Chứng khoán - Làn sóng thâu tóm ?

Chứng khoán - Làn sóng thâu tóm ?
TP - Tổ chức Morningstar vừa công bố VN-Index tăng 11%, xếp thứ 25 trong số 40 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2012. Dù vậy, giá của phần lớn cổ phiếu thực tế đã giảm rất mạnh và thấp chưa từng có trong lịch sử. Dòng tiền đổ vào thị trường suy yếu trầm trọng.

> Tái cơ cấu chứng khoán và bảo hiểm
> Từ đầu năm đến nay huy động hơn 99 nghìn tỷ đồng TPCP

Phiên giao dịch cuối cùng tháng 11, VN-Index đóng cửa ở mức 377,82 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu Tết âm lịch đến nay, và cao hơn 7,79% so với đầu năm. Trong khi đó HNX-Index xuống mức 51,05 điểm, mức thấp nhất trong lịch sử của chỉ số này và giảm 13,09% so với đầu năm.

Có hơn 50% cổ phiếu niêm yết có mức giá thấp hơn so với đầu năm và có tới 65% cổ phiếu có giá thấp hơn mệnh giá. Thanh khoản thấp kỷ lục với giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả hai sàn trung bình mỗi phiên khoảng 300 tỷ đồng, tương đương khối lượng khoảng 26 triệu đơn vị.

Theo ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng phân tích Công ty CK MayBank KimEng, nguyên nhân khiến cho thanh khoản kém đi là do bức tranh chung của nền kinh tế vẫn chưa khả quan hơn.

Một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán chia sẻ, nhà đầu tư nhỏ lẻ và lướt sóng hiện tại rất ít có cơ hội kiếm tiền vì thanh khoản quá thấp. Theo nhà đầu tư này “bí quyết” là nếu thị trường đang trong xu hướng giảm thì nên đứng ngoài quan sát thay vì mua bán vì rất rủi ro.

Trong lúc giao dịch khớp lệnh giảm xuống mức rất thấp thì giao dịch thỏa thuận lại tăng vọt. Phiên giao dịch ngày 30/11, trên sàn HSX có hơn 29 triệu cổ đượng giao dịch thỏa thuận, tương đương giá trị 1.672 tỷ đồng.

Các cổ phiếu được giao dịch chủ yếu là VIC gần 14 triệu cổ đến từ khối ngoại. Một số cổ phiếu có giao dịch lớn như các mã AGD, MBB, FPT,VNM, PVD, SCR, SHB…

Điểm đáng lưu ý, đây không phải là phiên duy nhất giao dịch thỏa thuận lên ngôi. Trước đó, Thị trường chứng kiến nhiều đợt giao dịch thỏa thuận lớn các mã cổ phiếu như STB, EIB, ACB, FPT, MBB, KDC.

Bình luận về hiện tượng này, một chuyên gia cho rằng có thể đang “ngầm” diễn ra một làn sóng thâu tóm doanh nghiệp trên sàn.

“Nhiều cổ đông rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính hoặc buộc phải thoái vốn để giảm sở hữu chéo đã buộc phải bán cổ phiếu lại cho nhà đầu tư có tiềm lực mạnh hơn. Giao dịch thỏa thuận trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra nhanh và mạnh”- Vị này dự đoán.

Ông Phan Dũng Khánh thì lý giải: thị trường xuống thấp “bèo bọt” như hiện nay đã khiến dòng tiền lớn cũng không hào hứng mua trên sàn.

Do đó, theo ông Khánh, những thương vụ giao dịch thỏa thuận trong thời gian gần đây tương đối nhiều là do dòng tiền lớn còn đang tranh thủ mua và thường là để đầu tư dài hạn có thể là nguyên nhân khiến thanh khoản trên sàn vẫn ở mức thấp.

Ông Khánh cũng tiết lộ thêm, gần đây thị trường xuất hiện tin đồn cho rằng nhiều khả năng có dòng vốn nước ngoài đang mua cổ phiếu dưới tài khoản nhà đầu tư trong nước theo hình thức ủy thác đầu tư đang có xu hướng tăng lên.

Thị trường đang rơi vào một dòng xoáy suy giảm khá nghiêm trọng. Trước đây các cơn sóng của thị trường được tạo ra bởi “đội lái” hoặc những tổ chức lớn như quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. Giờ đây, những nhà đầu tư lớn đã “suy kiệt sức lực” không còn “lửa mồi”. Còn nhà đầu tư nhỏ đã quá chán nản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.