>> Vụ nữ sinh trúng đạn: Đình chỉ công tác 1 cảnh sát
Nữ sinh viên Hoàng Thị Trà đang điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Tuổi trẻ. |
Đại tướng Lê Hồng Anh khẳng định nếu có dấu hiệu thực hiện nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền, sai phạm phải khởi tố hình sự để xử lý trước pháp luật.
Cùng ngày, Phó giám đốc phụ trách về cảnh sát - Công an tỉnh Thái Nguyên, đại tá Nguyễn Hữu Tuấn đã thừa nhận có vụ việc nữ sinh viên Hoàng Thị Trà (Đại học SP Thái Nguyên) bị CSGT bắn trọng thương tại trung tâm TP Thái Nguyên vào đêm 6.8.
Hai chiến sĩ có liên quan đến sự việc là thiếu úy Trương Đình Hoàng và thượng sĩ Nguyễn Ngọc Hậu thuộc Công an TP Thái Nguyên.
Theo ông Tuấn, thời điểm xảy ra vụ việc, 2 chiến sĩ này đang thi hành công vụ và không mặc sắc phục do yêu cầu nhiệm vụ "hóa trang" theo kế hoạch của Công an TP Thái Nguyên thực hiện Tháng an toàn giao thông. Trong quá trình làm nhiệm vụ, hai CSGT đã được trang bị súng quân dụng, theo đó được phép sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Cũng theo ông Tuấn, hiện đã có quyết định đình chỉ công tác 3 tháng đối với thiếu úy Trương Đình Hoàng vì là người cầm súng để điều tra, còn thượng úy Nguyễn Ngọc Hậu không xử lý vì không liên quan đến chuyện sử dụng súng.
Trả lời câu hỏi: “Quy định nào cho phép CSGT hóa trang được sử dụng súng quân dụng?", thượng tá Đỗ Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Thái Nguyên vắn tắt: “CSGT là công an nên được phép cấp và sử dụng súng khi làm nhiệm vụ, không có văn bản nào quy định mặc thường phục hay không mặc thường phục thì không được dùng súng".
Khi PV đề nghị được xem bản kế hoạch cũng như làm rõ có bao nhiêu chiến sĩ làm nhiệm vụ công khai và hóa trang thì đại tá Tuấn từ chối với lý do "kế hoạch nội bộ công an, không thể công khai".
Xung quanh chuyện CSGT hóa trang đang có nhiều ý kiến gây tranh cãi và trong nhiều lần trả lời báo chí trước đây, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, để tránh việc bị lợi dụng, lực lượng CSGT hóa trang không được phép dừng phương tiện mà chỉ có nhiệm vụ phát hiện vi phạm và thông báo cho lực lượng công khai đến kiểm tra xử lý.
Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề này, đại tá Nguyễn Hữu Tuấn từ chối trả lời. "Đây là quy định nên không tranh cãi, nếu còn thắc mắc thì báo chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an", ông Tuấn nói.
Thông tin ban đầu cho biết đêm 6-8, trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám về khu gang thép (Thái Nguyên), anh Nguyễn Tuấn Hùng chở chị Hoàng Thị Trà (sinh viên khoa toán tin Đại học Sư phạm Thái Nguyên) không đội mũ bảo hiểm nên bị hai người mặc thường phục đuổi theo. Lo sợ gặp phải đối tượng cướp giật, cả hai đã bỏ chạy và bị truy đuổi. Được một đoạn, hai người mặc thường phục đuổi kịp, ép xe rồi tiếng súng nổ vang lên, chị Trà bị thương ở chân.
Người nhà nạn nhân cho biết ngay sau khi chị Trà được đưa đi bệnh viện, một số cán bộ công an có mặt tại khu vực nạn nhân cấp cứu, viện phí của chị Trà cũng do Công an Thái Nguyên đóng. Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) TP Thái Nguyên đã cử người đến thăm nạn nhân, đưa phong bì tiền. Gia đình chị Hoàng Thị Trà đã niêm phong phong bì, chờ xử lý.
Theo anh Nguyễn Tuấn Hùng (đang học tại Trường cao đẳng công nghiệp Việt Đức Thái Nguyên, người chở chị Trà), ngày 7-8 cơ quan công an có giấy mời anh Hùng đến làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy và lỗi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT.
Tại biên bản, anh Hùng ghi rõ ý kiến “tôi không công nhận lỗi không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông vì hai người đó không có dấu hiệu gì để tôi nhận biết đó là người kiểm soát giao thông”.
Đáng chú ý hơn, mặc dù ngày 7-8 anh Hùng mới đến làm việc nhưng biên bản lập đúng vào thời điểm xảy ra vụ việc, lúc 21h ngày 6-8-2010.
Theo đại tá Nguyễn Như Tuấn - phó giám đốc công an tỉnh, lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra sử dụng biện pháp công khai kết hợp hóa trang, phát hiện và truy đuổi anh Hùng và chị Trà do không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu. Trên đường truy đuổi, hai xe xảy ra va chạm và có tiếng súng nổ. Do đó, cơ quan công an chưa xác định có việc bắn súng hay không.
Ông Tuấn cho rằng có thể viên đạn bắn ra do hai xe va chạm hoặc súng bị cướp cò nên hiện đang có nhiều giả thiết về việc này, sẽ tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo ông Tuấn, khẩu súng do Trương Đình Hoàng và Nguyễn Ngọc Hậu sử dụng là súng quân dụng chứ không phải súng thuộc loại công cụ hỗ trợ. Đích thân ông Tuấn đã chủ trì việc khám nghiệm hiện trường vụ việc với sự tham gia của đại diện viện kiểm sát và người nhà nạn nhân.
Về việc Trương Đình Hoàng và Nguyễn Ngọc Hậu có được sử dụng súng hay không, ông Tuấn khẳng định là được phép, còn sử dụng đúng hay không là chuyện khác. Việc này đang được Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên làm rõ với sự giám sát của đại diện viện kiểm sát.
Đại tá Tuấn còn nói quan điểm của Công an tỉnh Thái Nguyên là “sai đâu sửa đó”, đặc biệt là sai với nhân dân, không trốn tránh dư luận, không bao che dù đó là con cháu ai.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Văn phòng Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm, quản lý hành chính và Cục CSGT đã đến làm việc với Công an tỉnh Thái Nguyên.
Bộ trưởng Lê Hồng Anh: Nếu vượt quá thẩm quyền phải xử lý Chiều 11-8, đại tướng Lê Hồng Anh - bộ trưởng Bộ Công an - có cuộc trao đổi với PV xung quanh vấn đề công an mặc thường phục tuần tra giao thông. Thưa ông, trước đây Bộ Công an đã hướng dẫn không cần thiết truy đuổi nếu không phải là tội phạm và có thể gây nguy hiểm. Trong vụ việc tại Thái Nguyên, cán bộ công an mặc thường phục truy đuổi người đi xe máy và xảy ra chuyện nổ súng gây thương tích cho người dân có vi phạm hay không? Điều này Cơ quan điều tra Công an Thái Nguyên đang làm rõ, nhưng có việc vượt quá thẩm quyền nên phải xử lý. Quy định cho phép CSGT mặc thường phục tuần tra kiểm soát có vẻ như đang bị lạm dụng... Quy định này được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng cố ý vi phạm luật giao thông, nhất là với tình trạng thấy CSGT thì chấp hành mà không thấy thì vi phạm, chạy lạng lách, đua xe; trên tuyến đường dài thì xe tải còn vận chuyển hàng bất hợp pháp, xe chở khách quá tải... Đây là chủ trương đúng, qua một thời gian thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Chúng ta không thể chỉ vì một số người vi phạm mà bỏ quy định này. Vậy Bộ Công an đã giám sát việc thực hiện quy định mặc thường phục như thế nào? Vẫn kiểm tra thường xuyên. Sau khi có những vụ việc này, tôi đã có điện gửi công an các địa phương yêu cầu chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ. |
Công an mặc thường phục không được dừng xe Cá nhân tôi lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra tại Thái Nguyên vừa rồi, và giả thiết rằng có thể sự việc xuất phát từ tính khí cá nhân, quá hăng hái hoàn thành nhiệm vụ mà vượt quá chức năng, quyền hạn. Tuy nhiên, xin nhắc lại, đây chỉ là ý kiến cá nhân, và chúng ta vẫn phải chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra. Thông tư 27/2009/TT-BCA được Bộ Công an ban hành trong đó có nêu rõ, cán bộ chiến sĩ công an mặc thường phục không có thẩm quyền xử phạt, mà phải phối hợp với lực lượng công an tuần tra có mặc sắc phục. Khi phát hiện có trường hợp vi phạm luật, công an mặc thường phục chỉ có nhiệm vụ thông báo cho cảnh sát mặc sắc phục thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện vi phạm để kiểm tra, xử lý. Nếu dừng xe và xử phạt, tức là cán bộ, chiến sĩ đó đã làm sai... Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C26) |
Theo Thanh niên, Tuổi trẻ