Tiếp vụ Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng:
Lời khẩn cầu của mẹ hai nạn nhân vụ 'cò' ngân hàng
> Ngân hàng kỷ luật nhân viên và tiếp tục đòi nợ
> Không tạm giam vì bị can có thai
> Công an điều tra vụ 'dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng'
> Ai bảo vệ dân nghèo?
> Sao không ai trả lời chị Phúc?
Chứng kiến cái chết đau đớn của hai người con, để lại hai đứa cháu nội thơ dại (cháu trai lớn sáu tuổi, cháu gái nhỏ mới lên hai), đồng thời thấy nhiều người dân trong buôn đều là nạn nhân của cò Hoa tiếp tục bị ngân hàng đòi nợ, có người bị cơ quan thi hành án định giá tài sản chuẩn bị cưỡng chế, ngày 8-4-2011, bà Tám viết đơn kêu cứu gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Viện Kiểm sát và Công an tỉnh Đắk Lắk. Chờ ba tuần không thấy hồi âm, bà gửi tiếp đơn kêu cứu đến báo Tiền Phong, dưới đơn có chữ ký của cả gia tộc hai nạn nhân Hậu - Phúc.
Đơn có đoạn viết: “Vụ việc cô Nguyễn Thị Hoa bắt tay với cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp - Phòng giao dịch Tân Lợi đã làm hại đến người dân nghèo, và dân nghèo đã làm hàng trăm lá đơn kêu cứu, tố cáo gửi đến tất cả các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có hai đứa con của tôi, gồm con trai là Nguyễn Hậu và con dâu là Đào Thị Phúc.
Vậy mà gần hai năm nay, các hộ dân chúng tôi chưa được một cơ quan nào trả lời và giải quyết cho chúng tôi, chính vì vậy mà những người dân nghèo ít học như con chúng tôi khi bị Ngân hàng đòi nợ, đòi siết tài sản (trực tiếp là ông Nguyễn Văn Nhân) đã dẫn đến sự lo lắng hoang mang tột cùng và dẫn đến cái chết thương tâm cho Phúc và Hậu.
Tôi mong người có thẩm quyền bằng mọi biện pháp sớm giải quyết vụ việc, bà Nguyễn Thị Hoa phải trả giá cho sự lừa đảo của mình cũng như những cán bộ ngân hàng có liên quan…”.
Một nạn nhân bị rao bán tài sản
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Bùi Văn Phụng là một trong số những nạn nhân của cò Nguyễn Thị Hoa. Theo bà Nguyệt, Hoa đã thông đồng với thủ quỹ Phòng giao dịch Tân Lợi, trực tiếp lĩnh trọn 500 triệu đồng bà nhờ vay. Khi bà Nguyệt đến hỏi tiền, Hoa nói đã lĩnh 500 triệu đồng để đáo hạn gấp cho người khác, nếu muốn lấy tiền nhanh, bà Nguyệt phải vay nóng giùm Hoa thêm 200 triệu đồng. Cả tin, bà Nguyệt vay nóng của bà Trương Thị Mười 200 triệu đồng, đưa cho Hoa.
Vụ cò Hoa lừa đảo vỡ ra, bà Nguyệt cùng 52 hộ khác gửi đơn kiện. Bốn bìa đỏ gồm một lô đất thổ cư và ba đám rẫy cà phê của vợ chồng bà đang bị thế chấp tại Agribank Đắk Lắk, trở thành vật chứng trong vụ kiện. Song, do bà Mười kiện đòi nợ, TAND TP Buôn Ma Thuột ngày 6-8-2010 tuyên ông bà Nguyệt - Phụng phải trả cho bà Mười 363 triệu đồng.
Đến ngày 16-3, Chi cục Thi hành án đã thẩm định giá trị tài sản của bà Nguyệt, và ngày 26-4-2011 cho đăng trên báo, đài thông báo sẽ bán đấu giá 3 lô rẫy vào ngày 30-5-2011.
Chứng kiến cảnh thẩm định giá, ông Phụng đột quỵ tại chỗ, bà Nguyệt đòi tự tử. Xóm giềng khuyên giải mãi ông Phụng bà Nguyệt mới gắng gượng lại và gửi đơn kêu cứu khắp nơi.
Sáng 27-4, PV Tiền Phong điện thoại cho đại tá Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, hỏi vì sao ông từng hứa sẽ chỉ đạo tạm ngưng phát mãi tài sản của các nạn nhân bị cò Hoa lừa đảo, sao cơ quan Thi hành án vẫn rao chuẩn bị bán đấu giá?
Đại tá Rơi cho biết, lãnh đạo Công an tỉnh đã giao Cơ quan CSĐT làm việc với ngân hàng, đề nghị hoãn xử lý các khoản tài sản liên quan trong vụ án.
Chiều cùng ngày, đại tá Trần Kỳ Rơi cho biết, cán bộ điều tra vừa qua làm việc với Cơ quan Thi hành án, sẽ không có chuyện phát mãi tài sản của bất cứ nạn nhân nào khi chưa kết thúc điều tra vụ án.