Hiện trường thật và hiện trường "đóng thế" (ảnh nhỏ). Ảnh: PV. |
Hiện trường đóng thế
Số báo trước đã nêu, trong vụ án này, nhiều uẩn khúc chỉ được làm rõ sau khi Công an TP Hà Nội điều tra lại, và Viện KSND Tối cao sau khi thẩm tra kết quả, đã có quyết định kháng nghị để xét xử giám đốc thẩm.
Vụ án xảy ra 22 giờ đến 22 giờ 30 phút tối 24-10-2000. Sau khi anh Hải (một trong hai nạn nhân) chạy thoát về phía trụ sở đơn vị bộ đội A40 đóng gần đó và hô hoán "Cướp, cứu với", các hung thủ bỏ chạy. Những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, tìm được chiếc đồng hồ đeo tay và dắt hộ chiếc xe máy của anh Hải, là một số cán bộ, chiến sỹ đơn vị quân đội A40.
Tuy nhiên, khi khám nghiệm hiện trường chiều 25-10-2000, cơ quan điều tra không mời hai bị hại, cũng không mời những nhân chứng là cán bộ, chiến sỹ đơn vị quân đội A40 cùng tham gia. Do đó, không có căn cứ để xác định chính xác hiện trường của vụ án.
Chưa hết những điều lạ lùng. Khi xác định lại hiện trường một lần nữa cho chắc chắn (tiến hành vào ngày 9-12-2001, thời điểm vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử), Công an tỉnh Hà Tây đã dựng lên một "hiện trường" không phải nơi xảy ra vụ án, mà cách đó tới gần... một cây số?!
Chứng cứ ngoại phạm
Bị án Lợi kể với PV Tiền Phong: Sau khi bị bắt một vài ngày, Lợi bắt đầu nhớ ra những việc mình đã làm buổi tối xảy ra vụ án và trình bày với cán bộ điều tra: Tối 24-10-2000, Lợi cùng một số người bạn tới nhà chị Uyên cùng thôn chơi, sau đó đến tiếp nhà chị Doàn, cũng ở cùng thôn. Hôm đó sinh nhật chị Doàn, mọi người đi vào thì gặp tốp khách đi ra. Cả nhóm ngồi chơi nhà chị Doàn từ 22 giờ đến khoảng 22 giờ 20 phút (đúng thời gian xảy ra vụ án) thì ra về.
Thật lạ lùng, kết luận điều tra của Công an tỉnh Hà Tây sau đó hoàn toàn bỏ qua, không nhắc đến việc Lợi và hai nghi can Tình, Kiên có mặt ở nhà chị Doàn, chỉ nêu: Sau khi đến chơi nhà bạn gái trong xã, Lợi, Tình và Kiên đã "rủ nhau đi cướp để lấy tiền tiêu". Vẫn theo kết luận điều tra, thực hiện xong vụ cướp, các đối tượng chia tiền, "sau đó Lợi, Tình về quán ở cầu Hai Cây ngủ, còn Kiên đi bộ về nhà trong thôn Nghĩa Lộ ngủ".
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Hà Tây mở, các nhân chứng như chị Uyên, chị Doàn không được tòa mời đến. Lời trình bày của Lợi, Tình và Kiên về việc họ đã ở đâu, làm gì trong tối 24-10-2000, cũng không được tòa chấp nhận, bởi tòa chỉ chấp nhận... lời khai của họ có trong hồ sơ.
Biết oan mà không cởi?
Các PV Tiền Phong gặp chị Nguyễn Thị Doàn, trú cùng xã Yên Nghĩa với Lợi, Tình và Kiên; chị cho biết: Sau khi Lợi bị bắt, chú bảo vệ thôn có đến nhà, đề nghị chị ra trụ sở bảo vệ thôn. Tại đây, chị được làm việc với điều tra viên Công an Hà Tây. Họ lập biên bản làm việc, ghi rõ lời trình bày của chị Doàn: Lợi và Tình có vào nhà chị dự sinh nhật, lúc đó khoảng hơn 22 giờ, hai người ngồi khoảng 15 phút...
Chị Doàn cho biết, điều tra viên không chỉ ghi lời khai của chị, họ còn ghi lời khai của những người đến nhà chị hôm đó: Quân, Quang, Xuyến, Tâm, Diện, Huyền... Tất cả đều được mời ra trụ sở bảo vệ thôn, làm việc với cán bộ điều tra ở đây.
Có thể nhận định: Ngay từ đầu, cơ quan điều tra trong vụ án này đã có được chứng cứ gỡ tội cho các nghi can Lợi và Tình, bởi quãng thời gian xảy ra vụ án, họ đang ở nhà chị Doàn. Tuy nhiên, các luật sư Phạm Thanh Bình và Nông Thị Hồng Hà (bào chữa cho các bị cáo tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm) cho biết: Trong hồ sơ vụ án, không hề có các biên bản ghi lời khai của chị Doàn và các nhân chứng nêu trên.
"Sau khi tôi khai với điều tra viên tên là Chiến tối 24-10-2000 tôi ở đâu, làm gì, vài hôm sau, tôi thấy ông Chiến thay đổi thái độ", bị án Lợi kể với PV Tiền phong, "Ông ta không thô bạo như hôm đầu tiên nữa. Tôi nghĩ sau khi đi xác minh, ông Chiến biết tôi bị oan. Vì sao ông ta không giải oan mà vẫn cột tội cho tôi, tôi chịu không thể lý giải nổi".
Kỳ bốn: "Đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội"