Công bố 4 ngành nhiều tham nhũng

Công bố 4 ngành nhiều tham nhũng
TP - Theo nghiên cứu của Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2013 (VBF), diễn ra ngày 3/12, có 4 ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng là hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai.

> Ba luật sư bào chữa cho ông Dương Chí Dũng
> Xử lý nghiêm những điểm nóng án tham nhũng

Bốn ngành nhiều tham nhũng

Theo nghiên cứu của VBF, có 4 ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng là hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai. Qua khảo sát vào tháng 10/2013 của VBF về cộng đồng doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam cho thấy, tình trạng tham nhũng thường phổ biến trong lĩnh vực công hơn lĩnh vực tư nhân. Trong 3 lĩnh vực mà Chính phủ ưu tiên để chống tham nhũng, số người khảo sát lựa chọn để “đánh” với hải quan 55,2%, thuế 46,2% và quản lý đất đai là 39,8%.

Các viên chức công quyền yêu cầu những khoản hối lộ và tiền bôi trơn hầu như mỗi ngày. Nếu từ chối những yêu cầu đó DN bị làm khó dễ trong lĩnh vực liên quan. Theo các chuyên gia VBF, có tình trạng cán bộ hải quan được chi trả phí bôi trơn để giải quyết nhanh trong xuất, nhập hàng hóa; nhận hối lộ để làm ngơ trước hàng lậu, hàng cấm. VBF lưu ý rằng, việc này có phần xuất phát từ DN, khi họ muốn “được việc” trong thời gian ngắn.

Chuyên gia VBF cũng dẫn chứng trường hợp về đường dây nóng của Tổng cục Hải quan. Khi thành viên của VBF gọi thử vào đường dây, được trả lời: Không tiếp nhận những thông tin về tham nhũng của cán bộ trong ngành. Trong lĩnh vực thuế, DN thường xuyên phải trả phí bôi trơn, cán bộ thuế đề nghị cố ý khai báo giảm nghĩa vụ thuế để được hối lộ.

“Hành vi tham nhũng này là kết quả của thực trạng cán bộ thuế quyền hành lớn; còn hệ thống chính sách và quy trình thủ tục cồng kềnh, không rõ ràng”- VBF cảnh báo. Theo Ngân hàng thế giới (WB), gặp phải nhiều vấn đề tham nhũng nhất trong lĩnh vực thuế chính là những DN trước đó thường xuyên có nhiều khoản chi không chính thức.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc tái cơ cấu DNNN, quan điểm của Chính phủ là rõ ràng, và Thủ tướng phê duyệt kế hoạch. Theo đó, thời gian tới, cổ phần hóa sẽ đẩy nhanh hơn, mục tiêu sẽ đưa 1.200 DNNN còn 600 vào năm 2015 và 300 vào năm 2020. “Năm 2012, chúng ta thực hiện được 34 DN. Còn năm nay, kế hoạch cổ phần hóa 175 DN, đã thực hiện được gần 100 DN”.

Trước độ nóng tham nhũng, tiêu cực trong ngành thuế, hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói: “Chúng tôi tiếp tục cam kết, nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng thống tham nhũng; đơn giản, minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN”.

Để giảm thiểu tiêu cực, bà Mai cho biết, ngành thuế, hải quan áp dụng kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ; có ban phòng chống tham nhũng trong tài chính.

DNNN ưu đãi nhiều, hiệu quả ít

Người dân thực hiện thủ tục hải quan tại quầy
Người dân thực hiện thủ tục hải quan tại quầy.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, ông Preben Hjortlund, nói rằng, khu vực DNNN của Việt Nam chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Trong khi được ưu đãi nhiều trong các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp..., nhưng DNNN thường hoạt động không hiệu quả, kìm hãm tăng trưởng nền kinh tế, giảm đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này. Việt Nam cần tiến hành cổ phần hóa DNNN trong thời gian sớm nhất, để tạo ra một môi trường có tính cạnh tranh cao, hoạt động theo cơ chế thị trường.

Ông Steven Winkelman, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, cho rằng, tham nhũng và xung đột lợi ích trở thành vấn đề cố hữu trong khu vực DNNN. Ông nói: “Các nhà đầu tư đang lo lắng, liệu tập đoàn nhà nước nào tiếp theo sẽ thất bại từ việc mở rộng hoạt động quá mức; tập đoàn nào sẽ buộc phải kê các tài sản xấu vào bảng cân đối kế toán”.

Một trong những bế tắc của DNNN hiện nay là thoái vốn ra khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như ngân hàng, bất động sản...Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tính đến các giải pháp thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh dưới mệnh giá.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong tái đầu tư công, Chính phủ tiếp tục khẳng định, những lĩnh vực mà xã hội, tư nhân làm được tạo điều kiện cho họ tham gia đầu tư. Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT cùng các bộ, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực thuộc ngành mình, có thể kêu gọi đầu tư từ xã hội. Từ đó, xây dựng dự án lớn hơn về thực hiện hợp tác công tư (PPP), đầu tư tư nhân, mạnh mẽ hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG