> CPI tháng 10 dự báo tăng 0,6%
Trọng điểm giảm, tăng thu từ bia, rượu
Nhìn vào cơ cấu nguồn thu năm nay có thể thấy: Ngân sách bị ảnh hưởng nặng từ chính việc suy giảm “đóng góp” của các DNNN.
Theo đó, nhiều trụ cột lớn đều giảm mạnh mức đóng góp như Cty Thông tin Di động ước nộp 1.733 tỷ đồng, giảm 35,9% so với cùng kỳ; Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam ước nộp 4.037 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV ước nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 3.510 tỷ đồng, bằng 32,4% so với dự toán, giảm 19,1% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh doanh khó khăn cũng được phản ánh khá rõ trên kết quả nộp thuế TNDN của các DN trọng điểm trong lĩnh vực ngân hàng, địa ốc khác. Số liệu từ ngành thuế cho thấy, trong 9 tháng, các doanh nghiệp và ngân hàng như: Techcombank, MB, VPBank, VIB... mức nộp đều giảm mạnh.
Cũng theo đó, “chiếc bánh” ngân sách được cứu một phần nhờ những khoản thu bất thường của nhiều DN lớn. Trong đó, riêng việc hạch toán ghi thu-ghi chi khoảng 4.183 tỷ đồng tiền kinh doanh khí lãi (của ngành dầu khí); phí đọc tài liệu quyết toán giai đoạn 2009-2011 và thu từ phí nước thải sinh hoạt đã mang lại cho ngân sách nguồn thu lần lượt 3.857 tỷ đồng và 326 tỷ đồng.
Tiền thu từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tập đoàn Vingroup 1.112 tỷ đồng, Cty Hanel 150 tỷ đồng, Cty CP Hàng tiêu dùng Massan 302 tỷ đồng, thu quyết toán để sáp nhập Tổng Cty Hàng không Việt Nam 540 tỷ đồng...
Ngân sách cũng được “cứu” một phần nhờ nguồn thu bổ sung từ hàng xa xỉ, có mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao (ô tô và bia, rượu). Thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ các liên doanh lắp ráp, sản xuất ô tô trong 9 tháng tăng thêm 46% so với cùng kỳ. Lượng bia, rượu cùng các sản phẩm rượu từ 20 độ trở lên tiêu thụ mạnh khiến nguồn thu cho ngân sách tăng tới gần 50% (tương ứng 1.000 tỷ đồng).
Hụt thu vẫn tiêu hoang
Trong khi tình hình thu, chi ngân sách gặp nhiều khó khăn, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội trong tuần qua cho thấy, nhiều sai phạm trong chi tiêu ngân sách. Chỉ với 51 cuộc kiểm toán ở các bộ ngành, địa phương, DN, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng cộng 8.963 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu cho ngân sách 1.394 tỷ đồng và giảm chi 1.803 tỷ đồng.
Qua kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (giai đoạn 2010-2012) Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 292 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ và thanh toán sai quy định.
Theo kết quả kiểm toán, việc phân bổ và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 đã phát sinh một số hạn chế như: Phân bổ vốn cho dự án chưa có quyết định đầu tư; bố trí vốn cho dự án không thuộc danh mục được phê duyệt; phân bổ vốn cho các dự án không đủ thủ tục…
Trao đổi với PV Tiền Phong, các đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đều cho rằng, điều quan ngại nhất với ngành thuế chính là việc tình trạng DN ngừng hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục diễn ra. Những lo ngại này không quá thừa khi theo thống kê của cơ quan chức năng, đến cuối tháng 8 đã có 39.000 DN giải thể và ngừng hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Số DN hoàn thành thủ tục giải thể lên tới 6.000. Đặc biệt, trong số 306.290 DN nộp tờ khai tạm tính thuế TNDN quý II/2013 chỉ có 1/3 số DN báo lãi (104.818 DN). Số DN kê khai lỗ trước thuế lên tới 201.472 DN, chiếm 65,8% tổng số DN nộp tờ khai.
Theo Tổng cục Thuế, nếu tính bình quân 9 tháng đầu năm, mỗi tháng ngân sách thu được 39.240 tỷ đồng, hụt tới 6.220 tỷ đồng/tháng so với yêu cầu (dự toán năm). Đến nay, chỉ có 23/63 địa phương đảm bảo tiến độ. Trong khi các trọng điểm thu đều xuống sức, nguồn thu từ hầu hết các sắc thuế cũng đạt thấp so với dự toán. Cụ thể, thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT) chỉ đạt 65,5% so với dự toán. Đây là năm có tiến độ và mức tăng trưởng thu thuế VAT bị đánh giá đạt thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Nguồn thu từ thuế TNDN cũng trong tình cảnh tương tự do DN gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu ngành thuế, có 21,3% DN có phát sinh số thuế VAT phải nộp. |