Xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) là vùng đất được gắn với câu cửa miệng “sờ đâu cũng thấy tiền”.
Có chuyện kể rằng, ở Châu Hạnh ngay như chuyện mua vịt cũng có thể kiếm được vàng. Vàng nhiều, gần như rơi vãi khắp nơi, đến những con vịt chui rúc trong các khe suối kiếm ăn còn ăn phải.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ở địa bàn này và một số xã phụ cận, hàng nghìn, hàng vạn người đã đổ về tìm đá đỏ để mong đổi đời. Nhiều người đã phải đánh đổi giấc mơ ấy bằng những nấm mồ chôn chặt dưới lòng đất. Sau gần hai chục năm bình lặng, giờ người dân Châu Hạnh và một số xã lân cận lại lục đục kéo lên đồi Lắng Ban, bản Na Xén để đào đá đen.
Đỉnh đồi Lắng Ban (thuộc khu rừng nguyên sinh Pù Muồng, bản Na Xén, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) nằm khuất sau những dãy núi. Theo người dân địa phương, việc đào đá đen bắt đầu từ khoảng giữa tháng 8/2008 và nhanh chóng lan rộng.
Người này đồn người kia, từ chỗ có vài người lên đến hàng trăm người, không chỉ người dân Na Xén mà nhiều người dân ở các xã Châu Thuận, Châu Phong và các vùng phụ cận cũng ùn ùn kéo đến. Nhiều ngọn đồi ở bản Na Xén bỗng biến thành những hầm, hố nham nhở.
Không ít dân buôn đánh hơi về đây để tìm kiếm cơ hội làm ăn, khiến người dân càng hăng say hơn với việc đào đá. Những cụ già móm mém cũng theo chân lớp trẻ em bỏ học lên núi tham gia đào. Em Vi Văn Hùng, học sinh lớp 7, cầm cục đá màu đen nhỏ như nắm tay cười: “Mới đào có mấy hôm mà đã trúng được cả trăm ngàn, có tiền đóng học phí rồi. Lớp cháu có nhiều bạn cũng bỏ học ra đây tìm đá!”.
Loại đá đen mà người dân nơi đây cho là quặng trông đen sì như than nằm sâu dưới lòng đất khoảng 0,5-3m, đã có người đến mua với giá từ 4.000-12.000 đồng/1kg (tùy loại to nhỏ). Ông Lộc Văn Hồng, người dân bản Na Xén cho biết: “Gia đình tôi mới đào 3 ngày cũng được hơn 3 tạ đá, song tôi chưa bán, nghe nói sắp tới giá còn lên nữa!”.
Đời đen - đá bạc
Cơn sốt đá đen tuy không đến mức như đá đỏ, nhưng cái giá của những hòn đá đen cũng đã phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và cả bằng máu. Khoảng 7 giờ 30, ngày 24/8, cả gia đình anh Lê Văn Hiếu vào rừng đào nhặt quặng trong hố khai thác thổ phỉ tại Huồi Tọ gần bản Na Xén.
Những khối đá đen được tìm thấy |
Đang tay cuốc, tay xẻng mải mê đào ở lưng chừng núi, bất ngờ một tảng đá lớn lao ầm ầm qua chỗ gia đình anh Hiếu đang đào. Tiếng thét thất thanh rồi rơi vào im lặng.
Con trai anh Hiếu là Lê Văn Hà (SN 1999, học sinh lớp 6 trường Tiểu học Châu Hạnh) bị tảng đá đè ngang người, chết tại chỗ; anh Hiếu và cháu Lê Thị Quỳnh (1997) bị thương nặng.
Người mẹ trẻ Lê Thị Hương gạt nước mắt: Từ khi lao vào cơn sốt đá đen, mỗi ngày nếu may mắn cũng kiếm được 3-5 trăm ngàn, ai ngờ phải đánh đổi với giá quá đắt!
Những tiếng vọng từ cơn sốt đá đen kéo dài thêm với hàng loạt nạn nhân bị nạn. Lô Văn Dũng, em trai Trưởng bản Lô Văn Thái chìa cẳng chân sưng phù, ứa máu, nói: Thấy họ lao vào kiếm tiền mình cũng đi. Hôm trước tôi không may bị trượt chân ngã xuống những cái “bẫy” do người khác đào chưa kịp lấp.
Chính quyền địa phương cho lực lượng xuống kiểm tra, truy quét “quặng tặc”. Tình hình tạm lắng. Thế nhưng, khi họ vừa rút thì lập tức người dân lại đổ xô đến. Ông Vi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, cho biết, vì lợi nhuận người dân vẫn lén lút khai thác, hơn nữa do lực lượng mỏng nên việc đẩy đuổi chưa có hiệu quả.
Khi chúng tôi tiếp cận với đỉnh đồi Lắng Ban, cảnh tượng khá vắng vẻ. Một số người dân giải thích: “Mấy hôm nay bị đuổi rát, nên không ai dám vô”. Tưởng chúng tôi là người tìm mua đá đen, cậu bé có tên Xuân, khuôn mặt đen nhẹm tỏ ra tiếc nuối: Mấy chú đến muộn quá, cách đây không lâu, nhiều người có đá đen lắm. Bây giờ, đưa ra sợ cán bộ tịch thu. Nhưng nếu cần, cháu dẫn đi mua, nhà cháu cũng còn mấy chục cân chưa bán được.
Thực tế, sau khi có lệnh cấm của chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Quỳ Châu, người dân lại chuyển sang đào ban đêm. Rời vùng đá đen, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt ngước nhìn đỉnh đồi, khấp khởi mong vận đổi đời. Cậu bé Xuân xòe đôi bàn tay sần sùi bảo: Mai em lại vào đào tiếp để kiếm tiền đóng học phí và mua gạo.