Một phạm nhân cao tuổi trong đợt đặc xá dịp 2/9/2010. Ảnh: Thùy Chi. (GiadinhNet). |
Chúng tôi gặp những phạm nhân tuổi “xưa nay hiếm” này ở Trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương).
Khổ vì yêu
Ở Trại giam Hoàng Tiến, mọi người coi ông như một nghệ sĩ thực thụ. Chuyện suy tôn này khởi nguồn từ hai lý do: Thứ nhất, ông hay chữ, hay thơ phú; thứ hai, tính ông lúc nào cũng hài hước, nói chuyện là thấy yêu đời, thấy cuộc đời phơi phới, tất nhiên, trừ những lúc ông buồn.
Ngày ông gặp tôi là ngày cuối cùng ông mặc chiếc áo của nhà tù. Sáng mai, ông mãn hạn, trở về với đời, kết thúc cái án tù 27 tháng bởi tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Chuyện ông đi tù ly kỳ như tiểu thuyết. Ông bảo, ông đi tù là vì tình, vì mình không “dạy bảo” trái tim mình tới nơi tới chốn!
Trại giam Hoàng Tiến hiện tại có 30 phạm nhân trên 60 tuổi. Phạm nhân cao tuổi nhất là bà Đinh Thị Tèo, sinh năm 1932, ở Hải Phòng. Bà Tèo thụ án 8 năm tù về tội “Buôn bán trái phép chất ma tuý”.Tên ông là Trần Đình Tuyển, quê ở TP. Hải Dương. Có lẽ, bởi hay cười nên trông ông trẻ hơn so với tuổi 75 rất nhiều. Ông bảo, tính ông lãng tử nên trái tim cũng thích… phiêu lưu. Ông vào chốn chẳng ai muốn này cũng bởi cái tính “giời đánh không chừa” ấy. “Mỗi người có một cái số! Số mình nó thế thì phải… thế thôi!”. |
Ông cười. Nụ cười không thấy “hương vị” của đắng cay, chua chát. Đi bộ đội về, bởi nhiệt huyết, sôi nổi nên ông được mời tham gia nhiều lĩnh vực công tác ở địa phương. Dù ở bất cứ lĩnh vực nào, ông cũng là trung tâm của sự chú ý. Mọi người mến ông bởi cứ khi có sự tham gia của ông thì phong trào lên như diều gặp gió.
Không chỉ tham gia công tác đoàn thể, ông còn là thành viên tích cực của Hội thơ thành Đông (Hội của những người yêu thơ tỉnh Hải Dương). Yêu thơ, thích văn nghệ nên tâm hồn ông lúc nào cũng sùng sục như chàng trai tuổi đôi mươi. Ông thừa nhận, mình là người… già không đều. Chuyện này thì vợ ông là người hiểu ông nhất.
Bà bằng tuổi ông, lấy nhau từ lúc tóc còn xanh, giờ con đàn cháu đống, lại trải qua bao vất vả nhọc nhằn nên so với ông thì như đôi đũa lệch. Bởi hiểu ông, bởi biết “đũa lệch” chẳng thể cố “so vừa” nên khi đến “tuổi hưu” bà đã tìm cho ông “lối thoát”: “Ông à, tôi đi chùa rồi. Ông xem tìm lấy bà nào trẻ trung hơn mà vui vầy tuổi già. Tôi không cấm đâu!”. Được bà mở cửa, như con chim lâu ngày bị giam hãm trong chiếc lồng chật hẹp, ông xổ cánh bay.
Ông tiết lộ: “Nhiều bà mê tôi lắm! Tính sơ sơ, từ cầu Phú Lương đến Nhà máy Sứ (điểm đầu và điểm cuối của tỉnh Hải Dương), có đến cả chục bà đấy! Nhưng tôi thích bà ấy nhất!”. Người phụ nữ mà ông nói tới ở đây là người cho ông những phút giây ngọt nồng ngây ngất và cũng chính là người đã đưa ông đến cánh cửa của nhà tù. Bà ấy tên H, chồng mất sớm, sống quạnh quẽ cũng đã mấy chục năm. Bà kém ông đến hai mươi tuổi, đẹp phây phây.
Chuyện ông quan hệ với bà H được nhiều người biết, thậm chí chính gia đình ông cũng tán thành, vun đắp. Ông kể, bà H đã nhiều lần đến nhà ông chơi. Không những thế, vợ ông còn rất mến người đàn bà goá bụa này. Bằng chứng là “hai chị em” còn mấy bận ngủ chung giường. Ông bảo, tình cảm đến mức ấy, thâm sâu đến mức ấy thì lấy gì chia rẽ được. Ấy thế mà… Ông xót xa nhận ra rằng, trong tình yêu, đắng cay, đau khổ là gia vị không thể thiếu…
Từ ngày đến với ông, bà H lại hay quan tâm, chăm lo cho gia đình ông hơn, còn việc nhà mình, đặc biệt việc nhà người chồng quá cố thì thường sao nhãng. Việc đó khiến “nhà bên ấy” không bằng lòng, họ tẩy chay, cự tuyệt, dùng đủ mọi cách để ép bà “vì nghĩa đoạn tình”. Trước sức ép ghê gớm, quyết liệt ấy, chẳng còn sự lựa chọn nào khác bà đành nuốt lệ làm theo.
Theo đó, bà viết đơn ra cơ quan công an, tố cáo rằng trong thời gian quan hệ với bà, ông đã vay mượn, đã tiêu xài của bà số tiền lên tới 80 triệu đồng. Trò chuyện với tôi, ông bảo, hoàn toàn không có chuyện đó, “đôi lứa yêu nhau”, “bà có chân giò thì ông cũng thò chai rượu” chứ ông không vay mượn gì bà.
Tuy nhiên, khi công an mời ông lên làm việc, nghĩ là chẳng ảnh hưởng gì nhiều, ông đã ký đại. Ông thừa nhận mình đã ăn tiêu của “người tình” số tiền trên. Vậy là, tê tái, bởi không có khả năng hoàn trả nên vụ án được khởi tố, ông bị bắt và bị kết án tù.
Cái chết của... lòng tin
Không có niềm may mắn như ông Tuyển, phạm nhân Phạm Tiến Hùng quê ở Móng Cái (Quảng Ninh) vẫn còn án tù đằng đẵng trước mặt. Gặp tôi, ông bảo, ông có điều lo lắng là không biết có được chết ở quê nhà hay phải nhắm mắt xuôi tay ở chốn cô đơn, tủi buồn này. Ông bị án 18 năm, tội “Trộm cắp tài sản”.
Đến giờ, ông mới “đi hết” được phần lẻ của bản án dài lê thê này. Năm nay ông tròn 70 tuổi. Bùi ngùi ông tâm sự, trước đây, có lẽ với cả người tà tâm ác khẩu cũng chẳng bao giờ nghĩ ông phải đi tù, đặc biệt lại tù ở cái tuổi chín chắn nhất của đời người. Ông bảo ông bị oan, nhưng cái oan này chẳng thể lý giải, thanh minh.
Ông có người bạn trong quân ngũ là người gốc Hoa, tên thường gọi là A Nhì. A Nhì cũng quê ở Móng Cái, ngày đi chiến trường gặp nhau ở Lao Bảo (Quảng Trị) nên tình cảm càng thêm thân thiết. Sau chiến sự năm 1979, A Nhì về nước. Từ đó hai người bặt tin nhau. Mãi sau này, khi mở lại cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, ông mới có dịp gặp lại người bạn đó ở chợ Móng Cái.
Gặp nhau sau mấy chục năm xa cách, ông đã mời A Nhì về nhà mình chơi. Sau cuộc hội ngộ ấy, A Nhì đề nghị: “Nhà mày rộng, cho tao đặt nhờ cái máy điện thoại nhé!”. Theo A Nhì thì đó là cái máy mẹ, nhỏ gọn thôi, ông ta đặt nhờ ở nhà ông để người Việt đi buôn bán ở Trung Quốc gọi điện về cho tiện. Thấy việc đó chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến sinh hoạt của gia đình, ông đã đồng ý.
Ông đâu biết rằng việc làm đó của A Nhì là phạm pháp. A Nhì đặt máy ở nhà ông với mục đích là câu trộm đường viễn thông. Vụ việc vỡ lở, nhà bị khám, ông bị bắt. Khi đó, cơ quan công an đã tạo điều kiện để ông sang Trung Quốc tìm A Nhì, thế nhưng, thấy động, người bạn này đã cao chạy xa bay. Tang chứng vật chứng rõ ràng, không thể thanh minh, ông đành phải chấp nhận sự truy tố của pháp luật. Thế nhưng, điều ông không thể ngờ là mình lại phải nhận mức án đến vậy.
Tuổi già cô quạnh
Ông Hùng thụ án tù từ năm 2002. Ngày ấy, ông mới có cháu, giờ thì đã có cả chắt ở hai đằng nội ngoại. Các chắt ông cũng đã lặn lội đường xa lên trại thăm ông mấy lần rồi, ông thấy nhớ chúng nhiều lắm. Và, mỗi khi nỗi nhớ da diết ấy ập về, ông cứ tha thẩn ngoài sân như người không còn hồn vía.
“Bây giờ quen rồi chứ khi mới đi trại, tôi sợ nhất là ngày tết, ngày lễ, đặc biệt là những ngày giỗ của gia đình!”. Ông bảo, những ngày ấy, khi còn ở nhà, các con các cháu quây quần, vui không biết đâu mà kể. Thế nhưng, từ khi đi tù, con cháu ông ở xa, dù thương bố thương ông lắm cũng chẳng thể nào thăm nom liên tục. Bởi thế, tết cũng mình ông, giỗ cũng chỉ mình ông. Tủi buồn không để đâu cho hết!
Ông Hùng đang cố gắng cải tạo bởi một niềm tin là ngày nào đó sẽ được giảm án, được ra tù sớm để trở về với gia đình. “Tôi cố gắng lắm nhưng không biết có đợi được đến ngày ấy không!?” - mắt rơm rớm, ông khẽ khàng trò chuyện.
Bởi là phạm nhân cao tuổi nên ông Hùng cùng nhiều phạm nhân khác ở trại giam này được miễn mọi hình thức lao động. Tuy nhiên, ông vẫn cố làm những việc lặt vặt trong trại. Ông bảo, ông phải vận động để có sức mà đợi ngày vui sẽ đến với mình.
Nói chuyện tương lai sau ngày ra tù, ông Tuyển thật thà, chuyện ông bị bắt rồi phải chịu án tù khiến nhiều người sốc, trong số đó có cả bà H, người mà ông đã mê mệt thương yêu. Ngay sau hôm ông đi trại, bà đã đến thăm ông.
Bà khóc lóc, bà ân hận, bà day dứt. Ông kể, mỗi lần lên thăm bà đều động viên ông cố gắng cải tạo tốt để được về sớm. Trong câu chuyện của bà, ông biết bà vẫn có ý… chờ ông. Thế nhưng, đương nhiên, ông đã cự tuyệt tất cả. Ông bảo, lần này về, ông không muốn dính dáng gì thêm tới chuyện tình cảm nữa bởi ông thấy mình nên “khép lại cửa lòng” để tuổi già thanh thản.
Theo Nông thôn Ngày nay