Vụ phá rừng đầu nguồn Ba Bể: Chuyển sang cơ quan Công an điều tra, xử lý

Vụ phá rừng đầu nguồn Ba Bể: Chuyển sang cơ quan Công an điều tra, xử lý
TP - Ông Hoàng Diệm - Bí thư Huyện ủy Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho rằng, nguyên nhân chính để xảy ra việc phá rừng ở Đồng Phúc là do Hạt Kiểm lâm Ba Bể và chính quyền xã Đồng Phúc chưa làm hết trách nhiệm.

“Vừa qua, huyện đã họp và quyết định chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an huyện để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng phá rừng Đồng Phúc” - Ông Diệm nói.

Cũng theo ông Diệm, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của nhân dân về việc lợi dụng giấy phép khai thác tận thu để phá rừng, ông đã gọi điện sang Hạt kiểm lâm Ba Bể hỏi tình hình nhưng Hạt Kiểm lâm khẳng định rừng Đồng Phúc vẫn an toàn, không có tình trạng lợi dụng giấy phép khai thác tận thu để phá rừng. Trong khi đó, như Tiền phong đã phản ánh: Thực tế, rừng Đồng Phúc đã bị phá tan hoang.

Về việc cấp phép của UBND huyện Ba Bể cho 4 đối tượng, ông Hoàng Diệm khẳng định: Mặc dù số lượng gỗ được cấp phép rất lớn (hơn 800 m3) nhưng trước khi ký quyết định, ông Phạm Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Bể đã không thông qua Thường vụ Huyện ủy.

Còn ông Nguyễn Bá Ngãi - Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết: Việc để rừng bị chặt phá trái phép, trách nhiệm thuộc về các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, từ cơ sở đến cấp tỉnh.

Về phía Sở chúng tôi, thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước, hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện những văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khai thác rừng.

Tuy nhiên, hành vi chặt phá rừng của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, hơn nữa địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, lực lượng mỏng nên việc kiểm tra, giám sát có nơi, có lúc chưa được thường xuyên, triệt để.

Để bảo vệ hệ sinh thái nơi đầu nguồn hồ Ba Bể, trước mắt, cần xác định diện tích rừng bị khai thác trái phép để khoanh nuôi, bảo vệ, cấm tất cả các hoạt động khai thác, lợi dụng rừng trên diện tích này để rừng có thời gian phục hồi.

Sở NN&PTNT đang xây dựng cơ chế hưởng lợi giữa các bên trong vùng đệm vườn quốc gia Ba Bể để người dân yên tâm tham gia giữ rừng. Về lâu dài, khu vực này thuộc vùng đệm của Vườn nên cần phải thành lập Ban quản lý riêng.

MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.