Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'? - Kỳ 4

Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'? - Kỳ 4
TP - Khi bị can, bị cáo thực sự bị oan, những phiên tòa xét xử công khai sẽ là cơ hội tốt nhất để có thể giải oan cho họ. Cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị lấy xét xử làm khâu đột phá, nhằm hạn chế thấp nhất oan sai trong tố tụng.

>> Kỳ trước: Những uẩn khúc

Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'? - Kỳ 4 ảnh 1
Các luật sư tham gia phiên tòa sơ thẩm

Xét hỏi: Thiếu tính phản biện

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Từ Đức Cường và đồng bọn do TAND tỉnh Quảng Ninh mở ngày 2-4-2010. Cáo trạng ghi bị cáo Ngô Tiến Long có vợ, chưa có con. Qua thẩm vấn căn cước, HĐXX xác định Long đã có hai con. Chi tiết nhỏ, nhưng gây ấn tượng đã có sự hời hợt trong công tác điều tra và truy tố.

Luật sư Vũ Hoài Ưu (Đoàn luật sư Hà Nội, bào chữa cho Ngô Tiến Long) đề nghị HĐXX cách ly các bị cáo trong quá trình thẩm vấn, “do lời khai của họ trong hồ sơ có nhiều mâu thuẫn, việc cách ly nhằm đảm bảo họ trả lời thẩm vấn khách quan tại phiên tòa hôm nay”. Đề nghị của luật sư Ưu không được HĐXX chấp nhận.

HĐXX cũng bác bỏ đề nghị của các luật sư cho triệu tập một số nhân chứng đến tòa, trong đó có Nguyễn Thái Sơn (Sơn có lời khai tại CQĐT, về việc Sơn đến nhà chị gái của Ngô Tiến Long để nhận tiền hộ cho Từ Đức Cường).

Người đầu tiên được thẩm vấn là bị cáo Từ Đức Cường. Cả kết luận của cơ quan điều tra và cáo trạng của cơ quan công tố trong vụ án này đều nhận định lời khai của Cường đúng sự thật. Dẫu vậy, nhiều người dự tòa không khỏi ngạc nhiên về cách thẩm vấn của hai thẩm phán Đặng Phúc Lâm (chủ tọa) và Vũ Văn Đoan trong HĐXX.

Hai thẩm phán không đi sâu vào hàng loạt mâu thuẫn trong lời khai của Cường tại CQĐT (Tiền Phong đã nêu kỹ ở số báo trước); thay vào đó, họ nhắc lại các tình tiết trong cáo trạng, để Cường công nhận đúng hay không đúng.

Hai công tố viên Lã Thanh Bình và Vũ Trọng Lĩnh cũng thẩm vấn theo cách tương tự đối với Cường. Hơn một lần họ nhắc cho Cường biết, trong vụ án này, Cường được hưởng tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, do đã “thành khẩn khai báo”.

Khi công tố viên nhận định như vậy, người dự tòa hiểu rằng lời kêu oan của Ngô Tiến Long chỉ được xem là “hành vi chối tội” mà thôi!

Phần thẩm vấn Ngô Tiến Long đi qua khá nhanh. Trước tòa, Long tiếp tục kêu oan, khẳng định không tham gia vụ giết anh Nguyễn Đăng Công. HĐXX nêu quan điểm: Long có quyền nhận tội hoặc chối tội, song lời khai của Long được chấp nhận hay không, thẩm quyền thuộc về HĐXX.

Nhân chứng Trần Thị Cẩm cũng được thẩm vấn khá nhanh. Như đã nêu ở số báo trước, trước tòa, Cẩm phủ nhận lời khai đã có trước đó tại CQĐT, không thừa nhận đưa tiền cho Nguyễn Thái Sơn “theo yêu cầu của chú Long”. HĐXX nhắc nhở Cẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo trung thực hoặc gian dối.

Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'? - Kỳ 4 ảnh 2
Hai công tố viên tại phiên tòa

Qua phần thẩm vấn, nhiều tình tiết mới xuất hiện, song không được đi sâu làm rõ. Chẳng hạn tại CQĐT, Từ Đức Cường khai từng vay của chị Ngô Thị Hương (chị gái của Ngô Tiến Long) tổng cộng 130 triệu đồng; trước tòa, Cường khẳng định không vay tiền của chị Hương.

Điều này cho phép nhận định việc khai báo của Cường tại CQĐT không trung thực. Lời khai tại tòa của Cường cho thấy quan hệ giữa Cường với gia đình bị cáo Long không có ân nghĩa gì đặc biệt, khiến Cường phải nhận lời đánh anh Công để “trả nghĩa” cho họ.

Lời khai tại tòa của Cường có lợi cho lời kêu oan của Ngô Tiến Long, song đã không được HĐXX khai thác sâu hơn.

Tranh luận: Không đi đến cùng

Mặc dù nhiều tình tiết mới xuất hiện tại tòa, điển hình là việc nhân chứng Trần Thị Cẩm thay đổi lời khai, song phía công tố không nhìn nhận sự thay đổi đó theo hướng có lợi cho lời kêu oan của bị cáo Long. Đưa ra kết luận tại tòa, công tố viên giữ nguyên các quan điểm đã nêu trong bản cáo trạng.

Luật sư Khỏe phân tích, mâu thuẫn giữa bị cáo Long và bị hại Công không đến mức họ phải thuê xã hội đen để thanh toán nhau. Luật sư Ưu nêu quan điểm list điện thoại rút gọn là không khách quan, không đủ giá trị pháp lý.

Bào chữa cho bị cáo Ngô Tiến Long, lần lượt các luật sư Tô Năng Như (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh), Nguyễn Đình Khoẻ và Vũ Hoài Ưu (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: Chứng cứ chủ yếu để cột tội Ngô Tiến Long là lời khai của Từ Đức Cường và các lời khai khác, tuy nhiên chúng có quá nhiều mâu thuẫn, không đáng tin cậy.

Luật sư Như nhận định lời khai của Từ Đức Cường “tiền hậu bất nhất”, động cơ đánh người của Cường không rõ. Luật sư Khỏe phân tích, mâu thuẫn giữa bị cáo Long và bị hại Công không đến mức họ phải thuê xã hội đen để thanh toán nhau. Luật sư Ưu nêu quan điểm list điện thoại rút gọn là không khách quan, không đủ giá trị pháp lý.

Luật sư Như, luật sư Ưu đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Luật sư Khỏe đề nghị HĐXX tuyên “không phạm tội” và trả tự do cho bị cáo Long ngay tại tòa.

Đáng chú ý, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Nguyễn Đăng Công cũng đưa ra quan điểm: Không có căn cứ vững chắc để cho rằng một mình Long là kẻ chủ mưu thuê giết anh Công, mà nhiều khả năng còn ai đó đứng phía sau Long để chi tiền cho việc này. Luật sư Phất cũng đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối đáp lại, phía công tố viên không đi sâu vào từng tình tiết các luật sư đưa ra. Các công tố viên nhận định: Các lời khai tuy còn có mâu thuẫn, nhưng chỉ ở chi tiết, còn về cơ bản, chúng phù hợp với nhau và phù hợp với các chứng cứ khách quan, nên cần được chấp nhận.

Chứng cứ quan trọng được các công tố viên nhắc đến chính là list điện thoại; tuy nhiên những thắc mắc, nghi vấn của các luật sư về tính khách quan của list điện thoại rút gọn đã không được các công tố viên đề cập.

Nhìn chung, phần tranh luận giữa các công tố viên và các luật sư là dân chủ, nếu chỉ nhìn vào hình thức. Đi sâu vào nội dung, nó chưa hẳn đã đáp ứng được sự mong đợi của những người dự tòa, nhất là những người đang quan tâm đến lời kêu oan của bị cáo đầu vụ Ngô Tiến Long.

Bản án: Chưa đủ thuyết phục

Kết thúc một ngày xét xử, HĐXX phiên tòa sơ thẩm tuyên đọc bản án vào đầu giờ buổi tối. Cả năm bị cáo đều bị HĐXX xác định đã có hành vi “giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Ngô Tiến Long được xác định là kẻ chủ mưu, thuê Từ Đức Cường tổ chức đánh anh Nguyễn Đăng Công. Long không yêu cầu Cường thực hiện hành vi đánh anh Công như thế nào, sau đó bỏ mặc hậu quả Cường gây ra. Do đó, Long phải chịu trách nhiệm gắn với hậu quả này. HĐXX tuyên phạt Ngô Tiến Long “tù chung thân”.

Bị cáo Từ Đức Cường trực tiếp thuê và bàn bạc với nhóm sát thủ về việc đánh anh Công. Cường thấy rõ nhóm sát thủ xách theo hai túi đựng hung khí nhưng không quan tâm, chấp nhận hung khí đó, nên phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã xảy ra. HĐXX tuyên phạt Từ Đức Cường 20 năm tù.

Các bị cáo Lê Đức Thắng, Trần Quốc Hưởng, Nguyễn Trung Hiếu có hành vi giúp sức cho Từ Đức Cường và các đồng bọn khác bắn chết anh Công, bị tuyên phạt các mức án tù giam 14 năm (Thắng), 12 năm (Hưởng), 9 năm (Hiếu).

Năm bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình anh Công 17 triệu đồng mai táng phí, 39 triệu đồng tổn thất tinh thần, và phải chu cấp cho con gái anh Công (sinh ngày 14-02-2003) 650.000 đồng/ tháng, đến khi cháu bé đủ 18 tuổi.

...Nghe xong bản án sơ thẩm, nhiều người cảm thấy chưa thuyết phục về phần nhận định hành vi “chủ mưu giết người” đối với bị cáo Long.

Chẳng  hạn, HĐXX nhận định “Căn cứ vào list các cuộc điện thoại liên lạc, thấy số điện thoại của Long nhiều lần gọi đến số điện thoại của Cường trước ngày xảy ra vụ án, có cơ sở để khẳng định Long có quen biết Cường”.

Như số báo trước đã nêu, các luật sư cho biết trong hồ sơ vụ án không thấy có list điện thoại của Long; kết luận điều tra và cáo trạng không nêu cụ thể ngày giờ các cuộc điện thoại Long gọi cho Cường; vì vậy, những người dự tòa không hiểu HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã lấy thông tin vừa trích dẫn ở đâu?

HĐXX cũng nhận định “Lời khai của chị Cẩm tại phiên tòa không phù hợp, bởi chính Cường cho biết Cường đã nhờ Sơn đến lấy tiền từ Cẩm, Sơn cũng thừa nhận điều này. Bị cáo Hiếu cũng thừa nhận chở Sơn đến phường Hà Trung (nơi chị Cẩm ở). Vậy việc chị Cẩm đưa tiền cho Sơn là khách quan và có thật”.

Số báo trước đã nêu, lời khai của Sơn, Cẩm và Hiếu trong hồ sơ có rất nhiều mâu thuẫn; tại tòa, Cẩm thay đổi lời khai; Sơn thì không được triệu tập đến; vì vậy, nhận định vừa trích dẫn của HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã không thuyết phục được nhiều người dự tòa...   

Trên số báo ra ngày mai, căn cứ vào các tài liệu được tham khảo từ các luật sư, và sau khi đã gặp gỡ thêm nhiều nhân chứng, các PV Tiền Phong sẽ đưa ra một giả thuyết về “kẻ chủ mưu giết người” trong vụ án này.

Kỳ cuối: Giả thuyết khác

MỚI - NÓNG
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
Hà Nội ô nhiễm không khí đến bao giờ?
TPO - Khoảng thứ Bảy (28/12), ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ được cải thiện do không khí lạnh tràn về. Tuy nhiên, ngay sau đó, khoảng 30/12, Hà Nội và miền Bắc ô nhiễm không khí sẽ trở lại.