Riêng Nguyễn Thị Họa My, cho đến phút cuối trước khi bị Cơ quan Công an dẫn giải đi, cô ta vẫn khá bình tĩnh, không hề khóc lóc như thái độ thường thấy ở các đối tượng phạm tội khác. Có lẽ khi thực hiện kế hoạch lừa đảo, cả My và chồng đã lường trước được hậu quả. Chỉ có điều, muốn có nhiều tiền, muốn giàu nhanh không thua kém người khác, cặp vợ chồng trí thức này đã sẵn sàng làm liều, liều đến mức những người lớn tuổi phải lắc đầu không chấp nhận nổi.
Nguyễn Phượng Ly và chiếc ôtô Venza mua từ tiền lừa đảo. |
Muốn giàu nhanh, muốn có nhà đẹp, xe ôtô đẹp để cho nhà chồng và bạn bè "biết mặt". Đó là Nguyễn Phượng Ly (SN 1986, ở tổ 35 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ly từng đỗ Đại học Giao thông vận tải và đi du học tại Nga.
Năm 2007, Ly về nước, lấy chồng cũng là một bạn du học. Mẹ chồng Ly xin cho con dâu vào làm việc tại một cơ quan Nhà nước nhưng Ly chê lương thấp, không chịu làm. Ly cũng không chịu ở chung với nhà chồng mà đòi ra ở riêng để tự lập cuộc sống và quyết tâm sẽ làm giàu cho mọi người biết được tài năng của Ly.
Mẹ chồng Ly đành thuê một căn hộ cho vợ chồng Ly ở riêng. Và rồi, chỉ sau một thời gian ngắn, Ly giàu lên thật khiến hàng xóm xung quanh cũng phát ngợp vì cái sự giàu có một cách bất thường của cô con dâu trẻ tuổi này.
Đầu tiên, Ly sắm một "con xe" Venza nhập khẩu có giá 1,6 tỉ đồng. Chưa biết lái xe, cô ta thuê ngay một tài xế riêng, trả lương 3 triệu đồng/tháng. Sau đó một thời gian ngắn, Ly mua một ngôi nhà 3 tầng tại phường Trung Hòa với giá trên 3 tỉ đồng.
Ngày dọn về nhà mới, Ly cho sửa sang lại toàn bộ nội thất, dùng toàn đồ xịn, lát sàn gỗ, bể cá âm tường, dàn tivi màn hình phẳng cỡ lớn treo khắp các phòng... Riêng tiền sắm sửa cho nhà mới này lên tới 400 triệu đồng khiến ai vào cũng choáng vì gia chủ quá chịu chơi. Đùng một cái, Nguyễn Phượng Ly bị Cơ quan Công an bắt giữ. Lúc đó, mẹ chồng cô mới biết rõ nguyên do cái sự giàu lên nhanh chóng của cô con dâu thích làm giàu này.
Thì ra trong thời gian ở nhà nuôi con nhỏ, không biết làm gì để kiếm nhiều tiền, Ly lên mạng, lấy thông tin về các dự án bán nhà chung cư trên các sàn giao dịch, Nguyễn Phượng Ly đã làm giả hợp đồng mua bán nhà, dùng chứng minh nhân dân nhặt được để giả mạo tên tuổi, đăng báo rao bán nhà đất trên mạng với giá hấp dẫn. Khi có khách mua, Ly thuê người đóng giả nhân viên của các công ty kinh doanh nhà, thuê một căn hộ tại khu đô thị Mỹ Đình, giới thiệu là nhà của mình để người mua tin tưởng về "nguồn gốc" người bán.
Ý định của Ly là sau khi lừa lấy tiền xong sẽ "bùng". Bị hại cứ theo địa chỉ cô ta thuê nhà tìm đến, thì lúc đó Ly đã cao chạy xa bay rồi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ly đã lừa đảo chiếm đoạt gần 6,4 tỉ đồng từ việc bán "chung cư ma" bằng cách làm giả hợp đồng mua bán nhà của 5 dự án: INTRACOM 2 - Phú Diễn, HC Complex, N08 Nguyễn Phong Sắc, 99 Hồ Tùng Mậu và dự án chung cư trên đường Trần Duy Hưng. Ly đã dùng ngay tiền lừa đảo để mua sắm "tưng bừng" khiến thiên hạ hoa hết cả mắt.
Đặng Thị Kim Dung và những con dấu, chữ ký giả do cô ta "sản xuất". |
Dù tiếp xúc với khá nhiều đối tượng lừa đảo thuộc diện cao thủ nhưng khi nhắc đến Đặng Thị Kim Dung (SN 1982, ở phố Định Công, Phương Liệt, Thanh Xuân), các điều tra viên Phòng PC46 Công an Hà Nội đều có chung nhận xét, cô này ít tuổi nhưng thật "quái chiêu", lừa đảo chiếm đoạt hơn 40 tỉ đồng dễ như bỡn.
Cũng giống như Nguyễn Phượng Ly và Nguyễn Thị Họa My, Dung là một trí thức trẻ, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ năm 2005. Ra trường, cô vào công tác tại một hiệp hội nghề nghiệp và làm thêm công việc môi giới bất động sản.
Theo khai nhận của Dung, năm 2009, Dung nhận tiền đặt cọc của nhiều khách hàng có nhu cầu mua nhà tại dự án Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội do Tập đoàn HUD là chủ đầu tư, Công ty CP Tasco là nhà đầu tư thứ cấp. Do không thực hiện được việc mua bán nhà dự án cho khách hàng, bị phạt tiền nên Dung trở thành "con nợ" của nhiều người.
Bí bách về tài chính, tháng 6-2010, Dung đã nghĩ ra kế hoạch lừa đảo. Cô ta liên kết với Đặng Thị Thiên Hương, họa sĩ thiết kế làm cùng cơ quan, làm giả các bộ hợp đồng góp vốn, phiếu thu tiền có con dấu và chữ ký của lãnh đạo Công ty Tasco để lừa bán cho khách hàng.
Sau khi Hương sản xuất các loại giấy tờ giả này bằng phương pháp scan, in phun màu, Dung làm nhiệm vụ tập ký chữ ký giả của ông Phạm Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tasco rồi ký trực tiếp lên bản hợp đồng giả mạo trên.
Với số giấy tờ giả này, Dung đã bán các ô đất "ma" cho 2 cá nhân, chiếm đoạt 42,6 tỉ đồng. Dung dùng một phần tiền chiếm đoạt được để trả nợ cho các chủ nợ trước. Còn lại, cô ta chia tiền lập thành gần chục quyển sổ tiết kiệm, khoe với mọi người trong gia đình đây là tiền lãi buôn bán bất động sản.
Kết cục buồn đến với cả 3 cô gái 8X Nguyễn Thị Họa My, Nguyễn Phượng Ly, Đặng Thị Kim Dung. Từ những cô gái trí thức, họ đã tự biến mình thành "siêu lừa" và phải trả giá đắt cho một phút cuồng vọng muốn kiếm tiền, làm giàu nhanh bằng con đường bất chính.
Theo Công an nhân dân