Hòa Phát Hà Nội và HN.ACB là hai đội bóng có “bầu sữa” là những doanh nghiệp đang đắt giá trên thị trường chứng khoán |
Không ít đội bóng đang được sở hữu bởi những người được gọi là “vua cổ phiếu” hay những tập đoàn lớn đã và sắp niêm yết trên thị trường chứng khoán.Dùng bóng đá để “đẩy” giá cổ phiếu
Cho đến thời điểm hiện tại, khi mà hầu hết các CLB vẫn phải sống nhờ bằng “bầu sữa” của các ông bầu hay tập đoàn lớn thì khó nói chuyện sinh lời trực tiếp bằng bóng đá.
Nhưng bằng việc đầu tư cho bóng đá, thương hiệu của doanh nghiệp đã được biết đến nhiều hơn, hình ảnh doanh nghiệp được đánh bóng chính là “cái giá” mà bóng đá mang lại.
Mấy năm trước, người tiêu dùng còn xa lạ với thương hiệu Hòa Phát nhưng kể từ khi doanh nghiệp này bắt tay đầu tư đội bóng từ hạng nhất rồi lên chuyên nghiệp thì “tiếng tăm” của Hòa Phát đã bay xa hơn.
Năm ngoái, đội Hòa Phát Hà Nội đoạt Cúp Quốc gia đã đánh dấu sự thành công không chỉ của CLB mà của cả doanh nghiệp.
Chủ tịch CLB Hòa Phát HN Nguyễn Mạnh Tuấn thừa nhận: “Chúng tôi đã được lợi nhiều về mặt thương hiệu trong thời gian qua. Về đầu tư, với doanh thu 400 tỷ đồng/năm từ tập đoàn, chi 10-12 tỷ đồng/năm cho bóng đá cũng không phải là chuyện lớn”.
Thật ra, trong việc giá cổ phiếu lên cao bóng đá không phải là yếu tố quyết định cũng là một yếu tố quan trọng. Và rõ ràng những gì mà Hòa Phát thu được là rất cao, cụ thể là đã đẩy giá cổ phiếu của họ trên thị trường OTC lên cao và được nhiều người lùng mua.
Trước mùa giải V-League 2007, lãnh đạo CLB công bố chi 22 tỷ đồng cho đội bóng cũng là một cách đánh bóng thương hiệu. Bởi lẽ điều ấy chứng tỏ Hòa Phát đang “làm nên ăn ra” và năng lực của họ được khẳng định.
Lại nói về ACB, đây là một trong những ngân hàng có giá trị cổ phiếu cao, được nhiều người săn lùng nhưng bản thân các cầu thủ HN.ACB thì… đừng có mơ. Dù là cầu thủ của ACB nhưng họ cũng chẳng có ưu đãi nào cả, trong đội bóng chỉ có duy nhất một cầu thủ kiếm được “chút chút” từ cổ phiếu của ACB là hậu vệ Lưu Danh Minh. Vì sao ư? Đơn giản vì vợ cầu thủ này là nhân viên của ACB và cái “chút chút” ấy nghe nói cũng cỡ vài trăm triệu đồng. |
Tương tự, HAGL với những hoạt động bóng đá của mình, thương hiệu của doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai ngày càng lan rộng.
Trên sàn OTC trước Tết Nguyên đán khoảng hai tháng, giá cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai chỉ ở mức 50 - 54.000 đồng/ cổ phiếu nhưng cùng với sự kiện HAGL ký kết với Arsenal và xây học viện bóng đá thì giá cổ phiếu của doanh nghiệp này trên OTC đã tăng đến mức xấp xỉ 120.000 đồng/cổ phiếu.
Nói về sự tương quan giữa bóng đá với thị trường chứng khoán, chỉ cần một “comment” đăng trên diễn đàn chứng khoán là đủ: “Trời ơi, giá cổ phiếu Đồng Tâm làm gì mà cao dữ vậy.
Năm nay GĐT.LA không thể vô địch V-League, ông Calisto kêu quá trời về lực lượng cầu thủ GĐT.LA còn yếu hơn các đội khác nên thương hiệu Đồng Tâm chắc chắn bị ảnh hưởng, có nên đầu tư không?”. Vậy thì, ai bảo bóng đá đứng ngoài thị trường chứng khoán?
Những tác dụng ngược
V-League hiện nay có 14 đội nhưng chỉ có ba ông bầu thực sự là bầu Kiên của HN.ACB, bầu Đức của HAGL và bầu Thắng của GĐT.LA. Đó cũng chính là ba tỷ phú từng được dư luận xếp vào danh sách những người giàu nhất Việt Nam hiện nay.
Nhiều nguồn thông tin đưa ra danh sách những người giàu nhất Việt Nam, tất nhiên là không chính thức, trong đó ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch CLB HN.ACB là một trong số đó với 10 triệu cổ phiếu của ACB, giá trị tương đương 1.500 tỷ đồng.
Thế nhưng cách chi của bầu Kiên với đội bóng khá... nhỏ giọt, đúng như tính thận trọng của những người làm tài chính, hơn nữa, khác với doanh nghiệp khác, ACB quá mạnh và quá danh tiếng, không cần đến tác động nào từ bóng đá thì giá trị cổ phiếu của ngân hàng này đã cao ngất trời.
Khoản đầu tư của ACB cho đội bóng cũng là một con số khá lớn: Hơn 10 tỷ đồng một năm, căn cứ vào mặt bằng V-League. Bước sang năm 2007, bầu Kiên mới quyết định tăng lương cho cầu thủ loại một lên 15 triệu đồng/tháng nhưng với điều kiện, đội bóng phải lọt vào Top 3.
Hiện tại, HN.ACB đang dính vào vụ tai tiếng lớn đó là chuyện cầu thủ Xuân Thành của đội bóng này bị bắt quả tang tàng trữ thuốc lắc trong vũ trường. Tất nhiên đó là chuyện của đội bóng, song hẳn nhiên lãnh đạo ACB không muốn vì chuyện này mà ảnh hưởng đến uy tín của ACB trên thị trường chứng khoán.