Cựu Tổng giám đốc Vinashin trần tình trước ngày bị bắt

Cựu Tổng giám đốc Vinashin trần tình trước ngày bị bắt
TP - Buổi sáng 29-8, ông Trần Quang Vũ nhận thông báo của Chính phủ đình chỉ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin); buổi chiều, chúng tôi gặp ông tại căn hộ nhà riêng. Thời điểm ấy, ông Vũ đã linh cảm mình sẽ phải theo chân ông Phạm Thanh Bình vào trại, nhưng chắc ông không thể nghĩ rằng nó đến nhanh như vậy.

>> Bắt cựu Tổng giám đốc Vinashin Trần Quang Vũ

Kỳ 1- Nhận cảm ơn đủ rồi, tham nhũng làm gì!

Vừa kéo chúng tôi vào phòng ngủ căn hộ (tại tầng 7, tòa nhà 17T6) để chuyện trò được kín đáo hơn, ông Vũ đã phân trần: Cho đến năm 2006, Vinashin làm được cái điều gọi là thần thánh, từ việc không đóng nổi tàu vài trăm tấn, nay đóng được tàu trọng tải hàng ngàn tấn, hiện đại.

Ông Trần Quang Vũ
Ông Trần Quang Vũ.

Phải công nhận lúc đó người ta xem mình như Phật sống, đi đâu cũng được nhắc tới. Nhưng bắt đầu câu chuyện tàu Hoa Sen, tôi phản ứng kịch liệt kế hoạch đầu tư. Nhưng lúc đó, mọi người say sưa quá, không ai nghe cả.

Đến khi tôi lên trên này (cuối năm 2009, ông Vũ lên Hà Nội-PV) hô hào cải cách. Tôi đề nghị làm ba việc: Phải tự thanh tra để làm rõ vấn đề của mình; kiểm toán độc lập; lập tổ nghiên cứu để cải cách đường lối. Song anh Bình (Phạm Thanh Bình) không nghe mà cứ hy vọng huy động được vốn. Tôi hô hào bán nhanh đi, co cụm lại lĩnh vực chính để tập trung sản xuất, đừng để vỡ quân.

Cũng vì mình đề nghị làm chặt quá, nên sau đó giữa tôi và anh Bình có mâu thuẫn về mặt quan điểm. Sau này, trước khi rời Vinashin, hai anh em có ngồi với nhau. Anh Bình nắm tay tôi và nói: “Thôi, giờ trông cả vào anh thôi, quyết giữ Vinashin nhé”.

Làm nhiều thì phải sai

Bị đình chỉ chức vụ, tâm trạng ông thế nào?

Tôi chỉ nghĩ thế này, bây giờ Vinashin như thế phải nói thẳng là quá xấu hổ. Ban lãnh đạo Vinashin bị hình phạt tới đâu thì chịu tới đó. Sai thì mình chịu, không né tránh.

Vợ con ông có than phiền gì không?

Vợ tôi cũng làm phóng viên như các anh (Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng), hai con còn nhỏ, thằng lớn mới học hết cấp ba. Mọi người biết, đều buồn. Nhưng đến nước này thì biết làm sao được.

Bị đình chỉ chức vụ, ông đã hình dung mình dính sai phạm cụ thể gì chưa?

Tôi chưa nghĩ ra. Có lẽ đó là một lỗi nào đó trong quá trình vận hành của mình, mà có thể là về mặt thủ tục. Chắc là tôi sẽ có cái sai, bởi vận hành một nhà máy suốt 5 năm như thế, lại kiêm nhiệm thì làm sao tránh được? Thôi, cái lỗi đó, tôi chịu. Mình vì trách nhiệm, mình ngu ôm vào thì đành chịu.

Nghe nói ông bị đình chỉ chức vụ là do có những sai phạm thời kỳ điều hành Tổng Cty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu (NASICO)?

Chắc thế, vì tôi ở trên này mới điều hành có hai tháng, còn chưa nhận một đồng tài trợ nào. Nhiều năm liền, tôi làm Tổng Giám đốc của NASICO, ban đầu chỉ có 300 người, diện tích hơn 5ha, đóng tàu bình thường cũng không xong, hoạt động như một hợp tác xã.

Nhưng sau khi được đầu tư, phát triển nhanh chóng, mỗi năm tôi tuyển 2.000 người, cao điểm có 13.000 người với tuổi bình quân 25, dạy họ từ đi vệ sinh chỗ nào, dạy cách tiết kiệm ra sao. Trong khi tôi đã bận thế rồi lại bắt kiêm nhiệm đủ thứ, vì không có người: Từ trục vớt tàu, kiêm quản lý cả đóng tàu Bến Thủy, Dung Quất, kiêm linh tinh. Chỗ nào khó họ lại giao tôi làm.

Cũng có thể do mình làm quá nhiều việc, nên không thể nói là không có sai phạm gì. Nhưng tôi tự hào đời tôi làm ở NASICO không mặc cả với bất cứ ai, không làm chuyện gì đểu giả. Tôi thề danh dự không bao giờ có cái chuyện đểu giả (tham ô, tham nhũng).

Nói thật, các chủ tàu người ta cám ơn tôi cũng đã đủ lắm rồi, đểu giả, bậy bạ làm cái gì. Thế thôi, bây giờ các bác ấy gọi, đình chỉ thì tôi chấp hành thôi. Chỉ thấy thông báo chung chung, đình chỉ để làm rõ một số vấn đề sai phạm trong quá trình thực thi công vụ.

Không biết ông Trần Quang Vũ nhận được “cảm ơn” từ mỗi con tàu bao nhiêu?
Không biết ông Trần Quang Vũ nhận được “cảm ơn” từ mỗi con tàu bao nhiêu?. Ảnh: Đình Thắng

Ông tự tin khẳng định không hề có tiêu cực, tham ô hay tham nhũng gì?

Đời tôi chưa bao giờ có chuyện đó. Các anh có thể đi hỏi các nhà thầu, các nhà cung cấp thiết bị sẽ thấy chưa bao giờ ông Vũ mặc cả với ai. Mà không bao giờ tôi lại đi làm chuyện đó. Tôi giao hết cho mỗi phó tổng giám đốc NASICO một việc. Thậm chí phiếu thu, phiếu chi, các cấp phó đều ký. Cho nên tôi tự tin. Sắp tới, cơ quan điều tra hỏi, tôi sẽ trả lời minh bạch, tuyệt đối không né tránh.

Phá tàu bán sắt vụn nuôi quân (?)

Dám phá cả con tàu Bạch Đằng Giang trị giá gần 200 tỷ đồng bán sắt vụn, có vẻ ông cũng liều đấy chứ?

Đây là con tàu trên tập đoàn mua, chuyển cho tôi. Khi nhận về, tôi cũng đã chi ra hơn chục tỷ đồng để hoán cải, làm một năm tốn kém bao nhiêu vì tàu xuống cấp. Tàu 30 tuổi xuống cấp về neo ở đó, trộm cắp, bão tố, v.v. Cuối cùng tôi xin phép cho cắt bán sắt vụn vì không có tiền trả lương.

Mà anh tính, khi cả vạn người không có lương thì khốn nạn đến mức nào. Quân của tôi đều ở quê lên, họ không có tiền. Hai vợ chồng rời công ty là chết.

Lúc đó tôi xin phép, Tập đoàn đồng ý cho phá tàu Bạch Đằng Giang bán sắt vụn, còn máy tàu trục ra dùng cho tàu khác. Tôi giao cho anh Ngọc (hiện là Tổng Giám đốc NASICO - PV) phải chỉ đạo tập trung làm đúng, chỉ dùng tiền đó chi cho sản xuất. Bởi lúc đó đang thực hiện đóng kho nổi FSO5 cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (kho chứa dầu nổi FSO5 tải trọng 150 nghìn tấn, trị giá khoảng 169 triệu USD-PV).

Đau một cái là dự án đóng FSO5 về, ông Bình không có tiền nên lấy tiền của FSO5 trả nợ, tôi mới phải cho bán tàu Bạch Đằng Giang....

Còn những nghi ngờ về sai phạm khi đóng kho chứa dầu nổi cho Tập đoàn Dầu khí VN thì sao?

Kho chứa dầu nổi FSO5 nếu không có tôi thì be bét. Lúc đầu không phải giao cho Nam Triệu làm, Nam Triệu chỉ lắp ráp mà thôi. Lúc đó giao cho Bạch Đằng, Hạ Long, Phà Rừng… Nhưng khi các đơn vị kia bắt tay vào làm, thiết kế họ chuồn hết nên mới cuống cả lên.

