>> Kỳ 4: Soi lại phiên tòa sơ thẩm
Nhân chứng Lã Thị Sinh tại sân nhà chị Ngô Thị Hương. Ảnh: PV |
Gặp nhân chứng Sinh
...Sau nhiều tháng lẩn trốn ở Quảng Tây - Trung Quốc, Từ Đức Cường trở về Việt Nam. Ngày 8-3-2009, Cường đã ra đầu thú. Tại CQĐT, Cường khai: Cường gọi điện báo cho anh Ngô Tiến Long biết, nhóm sát thủ Hải Phòng yêu cầu chi 15 triệu đồng cho phi vụ đánh anh Nguyễn Đăng Công. Anh Long đồng ý và nói: “Qua nhà chị Hương (chị gái anh Long - PV) ở phường Hà Trung, bảo con bé giúp việc, nó sẽ đưa tiền cho”.
Vẫn theo lời khai của Cường, lúc đó Cường không ở Hạ Long, nên Cường nhờ Sơn (hàng xóm của Cường) qua nhà chị Hương lấy tiền.
Ngày 9-3-2009, Nguyễn Thái Sơn được CQĐT triệu tập. Sơn khai: Sơn có đi cùng Nguyễn Trung Hiếu (bị can trong vụ án) đến nhà chị Hương ở phường Hà Trung. Tại đấy, Hiếu đứng ngoài chờ, Sơn vào gặp người giúp việc nhà của chị Hương, được người này đưa 15 triệu đồng, sau đó Sơn chuyển cho Cường.
Các PV Tiền Phong đã gặp chị Ngô Thị Hương, chị gái bị can Ngô Tiến Long, đề nghị cho gặp người giúp việc nhà của chị. Được đồng ý, các PV đã gặp chị Lã Thị Sinh, sinh năm 1987, trú quán ở Bình Liêu - Quảng Ninh, giúp việc cho chị Hương từ giữa năm 2007.
Chị Sinh khẳng định với các PV, chị không đưa 15 triệu đồng cho ai. “Chị có được CQĐT mời đến lấy lời khai không”, trả lời câu hỏi của PV, chị Sinh cho biết: Sáng 9-3-2009, có nhiều cán bộ công an đến nhà chị Hương. Do chị Hương đi vắng, chị Sinh không mở cổng. Cán bộ công an trèo tường rào vào sân, yêu cầu chị Sinh mở cổng, sau đó yêu cầu chị dẫn đi xem các phòng trong nhà, rồi yêu cầu chị đi cùng về trụ sở.
Tại cơ quan công an, cán bộ hỏi “có biết chú Công không”, chị Sinh đáp “không biết”, “có biết chú Long nhờ đưa tiền cho chú Cường không”, chị Sinh cũng đáp “không biết”, “thế trong nhà còn có ai không”, chị Sinh đáp “còn có chị Cẩm”.
Trưa đó, sau khi ăn cơm cùng cán bộ công an, chị Sinh được yêu cầu đi cùng về Hải Dương. Khoảng 15 giờ chiều thì đến nhà chồng chị Cẩm (chị Sinh ngồi trên xe nhìn, xác nhận đúng chị Cẩm). Chị Sinh thấy cán bộ công an yêu cầu chị Cẩm đi cùng ra UBND xã để “hỏi một số việc liên quan đến vụ án giết người”. Tại UBND xã, các cán bộ làm việc với chị Cẩm khoảng gần một tiếng, cụ thể việc gì chị Sinh không biết, vì chị Sinh ngồi ngoài xe.
Sau đó, các cán bộ công an đưa chị Cẩm ra xe, ghé qua nhà bố mẹ đẻ chị Cẩm cách đấy khoảng chục cây số, rồi đi tiếp về Quảng Ninh. “Về đến Hòn Gai khoảng 19 giờ tối, chị Cẩm ở lại cơ quan công an còn cháu được về nhà”, chị Sinh kể.
Nhân chứng Trần Thị Cẩm tỏ ra rất ân hận trước lời khai của mình |
Gặp nhân chứng Cẩm
Được đồng ý của chị Hương, các PV Tiền Phong cũng đã làm việc với chị Trần Thị Cẩm, nhân viên kế toán công ty Quyền Hưng do chị Hương làm giám đốc.
Chị Cẩm cho biết, khoảng tháng 2-2008, chị bắt đầu làm việc cho chị Hương, với nhiệm vụ kế toán. Do nhà chị Hương vắng người, buổi tối chị Cẩm về ngủ tại nhà chị Hương, cùng chị Sinh giúp việc nhà. Chị Cẩm có biết chú Long em cô Hương, song không biết chú Cường; chị cũng không chuyển tiền cho chú Cường theo yêu cầu của chú Long (điều này, Cẩm đã khai trước toà).
“Vì sao tại CQĐT, chị khai đã chuyển 15 triệu đồng cho chú Cường theo yêu cầu của chú Long?”. Trước câu hỏi này của các PV, chị Cẩm yên lặng khá lâu, rồi đáp: “Đây là điều suốt thời gian qua cháu rất khổ tâm. Sau phiên toà sơ thẩm, chú Long bị kết án tù chung thân, không đêm nào cháu ngủ được. Cháu thực sự ân hận vì đã khai không đúng sự thật...”.
Lúc này, cháu thực sự hoang mang, chỉ muốn được về, nên cháu đáp vâng. Thế là họ ghi vào biên bản |
Các PV cho chị Cẩm biết, lời khai đúng sự thật không bao giờ là muộn. Nếu vì muốn giúp chú Long mà chị Cẩm khai báo sai sự thật, lời khai đó sẽ không được chấp nhận, còn chị Cẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi khai báo gian dối.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, chị Cẩm đã kể lại, vì sao chị có lời khai sai sự thật tại CQĐT. Chị Cẩm cho biết, 9-3-2009 là ngày đầu tiên chị về nhà chồng (xã Cổ Bì, Bình Giang, Hải Dương). Chiều hôm đó, bỗng có công an đến mời chị ra trụ sở UBND xã với lý do “liên quan đến một vụ án giết người”. Chị Cẩm rất hoang mang, tâm trạng cô dâu mới làm liên luỵ đến nhà chồng...
Tại UBND xã Cổ Bì, Cẩm được cán bộ công an hỏi về việc chuyển số tiền 15 triệu đồng. “Cháu trả lời cháu không biết gì cả, cháu không biết các chú đang nói về cái gì. Các chú công an bảo: Nói hết ra, thì được ở lại, không thì ra Quảng Ninh. Cháu vẫn chỉ nói cháu không biết, nên họ đưa cháu ra Quảng Ninh”.
Xe ô tô ghé nhà bố mẹ đẻ Cẩm, khoảng 19 giờ tối ra đến công an tỉnh Quảng Ninh. Khoảng 20 giờ, các cán bộ công an bắt đầu ghi lời khai. “Cán bộ công an cho biết, chú Long và một số ngườì đã bị bắt, khai nhận hết rồi, cháu không được nói loanh quanh che giấu sự thật.
Họ nói, hôm đó, có hai người qua nhà, đúng không; có gọi điện cho chú Cường, đúng không; cháu nghe đúng giọng chú Cường trong điện thoại thì lấy tiền giao cho họ, đúng không... Lúc này, cháu thực sự hoang mang, chỉ muốn được về, nên cháu đáp vâng. Thế là họ ghi vào biên bản”.
Kết thúc lấy lời khai khoảng nửa đêm, cán bộ công an chỉ cho Cẩm cái giường xếp, nói nằm đó ngủ. Cẩm không ngủ, chỉ ngồi ở ghế đến hết đêm. “Sáng hôm sau, có một chú công an lấy biên bản ghi lời khai đêm trước, chép lại, bảo cháu ký. Họ nói chờ để chụp ảnh, rồi cho về. Gần trưa, cháu được chụp ảnh, rồi họ cho cháu về”.
Các PV hỏi “Cẩm có được nhận dạng chú Cường không?”, Cẩm cho biết: “Họ có cho cháu xem khoảng chục bức ảnh ngay trên màn hình máy tính, hỏi cháu có nhận ra chú Cường không, cháu bảo không”.
Giả thuyết khác, sao không?!
Từ hàng loạt mâu thuẫn, hàng loạt điều phi thực tế trong lời khai các bị can và nhân chứng của vụ án (đã được trình bày trên nhiều số báo), có thể đặt ra một giả thuyết sau đây.
Từ Đức Cường là can phạm hết sức nguy hiểm, rất có thể là kẻ chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Điều này không chỉ được chứng minh bằng cách Cường tổ chức, điều hành vụ giết người rạng sáng 8-11-2008.
Nó còn được chứng minh bằng việc, sau khi ra đầu thú và bị tạm giam, Từ Đức Cường đã tham gia giết một can phạm cùng buồng giam (trước khi ra trước phiên toà hôm 2-4-2010, Cường đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 18 năm tù về tội giết người).
Trước khi Cường ra đầu thú, đã có các can phạm khác đầu thú hoặc bị bắt, nhiều tình tiết của vụ án đã được làm rõ. Có thời gian dài lẩn trốn, khai báo thế nào khi ra đầu thú, chắc chắn đã được Cường tính toán kỹ. Những gì can phạm khác đã khai, Cường khai trung thực. Những gì CQĐT chưa nắm được, Cường sẵn sàng khai gian dối. Điều này được chứng minh bằng việc lúc đầu, Cường không khai tên thật và địa chỉ của Thắng - chiếc chìa khoá để lần ra tiếp nhóm sát thủ.
Theo những phânt tích trên, lời khai của Cường về người đã thuê giết anh Công rất có thể không đúng sự thật, Cường sáng tác một hình nhân thế mạng để Cường và đồng bọn được nhẹ tội.
Nếu chỉ một lời khai của Cường, dễ gì thuyết phục được CQĐT. Do được về nhà thăm bố một đêm, rất có thể Cường đã gặp Sơn (hàng xóm thân thiết với Cường) để vận động Sơn sẽ có lời khai phù hợp...
Khi nghi can Ngô Thế Long kêu oan, giả thuyết này cần được đặt ra. Có nhiều cơ hội để chứng minh nó sai hay đúng. Khi các điều tra viên hỏi người giúp việc nhà, chị Sinh nói không biết việc chuyển tiền, đấy là cơ hội thứ nhất. Khi hỏi chị Cẩm tại UBND xã Cổ Bì, chị Cẩm khai không biết việc chuyển tiền, đó là cơ hội thứ hai. Khi cho nhận dạng Cường qua ảnh, chị Cẩm không nhận ra, đó là cơ hội thứ ba.
Vẫn còn thêm những cơ hội nữa. Chẳng hạn sau khi lấy lời khai của Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Trung Hiếu, đối chiếu hai lời khai, sẽ thấy cả hai không ai biết nhà chị Hương - chị gái Long (Sơn khai Hiếu biết nhà chị Hương, còn Sơn không biết; Hiếu khai Hiếu không biết Sơn đến nhà ai, Hiếu chỉ chở Sơn đến đầu xóm, rồi đứng chờ ở ngoài). Chỉ cần yêu cầu Sơn và Hiếu cùng vẽ sơ đồ nhà chị Hương, sự thật ẩn sau lời khai của Từ Đức Cường sẽ bị phơi bày...
Tiếc rằng (vụ án này có quá nhiều điều “tiếc rằng”) những cơ hội nêu trên đã không được thể hiện bằng các biên bản đưa vào hồ sơ. Và vì vậy, mặc dù án sơ thẩm đã tuyên, vẫn còn nguyên đó lời kêu oan của bị cáo Long và những uẩn khúc chưa có lời giải đáp chính thức.
Và vì vậy, mong muốn của những người viết bài này không nằm ngoài đề nghị của các luật sư tại phiên toà sơ thẩm: Cần trả hồ sơ cho các cơ quan tiến hành cấp sơ thẩm, để điều tra và xét xử lại.