Tp.Hồ Chí Minh – Tp.Hà Nội: Bình ổn thị trường cuối năm

Tp.Hồ Chí Minh – Tp.Hà Nội: Bình ổn thị trường cuối năm
TP - UBND TP.Hà Nội và UBND TP.Hồ Chí Minh vừa đưa ra một số giải pháp quan trọng nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm.

Tp.HCM: Bình ổn 8 mặt hàng thiết yếu

Theo kế hoạch, nguồn hàng bình ổn đến Tết Nguyên Đán Tân Mão 2011 gồm: Gạo nếp (4.500 tấn), đường RE (2.100 tấn), dầu ăn (750 tấn), thịt gia súc (4.000 tấn), thịt gia cầm ( 1.550 tấn), thực phẩm chế biến (1.500 tấn ), trứng gia cầm (13,5 triệu quả), rau củ quả (1.500 tấn).

Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ tháng 6 đến tháng 11-2010, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá đã thực hiện tốt các quy định cam kết, đảm bảo nguồn hàng dự trữ, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng các điểm bán, giữ giá ổn định giảm 10% so giá thị trường.

Hiện số điểm bán đã tăng lên 1.983 điểm tại các chợ truyền thống và địa bàn dân cư. Các doanh nghiệp có lượng bán bình quân đạt và vượt kế hoạch được giao như: Vissan, Saigon Co.op, Vịnh Thành Đạt, Ba Huân, Huỳnh Gia Huynh Đệ, Thành Thành Công. Nhiều đơn vị tổ chức trên 200 chuyến xe bán hàng lưu động ở các huyện ngoại thành, Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp bán các mặt hàng thiết yếu thu hút 45.000 lượt người mua, tổng doanh thu trên 2,3 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo của Sở Công thương Tp.HCM, tuy đang vào mùa cao điểm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho cả Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Mão, nhưng thị trường Tp.HCM đảm bảo không thiếu nguồn cung hàng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tp.Hà Nội: Tạm ứng 50 tỷ đồng để bình ổn giá cả cuối năm

Theo đó, số tiền được trích từ Quỹ dự trữ tài chính thành phố tạm ứng cho 4 doanh nghiệp dự trữ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu (gạo trắng thường, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau củ) phục vụ bình ổn giá trong thời gian từ nay đến hết ngày 30-4-2011 với lãi suất 0%. Bao gồm: Tổng Cty Thương mại Hà Nội: 25 tỷ đồng; Cty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) và Cty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái, mỗi đơn vị 10 tỷ đồng và Cty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ thực phẩm Vinh Anh 5 tỷ đồng.

UBND Tp.Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp được tạm ứng vốn có trách nhiệm thực hiện bình ổn giá theo cam kết, sử dụng vốn được tạm ứng đúng mục đích và hoàn trả Quỹ dự trữ tài chính Thành phố đúng thời gian quy định. Sở Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc cung ứng hàng hoá và bình ổn giá trên địa bàn

Trước đó, Tp.Hà Nội đã trích 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách lập quỹ tạm ứng cho doanh nghiệp không tính lãi suất trong năm 2010 để dự trữ các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn giá. Trong đợt bình ổn giá gần đây nhất, Hà Nội đã tạm ứng đợt 1 là 350 tỷ đồng để dự trữ các mặt hàng thiết yếu.

Điều chỉnh lượng hàng thịt gà công nghiệp tại Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op) tăng từ 250 tấn lên 330 tấn trong năm 2010; Cty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ giảm từ 200 tấn xuống còn 120 tấn. Lượng hàng thịt gà thả vườn tại Saigon Co.op tăng từ 110 tấn lên 140 tấn trong năm 2010 và tăng từ 250 tấn lên 340 tấn dịp Tết Tân Mão 2011; Cty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ Súc Sản - Vissan tăng từ 20 tấn lên 60 tấn dịp Tết Tân Mão năm 2011. Ngoài ra, lượng hàng thịt heo tại Saigon Co.op tăng từ 1.220 tấn lên 1.300 tấn trong năm 2010 và tăng từ 970 tấn lên 1.050 tấn dịp Tết Tân Mão 2011; tại Cty Vissan tăng từ 1.700 tấn lên 1.950 tấn trong năm 2010 và tăng từ 1.800 tấn lên 2.050 tấn dịp Tết Tân Mão.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG