu Trịnh Thị Bích - nạn nhân duy nhất còn sống và mong cháu tha thứ”.
Về mức án dành cho Luyện, ông Ngọc khẳng định, việc Lê Văn Luyện tỏ ra ăn năn hối cải và thành khẩn khai báo cũng như việc chủ động bồi hoàn những tổn thất mà gia đình nạn nhân phải chịu là những yếu tố giảm nhẹ tội trước tòa theo luật định. Tuy nhiên, trong vụ án này, Luyện đã ra tay sát hại cả một gia đình, tội ác của Luyện không thể tha thứ. Do vậy, chắc chắn Lê Văn Luyện sẽ phải chịu mức án tối đa là 18 năm tù.