Tâm thần, gây án vì rượu

Tâm thần, gây án vì rượu
TP- Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, tại Đà Nẵng, đã có 42 ca bệnh liên quan đến rượu phải nhập BV Tâm thần. Trong số đó có tới 32 ca yêu cầu giám định thần kinh, 4 ca liên quan đến các vụ án.

Người đàn ông đó là Nguyễn Ng. (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một trong những “sâu rượu” điển hình. Sinh năm 1953, nghề nghiệp không ổn định và trình độ học vấn cũng chỉ 5/12, mấy chục năm nay Ng. trượt dài trong cảnh rượu chè.

Trong phòng bệnh, người đẩy băng ca cho cha là cậu con trai, khuôn mặt còn quá non nớt chưa đủ để hiểu hết sự tình đang diễn ra. Từ lâu lắm rồi, căn nhà xập xệ của gia đình họ ở xã Hòa Sơn đã chẳng còn tiếng cười, chẳng còn niềm mong mỏi hạnh phúc, thay vào đó là những cơn say, những trận chửi rủa, đánh đập vợ con của người chồng đã dần mất trí vì men rượu.

“Nếu một ngày không có đến hai lần rượu thì ổng không chịu được. Nói mãi, van xin mãi nhưng ổng đâu có bỏ. Đau lòng lắm anh à” - những giọt nước mắt ngấn đầy trên má người vợ tội nghiệp.

Ông Ng. được đưa vào BVTT Đà Nẵng lần mới đây nhất chiều ngày 28/7/2008, song không phải chỉ để “cai” như những lần trước mà để giám định tâm thần, nhằm xác định nguyên nhân trong hành động giết em mình trước đó vào ngày 16/6/2008 mà nhiều người cho rằng chính rượu đã làm ông ta trở nên điên khùng …

Giám đốc BVTT – bác sĩ Lâm Tứ Trung, kể “Đau lòng không kém là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn T. vào đây khi vợ sinh con thứ 4, ba đứa con còn nheo nhóc vậy mà giờ anh ta lại mất hết sức lực. Bà mẹ già tội nghiệp suốt ngày phải phục vụ đứa con trai vì không còn ai chăm sóc”.

Rồi như trường hợp của bệnh nhân Phạm Văn M., mới hơn 30 tuổi nhưng có đến hơn chục năm nghiện rượu. Được bao nhiêu tiền ít ỏi từ nghề đạp xích lô, anh ta lại “đổ” vào miệng chai. Người vợ quá túng quẫn đau khổ đã bỏ nhà ra đi để lại hai đứa con nhỏ trong căn nhà xác xơ.

Có trường hợp “ma men” là phụ nữ, như bà Lê Thị T., 60 tuổi, đã nghiện rượu từ hơn 30 năm nay. Bà T. được chẩn đoán nghiện rượu, viêm dây thần kinh ngoại biên và rối loạn trí nhớ do rượu.

Và những hậu quả khôn lường khác

Theo bác sĩ Trung, mất trí do rượu là một bệnh không hồi phục được. Nhiều người sau thời gian điều trị về nhà nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, đa phần vài năm thì chết do suy kiệt cơ thể. Có những giai đoạn bệnh nhân không ngủ được, có lúc bỏ nhà đi lang thang không biết đường về.

Uống quá nhiều rượu sẽ sinh ra các bệnh liên quan đến gan, rối loạn tâm thần và hành vi, thoái hóa hệ thống thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim. Đó là những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Đáng nguy hại hơn, và trở nên phổ biến là khả năng suy não, mất trí nhớ vĩnh viễn.

Mất năng lực định hướng không gian và thời gian, nhận dạng người thân kém, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng; luôn ở trong trạng thái lo âu, sợ hãi, căng thẳng, nhìn nhưng không thấy; có các ảo giác, ảo thanh… nên hay có các phản ứng tự vệ nguy hiểm cho người xung quanh.

Đã có nhiều trường hợp trẻ em được đưa đến khám tại đây trong tâm trạng hoảng loạn. Nguyên nhân là do người cha say quá nhiều, tạo ám ảnh trong trẻ nhỏ, thế nên mỗi lần người cha say về, la hét, đập phá trong nhà làm trẻ hoang mang, thần kinh bị tác động mạnh, cực kỳ nguy hiểm...

Hiện tại, BVTT Đà Nẵng đang tìm những biện pháp mới cải thiện thực trạng này. Tháng 11 tới đây, BVTT Đà Nẵng sẽ mời một tiến sĩ người Hà Lan chuyên điều trị về nghiện rượu sang làm truyền đạt kinh nghiệm. Hy vọng với phương pháp trực quan, hình ảnh đánh vào tâm lý, làm thay đổi nhận thức của người nghiện của ông sẽ có tác dụng điều trị tận gốc bệnh nghiện rượu.

“Tuy nhiên phương pháp phổ biến và cho hiệu quả cao ở phương Tây này sẽ gặp không ít trở ngại ở đây. Do đó, tôi nghĩ việc cần thiết là phải tăng cường biện pháp quản lý của các cấp ngành đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu và các địa phương, gia đình có người nghiện rượu nên có biện pháp quản lý, giáo dục bệnh nhân”- Bác sĩ Trung nói.

MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.