Về cái chết của ông chủ bút tạp chí Nam Phong

Về cái chết của ông chủ bút tạp chí Nam Phong
Tôi cũng ngạc nhiên đi đến phân vân khi trên số 46 báo TPCN, nhà báo Xuân Ba ghi trên đầu cột số 5 là… “Nhờ hỏi thăm các chứng nhân còn sống mới biết Phạm Quỳnh mất ngày 6 tháng 9 năm 1945…"

Nhưng ở trang 204, trong bài Introduction au Nam Phong 1917 – 1934 bà Phạm Thị Ngoạn, (con gái thứ 6 kể cả trai lẫn gái) của Thượng chi Phạm Quỳnh lại ghi rõ, tôi cứ trích theo bản tiếng Pháp trong toàn tập Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, nouvelle série, no 2 et 3, 2e trimestre 1973, Tome XVIII: “Khi ở Huế đầu tháng Tám 1945, Mặt trận Việt Minh đang cướp chính quyền, trước cả ngày tuyên bố thoái vị Hoàng đế (Bảo Đại) và cả ngày tuyên bố Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội: un groupe armé pénétra en voiture dans la villa Hoa Đường et enleva l’ancien ministre et son gendre Nguyễn Tiến Lãng, C’est le 23 Aout 1945, à 14 heures (16ème jour du 7èm mois de l’année At Dau)

"Pham Quynh ne revint jamais"

Vâng, đó là lời ghi của bà Phạm Thị Ngoạn: Phạm Quỳnh không bao giờ trở về nữa. Bà ghi rất rõ tháng ngày theo Dương lịch: 23 tháng Tám 1945, lúc 14 giờ (tức 2 giờ chiều) (ngày 16 tháng 7 năm ất Dậu)

Rõ ràng là thế, bà Phạm Thị Ngoạn, sinh năm 1922, hẳn tháng Tám 1945 bà đâu có nhỏ, đã là 23 tuổi và là vợ của Nguyễn Tiến Lãng, Lãng tiếp nhận làm chủ bút tạp chí Nam Phong năm 1934 của bố vợ, hiệu là Hán Thu đồng thời nằm trong Văn phòng báo chí Thống sử Bắc Kỳ, thuộc trung tâm Hành chính Bảo hộ – (Administration centrale du Protectorat).

Như vậy ngày 23 tháng Tám năm 1945 là ngày Phạm Quỳnh bị bắt cùng cha con Ngô Đình Khôi. Để rõ hơn, chúng tôi ghi “Chú thích 2” của bà Phạm Thị Ngoạn cùng trang 209 ở bài trên của bà “Hai người, Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh bị bắt cùng ngày (23-8-1945) bởi những người cầm vũ khí và bí mật bị giữ trong một ngôi nhà kín bỏ hoang (Bà Ngoạn dùng chữ “hơi lạ” (dans un pressoir abandonné chữ đó có nghĩa là “máy ép”) dễ hiểu lầm nếu dịch)”

Bà Phạm Thị Ngoạn dẫn chứng một đoạn viết của nhà báo Thanh Lãng (trang 459 – 460) là “sau ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, Phạm Quỳnh không tham gia trong chính phủ Trần Trọng Kim, không chạy theo đám thực dân người Pháp, cũng không tham gia đảng phái chính trị nào hay gia nhập Việt Minh. Hơn nữa, người ta thấy ông sống một cuộc sống vô tư… Nếu thực tình Phạm Quỳnh đã là một tên tay sai cho Pháp, hoặc tồi tệ hơn nữa là một gián điệp của Pháp, ông ta sẽ không bị sống cách biệt, đơn độc như thế để rồi cuối cùng dễ dàng rơi vào tay Việt Minh…”.

Chứng minh xong điều đó của nhà báo Thanh Lãng về trường hợp Phạm Quỳnh, bà Ngoạn viết thêm để nhắc lại là “ngày đó Phạm Quỳnh được chính quyền (Việt Minh) mời đến dự một cuộc họp ở tòa khâm sử cũ (Bản tiếng Pháp của bà Ngoạn: invité à une réunion à l’ancien Résident supérieure…) ngày 23 tháng Tám 1945 (chúng tôi nhấn đậm T.V) vào đầu sáng buổi nghỉ trưa của ông tại biệt thự Hoa Đường ở An Cựu, gần Huế, để bị bắt giam rồi giết hại ít lâu sau đó”.

