“Hát với nhau” rồi "đi với nhau"

“Hát với nhau” rồi "đi với nhau"
Để tăng thêm phần hấp dẫn, cuốn hút, chủ quán nhậu bổ sung vào chương trình vài “ca sĩ hát với nhau” rồi “đi với nhau”. Thế là những ông thích hát, mê “đào” ngày càng gắn bó với quán với mục đích không còn lành mạnh nữa.
“Hát với nhau” rồi "đi với nhau" ảnh 1
Hát với nhau tại một quán nhậu

"Dốc hết tình này ta trả nợ đời…" - tiếng rống thảm thiết của cô "ca sĩ" Hồng Thu làm "rung động" bao thực khách có mặt tại quán nhậu T.N. nằm trên đường Bác Ái, quận Thủ Đức. Nhiều ông khách vỗ tay tán thưởng, những bông hồng có "nhụy" được trao tay. Hồng Thu rời sân khấu rồi đi tới một bàn nhậu nơi có một vị khách vẫy tay mời gọi. Sau khi uống một ly bia để chào xã giao, Hồng Thu bật quẹt châm thuốc hút trông rất sành điệu.

Hồng Thu năm nay 28 tuổi, đã có 2 con. Chồng Thu vì không chịu nổi cảnh Thu mê ca hát, bỏ bê gia đình nên hai người đã chia tay. Thu đưa hai con nhỏ về sống nhà mẹ ruột rồi đi hát kiếm tiền nuôi con.

Mỗi đêm chầu chực từ 19-22h, số tiền mà Thu được trả trọn gói chỉ từ 50.000-70.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó còn chưa đủ mua phấn son, quần áo để đi hát chứ huống chi là nuôi con. Để cải thiện đời sống, Thu đành phải chấp nhận những cái bẹo má, bá vai của khách nhậu để kiếm mấy chục ngàn tiền "boa". Rồi vì chạy theo đồng tiền, Thu sẵn sàng chấp nhận những lời mời mọc qua đêm…

Quán nhậu H.Q. ở phường Tân Thới Nhất (quận 12) có chương trình “hát với nhau” tồn tại nhiều năm nay. Chính nhờ chương trình này mà quán luôn đông khách, phần đông là những người đàn ông trung niên có máu văn nghệ mỗi khi ngà say. Cũng giống như ở T.N., quán H.Q. cũng có một "đội quân" là những "ca sĩ" miệt vườn.

Trong số đó, Thanh Thủy quê ở Dĩ An (Bình Dương) thì ngoài ca nhạc, cô còn "chuyên trị" những bài tân cổ giao duyên hay những bài bản Phụng Hoàng, Nam Ai… nghe rất bùi tai, mùi mẫn. Vì vậy mà Thủy thường xuyên được những ông khách say mèm bắt hát song ca, hay "hát kèm" bài vọng cổ, cô lấy đó làm niềm vui cho đời "ca sĩ" của mình.

Ngày trước, Thủy vốn là một cô gái yêu văn nghệ nhưng năng khiếu thì có hạn nên không thể tiến xa. Biết thân phận của mình, Thủy tìm đến tụ điểm “hát với nhau” để thỏa mãn niềm đam mê. Thời gian đầu đến với "hát với nhau", Thủy khá nghiêm túc và thường tỏ vẻ khó chịu mỗi khi có vị khách nào đó sàm sỡ. Nhưng rồi dần dà, bản lĩnh của Thủy đành phải xiêu lòng trước cơn lốc đồng tiền của bậc "đại gia"…

Có còn cứu vãn được không?

Năm 1999, Quận đoàn Thủ Đức là nơi khai sinh ra chương trình "hát với nhau" để phục vụ cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn quận. Nó thật sự là một sân chơi bổ ích. Và "điểm sáng văn hóa" này đã được các ban, ngành chức năng TP HCM xem như là một mô hình độc đáo cần được nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố. Nhiều địa phương đã kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng điểm "hát với nhau" nhằm đẩy mạnh chương trình xã hội hóa văn hóa.

Những tụ điểm "hát với nhau" mới của tư nhân như SaKê, Vườn Xanh (quận 12) được nhanh chóng hình thành, lập tức tạo thành một làn sóng ủng hộ rất mạnh mẽ của tầng lớp thanh niên. Nhờ có chương trình này mà tối đến thanh niên ít tụ tập nhậu nhẹt, quậy phá nên lãnh đạo địa phương rất phấn khởi.

Chỉ khoảng 2 năm sau, khi TP HCM mọc lên khá nhiều điểm "hát với nhau" thì Quận đoàn Thủ Đức đóng cửa "đứa con tinh thần" của mình, lý do là không có nguồn kinh phí để thuê ban nhạc. Tiếp đến thì SaKê, Vườn Xanh và nhiều tụ điểm khác cũng giải nghệ vì thu không đủ chi. Với những người lọc lõi trong kinh doanh quán xá, họ biết "hát với nhau" chỉ có thể sống trong môi trường ăn nhậu.

Chính họ là những người bày vẽ ra chuyện tặng "bông hồng có nhụy" để làm nguồn kinh phí thuê ban nhạc phục vụ cho chương trình. Để tăng thêm phần hấp dẫn, cuốn hút, chủ quán bổ sung vào chương trình vài "ca sĩ hát với nhau" rồi "đi với nhau". Thế là những ông thích hát, mê “đào” ngày càng gắn bó với quán với mục đích không còn lành mạnh nữa.

Làm sao để kéo lại một sân chơi lành mạnh cho thanh niên? Một số chuyên gia trong lĩnh vực này nói rằng, nhiều địa phương vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ kinh phí để thực hiện các chương trình vậy tại sao không thể vận động để tổ chức một sân chơi "hát với nhau" miễn phí đúng nghĩa cho thanh niên?

Theo CAND

MỚI - NÓNG