Ông Bình mới họp HĐQT lại và quát lên, ngu quá. Tôi hỏi sao mà ngu, Thủ tướng giao Vinashin làm FSO5, nếu làm được thì thương hiệu lên. Ông Bình bảo, thế làm thế nào? Tôi nói, anh để đấy em làm.

Khi tôi làm, thiết kế quay lại ngay. Khi tập đoàn dầu khí chuyển tiền trả, ông Bình lấy đi trả nợ cho các khoản khác. Thế là tôi chết đứng, tiền không có thì làm sao tiến độ đóng kho nổi không chậm. Việc đóng kho nổi, riêng việc mua sắm vật tư tôi không hề dính vào, nên tôi chẳng có gì mà ngại.

Cũng chính vì không có tiền trả nợ lương công nhân, nên chúng tôi mới xẻ tàu Bạch Đằng Giang lấy máy lắp cho tàu nội địa, còn vỏ tàu bán sắt vụn được mấy chục tỷ đồng chi lương, giải quyết khó khăn trước mắt.

Vừa rồi có nhà báo hỏi tôi có hổ thẹn không, tôi trả lời: Câu hỏi rất hay và thẳng thắn, nhưng đây là lỗi hệ thống. Tôi không muốn đổ vấy trách nhiệm cho người khác. Sau này cơ quan chức năng sẽ làm rõ.

Việc đóng kho chứa dầu nổi bị chậm hai năm chỉ là do không có tiền sao?

Nó có 2 nguyên nhân: Do khâu tổ chức chưa tốt, đây là trách nhiệm chung của cả tập đoàn, các đơn vị sản xuất chưa tốt. Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn là, bắt đầu mua vật tư thì giá cả tăng vọt. Sau đó lại gặp khủng hoảng tài chính, không có tiền làm. Khi khách hàng trả tiền thì ông Bình lấy tiền đó trả nợ…

Nhưng đây là lệnh Thủ tướng giao, chẳng lẽ các ông không sợ bị kỷ luật?

Bây giờ ông Bình đã bị thế rồi, tôi không muốn nói nhiều, sợ mang tiếng nói xấu. Sau này chắc chắn cơ quan điều tra sẽ làm rõ, và tôi mong đợi ngày đó để mọi việc được sáng tỏ.

Hôm nhận được thông báo đình chỉ chức vụ, chia tay anh em Vinashin, cảm giác ông thế nào?

Chia tay anh em, tôi chỉ nói thế này: Đấy, bây giờ nhà có đám, anh em mới thấy đau thương. Ngày xưa nhiều tiền dễ sống với nhau, nhưng khổ cái là không chịu lo mà quản trị. Bây giờ anh em phải đoàn kết lại.

Tôi cũng nói thẳng, nếu không chịu quản trị lại, đố ai thoát được khó khăn. Muốn vực dậy Vinashin, anh phải là những người Cộng sản những năm 1930 trong 5 năm liền. Thực sự các anh phải nhìn thấy nỗi nhục này thì mới phát triển được.

Ông Trần Quang Vũ trong thời gian làm Tổng giám đốc NASICO mặc dù biết Chính phủ không cho mua tàu cũ nhưng đã cùng với ông Bình lập dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang. Ông Vũ đã dùng tàu này thế chấp Cty Tài chính Công nghiệp Tàu thủy thuộc Vinashin để vay 106 tỷ đồng từ vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ.

Đến khi tàu không sử dụng được, ông Vũ đã cho phá dỡ bán sắt vụn, chưa được sự đồng ý của lãnh đạo tập đoàn Vinashin và không thông báo cho đơn vị nhận thế chấp là Cty Tài chính Vinashin. Số tiền bán sắt vụn, các cá nhân liên quan cũng không hoàn trả Cty tài chính, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Bá Kiên - Đình Thắng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
TPO - Khoảng thứ Bảy (28/12), ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ được cải thiện do không khí lạnh tràn về. Tuy nhiên, ngay sau đó, khoảng 30/12, Hà Nội và miền Bắc ô nhiễm không khí sẽ trở lại.
NSƯT Hà Đình Hào qua đời
NSƯT Hà Đình Hào qua đời
TPO - Theo thông tin từ gia đình, nghệ sĩ trống gạo cội Hà Đình Hào qua đời chiều 25/12, hưởng thọ 76 tuổi. Ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 2012, là một trong số ít nghệ sĩ trống ở Việt Nam có danh hiệu này.