Bài viết đoạn trên của bà Phạm Thị Ngoạn khá trung thực, chúng tôi dịch đúng ý bà viết vì có lẽ chính bà đã chứng kiến buổi trưa hôm 23 tháng Tám đó, như phần lớn anh chị em của bà, kể cả Phạm Tuyên.

Tờ TPCN số 47, ngày 20/11/2005 đã giải đáp trong bài “Hai Bộ trưởng Quốc phòng và tám vị tướng một ngôi trường”. Đó là Bộ trưởng Phan Anh và Bộ trưởng Tạ Quang Bửu! Ngôi trường đó là trường Thanh niên Tiền tuyến ở Huế được thành lập thời Chính phủ Trần Trọng Kim, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh, là cơ sở của Việt Minh cho đến ngày 23/8/1945 khi khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Huế thành công.

Trường Thanh niên Tiền tuyến là nơi hội tụ những thanh niên trí thức, vốn là sinh viên gốc miền Trung từ các trường Đại học ngoài Hà Nội trở về, sau ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945.  Họ là một tổ chức nhỏ trong Mặt trận Việt Minh.

Họ là ai? Ngoài hai Bộ trưởng vừa nhắc ở trên, họ là Cao Văn Khánh là Phan Hàm, Võ Quang Hồ, Đào Văn Liêu, Nguyễn Thế Lâm, Cao Pha, Đặng Văn Việt, Đoàn Huyên… là Lê Tư Đồng trong nhóm Việt Minh Trung bộ, là Lê Khánh Khang, Hồ Văn Điểm… mà báo TPCN số 47 nêu tên.

Thiếu tướng Phan Hàm sau này, lúc đó được chú Trần Hữu Dực phụ trách Việt Minh Trung bộ, chỉ định làm chủ tịch Thanh niên tiền tuyến (TNTT).

Ngày 21/8/1945, khi vua Bảo Đại đang được Đại sứ Nhật – Yokohama bảo vệ làm “Quốc trưởng Đại Nam”, đang ngồi ở điện Kiến Trung, thì Đặng Văn Việt và Cao Pha vào nội thành hạ cờ “quẻ ly”, treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ kinh thành Huế. Lệnh treo cờ do Phan Hàm phân công.

Ngày 22/8, trước ngày khởi nghĩa, Lê Tư Đồng (Việt Minh Trung bộ) trao lệnh cho Phan Hàm (Việt Minh TNTT) phải đưa những người dễ tạo điều kiện “gây hấn” ra khỏi thành phố Huế, nghĩa là… đối với hai vị họ Phạm và họ Ngô. Chỉ thị: “Đưa họ rời Huế mới được mít – tinh”. Phân công: - Phan Hàm và Võ Quang Hồ đến thăm biệt thự Hoa Hồng trên bờ sông An Cựu. Còn Đặng Văn Việt và Đặng Viết Châu lên phía bờ sông gần nhà thờ Phú Cam.

Nhưng đến hai “cửa quan” đó, dù là trí thức vẫn là dân thường vô danh tiểu tốt. Lại phải có súng để đề phòng bất trắc, phản ứng lại của cái gia đình danh tiếng, đầy uy thế và đông con cháu, đầy tớ (người làm) đó.

Bởi rằng thời gian đó, dân quanh vùng cho biết “nhà cụ họ Phạm” có một bộ phận lính khố xanh khoảng 20 – 30 bảo vệ (ăn mặc cả đồ thường). Gia đình cụ họ Ngô ở Phú Cam cũng có một đội bảo vệ như vậy.

Hơn nữa, nói là Quân Giải Phóng (gọi theo ngoài Bắc lúc ấy) nhưng anh em TNTT làm gì… có súng. May là anh em gần đây thường tổ chức lừa lính Nhật, cả sĩ quan để “ăn cắp” súng.

Sau  này khi bọn Tàu vàng Tưởng Giới Thạch vào thì… mua súng khá rẻ và khá dễ (1 tô bún bò đầy thịt là được 1 “cá”). Vậy là Phan Hàm và Võ Quang Hồ có 2 khẩu súng 6 – cỡ 35.

Nhưng chưa xong! Hai “cậu cử tương lai” thường mặc áo “sơ mi” quần tây, nay thắng bộ đồ quân sự thì làm sao vô lọt “cửa quan”, nhất là khi các quan đang cảnh giác “dân đen cách mạng làm liều” kiểu thời phá ngục Bastille Đại cách mạng Pháp 1789… thì nguy.

Các quan nhỏ như tri huyện, thừa phái hay đến “chầu” quan Thượng, phải đội khăn đóng, bận áo dài đen. Vậy là “2 cậu” phải xoay đủ bộ trong thời gian ngắn (thời đó dễ vô cùng): áo dài đen, khăn đóng, quần trắng. Cùng lúc là cử người đi “do thám”, để biết rõ tình hình và địa thế khuôn viên villa des Roses.

Nhà các quan có bảo vệ trên 20 người là đông, nên “bên mình” cũng phải lo… tác chiến. Đã hẹn trước với anh Phan Tử Lăng chỉ huy đồn lính khố xanh (là Việt Minh TNTT) để lo 2 xe và mấy anh thanh niên sẽ cùng hướng cầu An Cựu. Trước khi đến nhà cụ Thượng, 2 anh cũng đã xin ý kiến của Việt Minh Thuận Hóa là anh Lê Tư Đồng: Nếu họ chống cự hay có triệu chứng bỏ chạy thì… bắn. Đến 1g trưa, tức 13g (1), nhanh nhẹn và “oai hùng” thẳng tiến. Xe đỗ gần cổng vào, 2 vị “thừa phái” ung dung đi vào không ai hỏi gì.

Nhưng có “sự cố”, vì lúc anh Phan Hàm vừa bước xuống xe để đi vào thì Nguyễn Tiến Lãng vừa từ trong nhà đi ra, Nguyễn Tiến Lãng nhỏ người, gầy nhưng rất tinh và khôn (có lẽ vì thấy có 2 xe), nên… biết ngay “có chuyện xấu”, quay người bỏ chạy.

Anh Phan Hàm bắn, nhưng súng chúc nòng không nổ, Nguyễn Tiến Lãng vội chuồn, còn “ông chỉ huy” Phan Hàm “đút khẩu súng 6 vào túi” (lúc kể, anh Phan cười: Tưởng là hóc đạn, chứ mình đâu có biết… bắn).

Nhờ vậy, nên… êm thắm, Cụ thượng họ Phạm không nghi ngờ gì. Anh Võ Quang Hồ lên lầu, thấy cụ đang ngồi trên ghế salông, khẽ chào và đưa giấy của Việt Minh. Cụ đứng lặng rồi cùng đi xuống lầu.

Anh Phan Hàm ở dưới… “khám nhà” cả trên lầu, thấy ở tủ sách nhỏ của con gái Phạm Quỳnh (không biết của cô nào) vàng lá xếp đống, trong đó. Niêm phong nhà, lầu. Tất cả người nhà cụ Thượng họ Phạm kể cả cụ đều xuống nhà dưới. Đột nhiên, Phạm Quỳnh xin lên lầu cho lấy một “quả trầu” – vì cụ Thượng thường ăn trầu. Thật không ngờ dưới bàn để toàn vàng…

Bắt xong Phạm Quỳnh, mới họp lính bảo vệ, giải thích và vận động họ, vì chính quyền chưa thuộc về cách mạng. Trưa đó Phạm Khuê và Phạm Giao đều đi vắng.

Phạm Giao hiệu là Tiêu Diêu, có viết báo ở Huế. Trong tình thân, tôi hỏi anh Phạm Hàm về cả đống vàng đó, có tịch thu không. Anh bảo: “Mình đâu có để ý vì đang lo bắt Phạm Quỳnh, vả lại không quan tâm, thời đó là thế.

Đến trường hợp Tổng đốc Ngô Đình Khôi! Kể về tội thì Khôi đâu có lớn bằng Quỳnh, nhưng nguy hiểm hơn Quỳnh nếu phải bảo vệ cách mạng. Năm 1985 đó, nhiều người ở Huế vẫn ủng hộ Khôi, cụ thể là một số anh em trong trường TNTT: có tin là đám ủng hộ Khôi sẽ chống lại cách mạng.

Ngay sau đó, anh em TNTT đưa Phạm Quỳnh đến giam ở lao Thừa phủ, có cả Nguyễn Tiến Lãng cũng mới bị bắt. Đó là lệnh của Việt Minh Trung bộ.

Còn Đặng Văn Việt và một cậu nữa được phân công đến Phú Cam bắt Ngô Đình Khôi. Khôi hiền lành đi theo không chút chống cự hay phản ứng. Nhưng lúc ấy Ngô Đình Huân là con trai lại có mặt ở nhà. Huân đã đỗ cử nhân thái độ anh cũng nhẹ nhàng.

Anh đến bên bố nói, mọi người nghe rõ: “Con đi với cậu”. Thực tình không có lệnh bắt Ngô Đình Huân. Anh tưởng bố chỉ bị bắt “tạm” như… bị gọi đi làm rồi về. Có lẽ Ngô Đình Khôi cũng nghĩ như vậy, nên gật đầu. Đặng Văn Việt cũng gật đầu: “Được cậu cứ đi”.

Phan Hàm buồn buồn: “Một cái chết khó đoán, nhưng đúng là Huân bị… chết oan”. Bắt xong thì tin ở Huế loan đi là đã cướp chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công: Đó là ngày 23 tháng Tám năm 1945.

* * *

Mít tinh mừng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 thành công tốt đẹp. Cả Huế người là người và cờ đỏ sao vàng phấp phới khắp mọi nơi.

Song dư âm về chuyện có một số người dự định chống lại cách mạng, chống lại chính quyền mới còn phảng phất vì Bảo Đại vẫn còn ngồi trong điện Kiến Trung. Đó là điều tất yếu với những cuộc cách mạng thay đổi chính quyền, dù ở bất cứ nước nào, xưa và nay.

Tối đó, tôi được chú Trần Hữu Dực cho theo xe con của chú Tài bên Tài chính ra Vinh. Trời rét nhẹ, mưa phùn khi xe đến phà Sông Gianh, có tấm biển báo rõ to chữ Bac (tiếng Pháp, nghĩa là bến phà).

Còn ở Huế?

Tối đó, anh Phan Hàm bảo với anh Nguyễn Thế Lâm là ngay đêm phải “giải” hai cụ ra khỏi thành phố, nghĩa là cả Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi (có Ngô Đình Huân). Anh Nguyễn Trung Lập, TNTT, đi theo xe. Anh Lập lúc đó không phải trong nhóm Việt Minh trường TNTT.

Dặn dò thế nào không rõ, vì cũng là mới khởi nghĩa cách mạng thành công ở Huế nên anh Lập nôn nóng trở về. Xe ra đến Hiền Sĩ, cách Huế chừng 20km, cũng không xa giáp ranh tỉnh Quảng Trị.

Đây là vùng cây cối um tùm, nhất là thuở đó, nhà dân thưa thớt, cách quãng. Năm 1980 – 1986, tôi qua lại nhiều lần vẫn thấy cây hoang dại khá rậm rạp. Khởi nghĩa mới thành công, ai lại không vui, vậy là anh “giam tạm” mấy người trong một gian nhà bỏ trống, nhờ mấy “dân quân tự vệ” cũng mới vào đoàn trông coi rồi… theo xe về Huế ngay…

Lịch sử có những chuyện “gặp gỡ” khá kỳ lạ là hôm sau mấy tên biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, vì như vừa nói, ngoài Hiền Sĩ có đất trống, cây dại cao thấp mọc rậm rịt như rừng, bọn chúng đâu biết là Pháp – Nhật đã bị chính quyền cách mạng… xóa sổ.

Và cũng tình cờ làm sao, khi mấy tên biệt kích nhảy dù an toàn, đang đi… về Huế, bị dân quân chặn lại, bắt giam để báo về Huế với đầy đủ vũ khí hiện đại, thức ăn nước uống, lại nhốt sát bên cạnh nhà giam Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi. Dân quân địa phương không biết gì đã đành, báo cáo về Huế mấy vị lãnh đạo mới nắm chính quyền sốt dẻo lại không chú ý gì vì đang bận chúi mũi bao việc tày trời mới được đảm nhận.

Việc “bỏ quên” đó thật tai hại, vì nơi giam các cụ và 6 tên biệt kích dù chỉ cách có… 1 hàng rào!

Anh em TNTT đã “hốt” thực sự. Anh Phan Hàm kể tiếp: “Tin đó làm anh em TNTT hốt, vội đi xe có đầy đủ vũ khí ra gấp Hiền Sĩ, vừa đi vừa bàn kế hoạch”.

Ba TNTT được Phan Hàm phái theo, trong đó có anh Lê Thiệu Huy (con cụ Phó bảng Lê Thước, tuy nhà ở Đức Thọ, Hà Tĩnh vẫn vô Huế tham gia TNTT bảo vệ cách mạng).

Anh Lê Thiệu Huy giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Đến nơi bí mật tiếp cận hàng rào, anh Lâm Quang Minh nấp, kê súng lên vai anh bạn sẵn sàng như đã bàn là “nếu chúng trở chứng thì đánh”. Lúc ấy 2 tên biệt kích Pháp ngồi ngoài hiên, bọn còn lại ở trong nhà.

Lê Thiệu Huy gọi và ra hiệu nói chuyện. Hai tên ở ngoài hiên vội chạy vào nhà. Tên Castella, thiếu tá chỉ huy ra nói chuyện, hỏi ngay: “Phạm Quỳnh ở đâu?” Rõ ràng là chúng nhảy dù có chủ đích nhưng không biết là Phạm Quỳnh ở ngay nhà bên cạnh.

Lê Thiệu Huy nói: “Tôi được chỉ thị của Chính phủ tôi là bắt giữ các anh lại!”. Tên Castella vặn: “Chính phủ nào”. Đáp ngay: “Chính phủ lâm thời!”. Castella nói xấc: “Quel drôle de… gouvernment!”. Các anh rạo rịt tay súng, nhưng Lê Thiệu Huy vẫn bình tĩnh: “Chính phủ là thiêng liêng, dù là Chính phủ lâm thời…”.

Nhưng anh em đã ào xông vào… Bọn Pháp sợ vì lúc ấy dân quanh đó và dân quân vài người đến, thấy đông chúng xin hàng ngay. Tịch thu súng, mọi thứ tịch thu hết. Lúc anh em về lại Huế, báo cáo cấp trên là tùy lãnh đạo, ngoài ra không biết gì.

Vì vậy, sau đó anh em TNTT cách ly bọn biệt kích Pháp, đưa xuống Sỵa, còn đám 2 cụ thì giao cho dân quân địa phương xử lý, chứ không phải Việt Minh Trung bộ (tức chính quyền mới thành lập), theo lời anh Hoàng Ngọc Diệu là dân địa phương (Hiền Sĩ), kể sau này.

Sự thật quá rõ ràng, vì ngày 23/8, sau khi tuyên bố chính quyền Cách mạng được thành lập, chỉ mới vừa đúng 1 ngày, người ta đang lo bao việc lớn, khi quân Nhật đầu hàng còn “bảo vệ các cơ sở” để bàn giao cho quân Tàu Tưởng vào giải giáp, lại tin quân Pháp theo quân Anh đang có âm mưu chiếm lại Sài Gòn, đánh Việt Nam.

Cũng là lúc Bảo Đại còn đó, đang ngồi ở điện Kiến Trung, mọi việc đều cấp bách thì cái chuyện giải 2 cụ ra xa thành phố cũng chỉ là việc nhỏ, tránh những người chống đối phá quấy.

Mà lúc ấy trong dân chúng, buổi đầu cách mạng, cũng là trong ngày đầu chính quyền mới do dân làm chủ thì mấy tiếng Việt Gian, diệt Việt gian kèm theo hành động lan truyền… khắp mọi nơi, nhất là đối với những người có “thành tích” thân pháp.

Mà hai cụ họ Phạm là Ngô thì rõ ràng quá, tránh sao lúc trong dân, chỉ mới hưởng 1 ngày đầu chính quyền cách mạng, còn căm thù bọn thống trị Pháp và đám tay chân người bản xứ của chúng, có hành động manh động. Đó hẳn là “nỗi uẩn khúc” cuối cùng của ông chủ báo Nam Phong… cho nên dù cái ngày đó là ngày 23 tháng Tám năm 1945 hay ngày 6 tháng 9, nghĩa là trên 10 ngày sau cũng chỉ là trong phạm vi giai đoạn thời gian của sự việc.

Ngày 02-12-2005

(1) Bà Phạm Thị Ngoạn ghi 14h

MỚI - NÓNG