Vietcombank đồng hành gỡ khó cùng doanh nghiệp

Vietcombank đồng hành gỡ khó cùng doanh nghiệp
TP - Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, để chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã quán triệt từ Hội Sở chính đến các Chi nhánh, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ . Sự vào cuộc ráo riết đang giúp doanh nghiệp phục hồi vực dậy sản xuất kinh doanh.

> Vietcombank muốn trở thành ngân hàng tài chính đa năng
> VIETCOMBANK CHUNG TAY “ THẮP SÁNG ƯỚC MƠ THIẾU NHI VIỆT NAM 2013”

Vietcombank thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ DN ổn định kinh doanh
Vietcombank thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ DN ổn định kinh doanh.

Tiên phong hạ LS lan toả thị trường

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, qua ba lần giảm, mức LS cho vay cao nhất của Vietcombank hiện chỉ còn 13%/năm, lãi suất cho vay bình quân chỉ ở mức 10%/năm. Riêng các khách hàng kinh doanh thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), Vietcombank đang áp dụng mức trần LS cho vay ngắn hạn VND là 9%/năm theo quy định của NHNN.

Việc hạ LS của Vietcombank lập tức tạo hiệu ứng lan toả toàn thị trường. Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại lớn, nhỏ đều hưởng ứng điều chỉnh giảm khiến mặt bằng LS huy động trên thị trường giảm đáng kể.

Phân tích của các chuyên gia: “Động thái này không chỉ đón đầu mà còn tạo tiền đề và sự đồng thuận lớn trong khối ngân hàng đối với việc thực thi nghiêm túc, triệt để các chủ trương/chính sách của Chính phủ và NHNN trong việc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế và bình ổn vĩ mô. Hạ LS cũng là cơ sở quan trọng để các ngân hàng thực hiện hạ LS cho vay, hỗ trợ khách hàng. Nhờ đó, nhiều khách hàng của Vietcombank đã vượt qua thời điểm khó khăn, dần ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh.

Ngoài chủ động triển khai các chương trình cho vay ưu đãi dành cho các đối tượng được ưu tiên với LS ngắn hạn VND thấp nhất có thể là 5,0%/năm, Vietcombank còn có một số chương trình ưu đãi LS khác đang được triển khai như: cho vay ưu đãi LS VND: quy mô 50.000 tỷ đồng; cho vay ưu đãi LS USD: quy mô 1 tỷ USD; Chương trình VNĐ lãi suất USD: quy mô 10.000 tỷ đồng; Cho vay ưu đãi LS ngắn hạn đối với 50 khách hàng định danh (tốt nhất hệ thống). Mọi thủ tục, hồ sơ vay vốn cũng đã được Vietcombank tiết giảm tối đa và đăng tải công khai. Mục tiêu cuối cùng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn ưu đãi.

Đồng hành cùng tháo gỡ

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Vietcombank chủ trương phải đảm bảo chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn cho vay trên nguyên tắc không bỏ qua các điều kiện trọng yếu nhưng cũng không quá rườm rà, thách đố, gây khó khăn cho khách hàng.

Mặt khác, Vietcombank còn hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc đã đưa ra chính sách giá cạnh tranh, ưu đãi đối với từng khách hàng cụ thể, dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng tín dụng.

Ngoài ra, tiến hành chính sách ưu tiên phát triển dư nợ bán lẻ, chuẩn hoá các bộ sản phẩm tín dụng bán lẻ, giảm lãi suất cho vay đối với một số nhóm khách hàng có chất lượng tín dụng và tài sản đảm bảo tốt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy là mặc dù nguồn cung tín dụng dồi dào, mặt bằng LS cho vay thấp song tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng nói chung và Vietcombank nói riêng vẫn ở mức khiêm tốn so với kế hoạch đặt ra. Điều này nói lên khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và khách hàng giảm sút và đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực hơn nữa từ cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp.

Từ đó, cũng mở ra cho Vietcombank những gói giải pháp. Ví như phía ngân hàng tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn như cơ cấu lại nợ, tính toán lại vòng quay vốn lưu động, miễn và giảm lãi vốn vay… Phía doanh nghiệp thì lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh (core business), có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững, không đầu tư dàn trải, mạo hiểm.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan, khó khăn hiện nay không chỉ đối với doanh nghiệp hay ngân hàng hoặc là khó khăn “hai trong một” của cả ngân hàng và đoanh nghiệp mà của cả nền kinh tế. Do vậy, bên cạnh các giải pháp của hệ thống ngân hàng rất cần có sự vào cuộc từ bên ngoài.

Theo đó, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý hàng tồn kho; hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mua bán nợ, mua bán tài sản đảm bảo; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính; có chính sách kích cầu tiêu dùng; và có chính sách trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh…

Với nỗ lực thu xếp nguồn vốn giá rẻ để sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nói riêng và các tầng lớp khách hàng nói chung, 8 tháng đầu năm 2013, doanh số giải ngân của Vietcombank cho các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi lên tới 111.754 tỷ quy VND.

Đối với các khách hàng khó khăn tạm thời, Vietcombank đã xem xét thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP và Ngân hàng Nhà nước tại QĐ số 780/QĐ-NHNN, đồng thời xem xét cho vay mới đối với những dự án khả thi để các khách hàng có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo nguồn trả nợ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG