Cuộc đời là những “chuyến đi”
Ngược thời gian về thời điểm năm 1997, khi ấy Hòa mới 17 tuổi đầu và đang là học sinh lớp 11 nhưng đã có những mánh khóe “hai ngón” tinh vi và ngoạn mục đủ để khiến giới lục lâm thảo khấu ở thị xã Sơn Tây (Hà Tây cũ) phải cúi đầu tâm phục khẩu phục.
Cũng năm ấy, khi bạn bè cùng trang lứa đang hối hả vùi đầu trong các lò luyện thi để chuẩn bị cho cuộc “vượt vũ môn” qua cánh cổng đại học thì Hòa lại chuẩn bị hành trang đi thi hành 24 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản” do TAND thị xã Sơn Tây xử phạt.
Sau khi ra tù, Hòa vẫn còn quá trẻ và hoàn toàn có cơ hội làm lại cuộc đời nếu chịu ăn năn hối cải. Tuy vậy, với bản tính lười lao động, thích ăn chơi, lại giỏi trò trộm cắp nên Hòa đã “ngựa quen đường cũ”. Không những thế, lần này Hòa còn thể hiện “bản lĩnh giang hồ” bằng cách... đi ăn cướp.
Mãn hạn tù chưa đầy 1 năm, Nguyễn Văn Hòa lại “khăn gói quả mướp” vào khám nằm tiếp 20 năm tù về hai tội “Trộm cắp tài sản” và “Cướp tài sản” do TAND tỉnh Hà Tây tuyên phạt.
Bản án 20 năm tù với một thanh niên 19 tuổi tưởng như đã lột tả hết chất lưu manh, côn đồ của một tên tội phạm trẻ tuổi. Nhưng vào đến trại giam rồi Hòa còn nhiều lần bị trích xuất đi nhiều nơi để hầu Tòa, gộp án về hàng loạt vụ án rất nghiêm trọng khác mà hắn đã gây ra trước khi bị bắt.
Theo đó, năm 2001, Hòa bị TAND thị xã Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) phạt 4 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” và tội “Chiếm đoạt tiêu hủy tài liệu cơ quan Nhà nước”. Năm 2002, Hòa bị TAND tỉnh Lạng Sơn phạt thêm 4 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Bắt mối làm quen, nuôi ý định trốn trại
Với tổng cộng 28 năm tù phải thi hành, xác định ở tù sẽ “mọt gông” nên trong quá trình bị giam giữ tại Trại giam Xuân Nguyên (TP Hải Phòng), Hòa tìm cách vượt ngục nhưng không thành. Trả giá cho hành vi trốn trại của mình, Hòa phải lĩnh thêm 3 năm tù về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”.
Sau lần trốn trại này, phạm nhân Nguyễn Văn Hòa bị chuyển đến buồng giam khu 1, phân trại số 1, Trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc) để tiếp tục thi hành án.
Tại buồng giam mới, Hòa ở chung với hơn 60 phạm nhân khác. Trong đó, hắn nhanh chóng kết thân với Nông Đức Hạnh (SN 1979, ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) và Nguyễn Minh (SN 1973, ở xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội), hai phạm nhân đang chấp hành án tù chung thân về tội “Giết người”.
Mặc dù đã thi hành được 7 năm tù trong tổng số 31 năm tù nhưng Hòa vẫn nuôi ý định trốn khỏi nơi giam giữ. Đầu tháng 7-2009, Nguyễn Văn Hòa mua một lưỡi cưa sắt của một người thợ xây không rõ tên tuổi với giá 500.000 đồng, mang về bẻ đôi, giấu vào dưới đáy thùng rác ở lô sản xuất trong trại giam. Có được lưỡi cưa, Hòa ngỏ ý rủ Hạnh và Minh trốn cùng và nhận được sự đồng ý. Chúng thống nhất sẽ cưa song cửa sổ sắt ở gần nơi Hạnh nằm để trốn ra ngoài.
Hành trình trốn trại của 3 phạm nhân
Sau khi được Hòa đưa cho hai mảnh lưỡi cưa sắt, Hạnh đem giấu trên mái tôn nhà tắm ở lô sản xuất. Để công cuộc trốn trại diễn ra một cách hoàn hảo, khoảng 10 ngày sau Hòa lấy một chiếc màn tuyn ở lô sản xuất về đưa cho Hạnh xé làm dây buộc để trèo tường, đồng thời cũng chuẩn bị một móc sắt, hai thanh tre khô, một áo ghi-lê, còn Hạnh cũng lấy một chiếc quai xô làm thành một chiếc móc.
Chiều 26-8-2010, sau khi hết giờ làm việc tại lô sản xuất, Hạnh lấy lưỡi cưa cuốn vào khăn tắm đồng thời đổ một ít dầu ăn vào một cái chai, mang về buồng giam giấu gần vị trí nằm của Hạnh.
Khoảng 17h30 cùng ngày, sau khi cán bộ điểm danh phạm nhân xong, Hạnh lấy hai lưỡi cưa cắm vào hai chiếc vỏ bật lửa để làm chuôi và bắt đầu cắt song sắt ở gần vị trí Hạnh nằm.
Để che mắt các phạm nhân khác, Hạnh lấy vỏ chăn căng lên che kín cửa sổ, đồng thời khi cắt Hạnh nhỏ dầu ăn vào vết cắt để “bịt” tiếng động, còn mạt cưa Hạnh hứng vào giẻ lau rồi mang xuống nhà vệ sinh giặt. Để đối phó với cán bộ quản giáo, chúng cắt cử Minh cảnh giới.
Cứ như vậy, mỗi ngày Hạnh cắt được 2 vết. Đến 22h30 ngày 28-8, 6 vết cắt đã được hoàn tất, trong đó có 2 vết của thanh ngang, 4 vết của thanh dọc. Sau khi giấu lưỡi cưa, Hạnh lấy màn tuyn xé ra buộc với áo thun và khăn len, bện thành một sợi dây dùng để trèo qua tường rào thép gai.
Mọi vật dụng vượt ngục đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ngay đêm hôm đó, Hòa, Hạnh, Minh đã trốn ra khỏi buồng giam. Sau khi ra được bên ngoài, cả ba đi theo đường phía sau của buồng giam đến tường rào bảo vệ của phân trại rồi dùng que tre nối vào móc sắt ngoắc lên dây thép gai trèo ra ngoài, chạy thục mạng vào rừng...
Ngay sau khi 3 phạm nhân trốn thoát, Đội Bắt giữ của Trại giam Vĩnh Quang đã được điều động đi truy lùng. Chiều hôm sau, 29-8-2010, Hòa và 2 đồng bọn bị phát hiện tại xã Yên Dương, huyện Tam Đảo. Hạnh bị bắt tại chỗ, Hòa và Minh chạy đến xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch mới bị tóm gọn.
3 phạm nhân lập tức bị trích xuất về Trại Tạm giam Công an tỉnh Vinh Phúc để phục vụ công tác điều tra xét xử về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”. Tuy nhiên, tại đây Hòa lại tiếp tục lôi kéo bạn cùng bị giam vượt ngục một lần nữa.
(Còn tiếp)
Theo Văn Minh
Pháp luật Việt Nam