'Dễ tham nhũng vì còn nặng cơ chế xin-cho'

'Dễ tham nhũng vì còn nặng cơ chế xin-cho'
TP - Việc cấp phép hoạt động khoáng sản vẫn mang nặng cơ chế xin - cho, chưa ngăn chặn được tình trạng đầu cơ trong khi nhiều quy định của Luật không còn phù hợp với thực tế và khó thực hiện, dễ gây ra tham nhũng bởi sự tùy tiện trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản.

Thăm dò, khai thác khoáng sản:

'Dễ tham nhũng vì còn nặng cơ chế xin-cho'

Cảnh báo trên được ông Trịnh Văn Bền, Phó Cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra tại Hội thảo bàn tròn hôm qua, chuẩn bị cho Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 9 với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản” do Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

Sáu dạng sai phạm

Đánh giá việc quản lý và khai thác tài nguyên đất và khoáng sản trong những năm qua, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cũng cho rằng còn nhiều sơ hở, bất cập dẫn đến thực trạng sử dụng chưa hiệu quả các nguồn tài nguyên.

“Qua thanh tra, phát hiện 6 dạng sai phạm xảy ra ở tất cả các khâu của hoạt động khai thác khoáng sản. Từ ban hành văn bản, hoạt động cấp phép, hoạt động khai thác đến các vi phạm về quản lý môi trường, về chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác và các quy định trong quản lý xuất khẩu khoáng sản” - Ông Lê Tiến Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ 1 TTCP, cho biết.

Điển hình, trong ban hành văn bản, cơ quan chức năng phát hiện những văn bản có nội dung trái với luật khoáng sản, như “quy định thời hạn cấp phép lần đầu không quá 5 năm, một lần gia hạn không quá 3 năm”; dẫn đến việc lách luật của doanh nghiệp để trốn thăm dò khai thác khoáng sản trước khi cấp phép.

Hơn nữa, quy định “tất cả các trường hợp xin cấp phép hoạt động khoáng sản phải có ý kiến đồng ý của UBND tỉnh thì Sở TN-MT mới được tiếp nhận hồ sơ”, đã tạo ra cơ chế độc quyền, xin - cho, gây phiền hà cho doanh nghiệp...

Và những kẽ hở

Ngoài ra, TTCP còn chỉ ra 4 kẽ hở trong cơ chế, chính sách trong quản lý, khai thác khoáng sản. Đơn cử, Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã được Thủ tướng phê duyệt, song đến nay vẫn chưa có chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản Việt Nam làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong từng giai đoạn. Chính bởi thế, đã dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan không có cách gì ngăn cấm.

Qua thanh, kiểm tra cho thấy có tới 8/16 tỉnh, thành phố được kiểm tra vẫn còn các điểm khai thác trái phép. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, hoạt động này diễn ra khá công khai và chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã không có giải pháp xử lý hiệu quả, quyết liệt.

Bổ sung ý kiến, ông Trịnh Văn Bền cho rằng, hoạt động chuyển nhượng quyền khai thác đem lại nguồn thu đáng kể cho doanh nghiệp, trong khi Nhà nước không thu được khoản phí hoặc thuế nào từ hoạt động này, do đó cần siết chặt hoạt động chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, nhằm tránh tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại giấy phép.

Nêu ý kiến tại hội thảo, đại diện Viện Tư vấn phát triển Việt Nam cũng chỉ ra bất cập trước tình trạng khoán trắng cho doanh nghiệp trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dẫn đến việc giấu không công bố hết trữ lượng tài nguyên, khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Đây cũng chính là kẽ hở phát sinh tiêu cực, tham nhũng tài nguyên quốc gia.

Đánh giá về những nỗ lực phòng chống tham nhũng trong quản lý đất đai sau Cuộc đối thoại lần thứ 8, GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN - MT) cho rằng: Giải pháp giảm nguy cơ tham nhũng bằng cách tăng thu nhập cho cán bộ địa chính được đưa ra tại Cuộc đối thoại lần 8 là không khả thi. Chính vì thế, việc giảm tham nhũng nhanh gần như không thể thực hiện nhanh được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG