Vụ án “trộm cổ vật” ở Bắc Giang: Chứng cứ gỡ tội có ngay trong hồ sơ!

Vụ án “trộm cổ vật” ở Bắc Giang: Chứng cứ gỡ tội có ngay trong hồ sơ!
TP - Vật chứng của vụ án do anh Đủ nộp lại là một chiếc kìm gỉ, đã nằm sẵn ở ruộng từ lâu. Vậy rõ ràng đây không phải tang vật của vụ trộm các bị cáo vứt lại hiện trường vào đêm mùng 5 rạng ngày 6/6/2001 như cáo trạng cáo buộc!
Vụ án “trộm cổ vật” ở Bắc Giang: Chứng cứ gỡ tội có ngay trong hồ sơ! ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Quý Đoan  đang khai ra những chứng cứ ngoại phạm

Liên tiếp trên 2 số báo 125 và 126, Tiền phong đã có bài tường thuật phiên tòa xét xử 8 bị cáo bị cáo buộc trộm cắp tượng phật và đồ thờ cúng trong các đình chùa, khi ra tòa họ đồng loạt kêu oan.

Số báo này đi sâu vào những chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo, nằm ngay trong hồ sơ do cơ quan điều tra xây dựng.

“Chuyện lạ” về chiếc kìm và 5 bao tải dứa

Trong 7 vụ trộm cáo trạng cáo buộc các bị cáo, vật chứng thu được tại hiện trường gồm: 01 chiếc kìm cộng lực; 01 thanh sắt nhọn; 05 chiếc bao tải dứa. Sau khi bị bắt, các bị cáo đã được cho nhận dạng, và đã nhận đúng các đồ vật này.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc kỹ hồ sơ, người ta sẽ thấy, chiếc kìm và 5 chiếc bao tải dứa hóa ra lại... không phải là vật chứng của vụ án!

Vì sao lại có chuyện lạ như vậy?

Trước hết nói về chiếc kìm. Nó được coi là phương tiện các bị cáo dùng để ăn trộm tại chùa Khám Lạng (xã Khám Lạng, Lục Nam, Bắc Giang), đêm mùng 5 rạng sáng mùng 6/6/2001. Tuy nhiên, tại “Biên bản khám nghiệm hiện trường” do cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Nam lập sáng 6/6/2001, đã ghi rõ “không thu được dấu vết gì”.

Chiếc kìm (loại kìm cộng lực) được thu giữ nhiều ngày sau đó, do một nông dân trong xã là anh Nguyễn Xuân Đủ nhặt được tại ruộng khoai trước cổng chùa, đem nộp cho công an xã.

Ngày 13/6/2001, các điều tra viên Công an huyện Lục Nam đã thu giữ chiếc kìm này. Trong “Biên bản ghi lời khai” của anh Đủ do các điều tra viên lập cùng ngày, anh Đủ đã khai rõ: Anh Đủ nhặt được chiếc kìm trước hôm xảy ra vụ mất trộm 1 - 2 hôm.

Hôm phát hiện vụ mất trộm (6/6/2001), anh Đủ đang chăn vịt ngoài đồng, có người nói lại, anh Đủ mới biết. Một điều nữa, khi anh Đủ nhặt được chiếc kìm, nó đã bị nước mưa hoặc sương làm cho bị gỉ, cho thấy có thể nó đã nằm ở ruộng khoai trước cửa chùa nhiều ngày, trước khi anh Đủ nhặt được.

Như vậy, dựa vào những tài liệu có ngay trong hồ sơ, thì chiếc kìm này không phải là tang vật của vụ trộm các bị cáo vứt lại hiện trường vào đêm mùng 5 rạng ngày 6/6/2001 như cáo trạng cáo buộc!

Chuyện về 5 bao tải dứa được coi là tang vật còn lạ lùng hơn. Theo cáo trạng, đây là 5 bao tải các bị cáo để lại tại hiện trường (đã cho 5 tượng phật vào, nhưng thấy động nên để lại), trong vụ trộm tại chùa Bến (xã Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang), đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2/7/2003.

Nghiên cứu kỹ hồ sơ, người ta sẽ thấy Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã thu giữ 5 chiếc bao tải không phải là vật chứng của vụ án!

Nguyên vụ trộm này, ban đầu do Công an huyện Lạng Giang khởi tố, điều tra. Các điều tra viên của huyện Lạng Giang đã lập “Biên bản khám nghiệm hiện trường” ngày 2/7/2003, ghi mẫu vật thu được là 05 bao tải dứa.

Tiếp đến, ngày 4/7/2003, các điều tra viên huyện Lạng Giang đã lập “Biên bản thu hồi tang vật”, chính thức thu giữ 05 chiếc bao tải; trong biên bản ghi rõ: “thu giữ 05 chiếc bao loại xác rắn màu tro, kích thước chiều dài của 5 bao là 1m37, chiều rộng của 5 bao là 99 cm”.

Sau này, vụ trộm được chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục thụ lý. Về nguyên tắc, tang vật của vụ án phải được Công an huyện Lạng Giang chuyển cho Công an tỉnh Bắc Giang, và phải được bảo quản trong kho tang vật.

Không ai hiểu vì sao, ngày 26/12/2003, các điều tra viên Công an tỉnh Bắc Giang lại về xã Mỹ Hà thu giữ tiếp 5 chiếc bao tải dứa. Tại “Biên bản tạm giữ vật chứng” được lập cùng ngày, ghi rõ 5 chiếc bao tải lần này có đặc điểm “bao tải tơ dứa màu xám, có vạch kẻ màu đỏ ở giữa bao, có kích cỡ giống nhau: chiều rộng 1,00m; chiều dài 1,25m”.

Rất dễ nhận thấy 5 chiếc bao tải dứa Công an tỉnh thu làm “vật chứng” sau này, cả kích thước và màu sắc đều cho phép khẳng định chúng không phải là những bao tải do bọn trộm vứt lại tại hiện trường trong vụ trộm đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2/7/2003!

Lấy tượng bà Lan, trao cho bà Sỏi!?

Bà Nguyễn Thúy Lan, trú tại 33 Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường hay chế tác, sửa chữa, tân trang tượng phật, rồi đem cúng tiến vào các đình chùa.

Một hôm, có điều tra viên của Công an tỉnh Bắc Giang vào nhà bà Lan, chìa ra mấy bức ảnh tượng phật, bà Lan nhận ra ngay đó là 4 bức tượng phật do một nhà sư mang đến nhờ bà sửa, rồi không thấy quay lại lấy. Vì vậy, bà đã cúng tiến vào đình Phú Đô (Từ Liêm, Hà Nội) và chùa Cả (Hữu Lũng, Lạng Sơn).

Sau khi bà Lan nhận ra những pho tượng trong bức ảnh, các điều tra viên đã “vui vẻ” mời bà đi cùng để giúp họ “điều tra bọn ăn cắp tượng phật”. Thế rồi bà Lan trở thành bị can thứ tám của vụ án, với tội danh “chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”!

Các điều tra viên tỉnh Bắc Giang đã thu giữ cả 4 pho tượng bà Lan đã cúng tiến vào đình, chùa. Sau đó, họ trả lại cho bà 2 pho, vì xác định không phải là tang vật trộm cắp. C

òn 2 pho tượng thu giữ được ở chùa Cả (Lạng Sơn), bị coi là “tang vật” của vụ trộm tại chùa Khám Lạng (Lục Nam, Bắc Giang) tối 16 rạng 17/6/2001, và chúng trở thành chứng cứ quan trọng nhất để cột tội cả 8 bị cáo của vụ án.

Dựa vào đâu mà Cơ quan điều tra cho rằng 2 pho tượng thu giữ tại chùa Cả (Lạng Sơn) chính là tượng bị mất cắp tại chùa Khám Lạng (Bắc Giang)? Số là, sau khi thu giữ 2 pho tượng ở chùa Cả, cơ quan điều tra lập tức mời bà Phạm Thị Sỏi – hội Người cao tuổi ở xã có chùa Khám Lạng - đến để “nhận dạng”.

Bà Sỏi nhận ra 2 pho tượng này là ở chùa Khám Lạng bị mất, do trước đây bà thường chùi tượng, vẫn nhớ 2 pho này có đặc điểm một pho có vết đen ở lòng bàn tay, còn pho kia có một “núm đinh” trồi lên trên đỉnh đầu. Nhờ sự nhận dạng của bà Sỏi, 2 pho tượng “tang vật” đã được trả về cho chùa Khám Lạng, trước khi vụ án được đưa ra xét xử...

Theo điều tra riêng của các PV báo Tiền phong, bà Lan cho biết tượng của bà làm bằng gỗ dổi hoặc de, còn trong hồ sơ của cơ quan điều tra, tượng bị mất cắp làm bằng gỗ mít (đây là 2 loại gỗ có khối lượng riêng rất khác nhau).

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, tượng bị mất cắp tại chùa Khám Lạng là 2 pho A Nan và Ca Diếp. PV báo Tiền phong đã hỏi chuyện một chuyên gia về Phật học, được biết tượng A Nan và Ca Diếp đứng hàng thứ ba trong gian tam bảo, ở thế đứng, 2 tay chắp, đầu tròn (không đội mũ).

Còn 2 pho tượng cơ quan điều tra thu giữ của bà Lan tay có cầm bông sen, đầu đội mũ tỳ lư, theo chuyên gia Phật học thì không phải tượng A Nan và Ca Diếp.

Sự thật 2 pho tượng cơ quan điều tra thu giữ của bà Lan là tượng đức Phật gì, có niên đại ra sao, chỉ có thể xác định bằng một Hội đồng khoa học trong đó có các chuyên gia về Phật học và chuyên gia về bảo tồn bảo tàng, chứ không thể một mình bà nông dân Phạm Thị Sỏi có thể “nhận dạng” được. 

MỚI - NÓNG