'Tín dụng 2013 không thể tăng trưởng 12%'

'Tín dụng 2013 không thể tăng trưởng 12%'
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, mục tiêu này khó đạt vì những nghịch lý tín dụng chưa được giải quyết như doanh nghiệp muốn vay thì quá yếu, đơn vị 'khỏe' lại không mặn mà...

>Ba 'ông lớn' ngân hàng bán 12.500 tỉ nợ xấu
>Báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán lĩnh vực ngân hàng

Tiến sĩ Trần Du Lịch tin rằng lãi suất huy động không thể giảm thêm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn có thể hạ tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp
Tiến sĩ Trần Du Lịch tin rằng lãi suất huy động không thể giảm thêm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn có thể hạ tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Đến đầu tháng 9, tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 6,45% trong khi mục tiêu cả năm mà Quốc hội giao phó là 12%. Trước kết quả này, không ít chuyên gia lo ngại tín dụng khó cán mốc trên.

Tại buổi tọa đàm giữa ngân hàng và doanh nghiệp gần đây tại Hà Nội, Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia - khẳng định năm 2013 không thể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Nguyên nhân theo chuyên gia này là hệ thống ngân hàng vẫn tồn tại nhiều nghịch lý.

Một trong những "nghịch lý" theo ông Trần Du Lịch nằm ở sức khỏe của các doanh nghiệp. "Có giám đốc kể với tôi được ngân hàng năn nỉ cho vay lãi suất 5-6% nhưng không thèm vay vì chẳng biết làm gì. Ngược lại, có công ty chấp nhận vay lãi suất 15% thì không ngân hàng nào dám mở ví", ông Trần Du Lịch kể.

Không riêng vị chuyên gia này, trước đó, tại một hội thảo về kinh tế vĩ mô hồi tháng 9, ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc VIB - thậm chí còn đưa ra nhận định, tín dụng chỉ có thể tăng trưởng 9% trong năm nay. Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng, mục tiêu tín dụng tăng 12% là hoàn toàn khả thi.

Mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm rất nhanh, thậm chí đã về mức của những năm 2006-2007. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo vẫn muốn lãi suất giảm thêm nữa. Hiểu tâm tư này nhưng với tư cách là một chuyên gia, ông Trần Du Lịch thẳng thắn nói, lãi suất đầu vào - huy động không thể giảm thêm nữa. Theo ông, trần lãi suất huy động ngắn hạn 7% của Ngân hàng Nhà nước giờ chỉ còn mang tính tượng trưng. "Barie là 7% nhưng giờ hầu như không ngân hàng nào vượt cả", ông nói.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cũng đề nghị, lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn có thể giảm thêm và Ngân hàng Nhà nước nên can thiệp bằng các công cụ của mình để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, không ít lãnh đạo các công ty xây dựng, địa ốc lo ngại khó tiếp cận vốn khi các ngân hàng ngày một thắt chặt hầu bao với lĩnh vực của họ. Chia sẻ với những lo ngại này, ông Trần Du Lịch thừa nhận đang có một vòng luẩn quẩn chưa được giải quyết. "Thị trường đi xuống, doanh nghiệp không xây dựng được, không có nguồn thu. Đồng thời, ngân hàng cũng không dám cho vay, thành ra doanh nghiệp không thể xây dựng mới", ông lý giải.

Do đó, vị chuyên gia này đề nghị, lúc này không nên bỏ mặc các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản và hỗ trợ họ là cách tốt nhất để có thể đòi nợ. "Tôi đã nhiều lần đề nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, dù rất lo tăng nợ xấu, nhưng nếu thấy doanh nghiệp nào cho vay tiếp mà có thể tạo nguồn để trả nợ cũ thì ngân hàng cũng nên nuôi nợ như vậy", ông Lịch giải thích.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Đà Nẵng chia sẻ, thị trường đang đi xuống nhưng vẫn còn những nhu cầu thực về nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Do đó, vị lãnh đạo này cho rằng các ngân hàng nên có chính sách tín dụng ở phân khúc này. "Không chỉ cho vay doanh nghiệp đầu tư xây dựng mà tôi nghĩ ngân hàng nên tạo điều kiện để người mua nhà có thể vay vốn và mua được nhà", ông nói.

Ở góc độ ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng khẳng định họ chưa từng từ bỏ các doanh nghiệp xây dựng. "OCB có 2 chi nhánh ở Hà Nội và TP HCM chỉ có khách hàng là doanh nghiệp bất động sản", ông Tùng cho biết. Tuy nhiên, riêng về đề nghị hỗ trợ vốn cho người mua nhà thu nhập thấp, vị lãnh đạo nhà băng này lại để ngỏ khả năng tham gia.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG