Kinh tế tuần qua: 'Đã xử lý hàng nghìn tỷ nợ xấu'

Kinh tế tuần qua: 'Đã xử lý hàng nghìn tỷ nợ xấu'
Tiến trình xử lý nợ xấu vẫn được triển khai mạnh mẽ, tái cơ cấu Vinashin đạt được bước tiến mới, giá xăng giảm... là những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua.

>VAMC mua thêm 1.300 tỷ nợ xấu của SCB
>Ngân hàng Nhà nước bơm tiếp 1.603 tỷ trên OMO
>Chính phủ bảo lãnh khoản nợ 600 triệu USD cho Vinashin

1. Xử lý nợ xấu: Những chuyển động tích cực

Một trong những thông tin đáng chú ý tuần qua là VAMC tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua nợ xấu sau khi mở màn bằng hợp đồng mua lại nợ xấu từ 11 khách hàng của Agribank với giá trị ghi sổ là 2.534 tỷ đồng, giá trị mua là 1.723 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 11/10, VAMC và SCB đã ký kết hợp đồng mua bán nợ xấu đợt 2; giá trị các khoản nợ xấu lần này xấp xỉ 1.300 tỷ đồng. Trước đó, VAMC cũng đã mua nợ xấu của 3 ngân hàng là SHB, PGBank và SCB. Số nợ xấu này có giá trị sổ sách 1.159 tỷ đồng nhưng được VAMC mua lại với giá 846 tỷ đồng.

Đặc biệt, hiện có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Blackstone Group cũng tỏ ý muốn mua lại nợ xấu từ VAMC. Ngay cả Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cũng "đánh tiếng" muốn tham gia trực tiếp vào quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam.

Đó là những tín hiệu rất đáng mừng không chỉ đối với quá trình xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam mà rộng ra là cả nền kinh tế. Bởi hệ thống ngân hàng có mạnh mới hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế được.

2. Bước tiến mới trong lộ trình tái cơ cấu Vinashin

Một sự kiện cũng thu hút được nhiều sự quan tâm tuần qua đó là Vinashin đã thực hiện thành công việc phát hành trái phiếu dưới dạng chứng chỉ lưu ký toàn cầu do Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) phát hành có bảo lãnh của Chính phủ để tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD.

Từ ngày 11/10, 600 triệu USD trái phiếu vừa được phát hành sẽ chính thức niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Singapore. Trái phiếu do DATC phát hành có thời hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm, thanh toán cả gốc và lãi một lần vào thời gian đáo hạn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV Vinashin, chậm nhất hết quý 4/2014 sẽ tái cơ cấu lại hết toàn bộ số nợ của Tập đoàn. "Hy vọng trong thời gian ngắn, Vinashin sẽ lấy lại vị thế và trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành công nghiệp đóng tàu tại Việt Nam”, ông Sự cho biết.

Đó không chỉ là hy vọng của Vinashin mà của cả nền kinh tế, bởi với đường bờ biển dài, Việt Nam có một thế mạnh vô cùng to lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có ngành công nghiệp đóng tàu. Và theo như Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC, Chính phủ vẫn khẳng định, đóng tàu là một trong 6 ngành trọng điểm, quan trọng của kinh tế đất nước.

3. Thêm cơ sở cho kiềm chế lạm phát

Mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 7% càng có thêm cơ sở khi theo yêu cầu của liên bộ Tài chính - Công thương, từ 20 giờ ngày 20/7, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đã giảm giá bán lẻ xăng A92 390 đồng/lít từ 20 giờ ngày 7/10.

Trong khi, theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của cả nước sẽ tăng khoảng 0,5-0,6% so với tháng 9. Tuy nhiên, dự báo này được đưa ra trước thời điểm giảm giá xăng nên nhiều khả năng, mức tăng của CPI tháng 10 còn thấp hơn.

Thế nhưng, ngay cả khi CPI tháng 10 tăng tới 0,6%, lạm phát tính theo năm vẫn tiếp tục giảm xuống mức 6,04% trong tháng 10 từ mức 6,3% trong tháng 9.

Không chỉ vậy, việc giá xăng giảm sẽ góp phần hỗ trợ DN tiết giảm chi phí sản xuất - lưu thông hàng hóa, qua đó tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

4. WB nâng dự báo tăng trưởng 2013

Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương công bố ngày 7/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 5,3%, tăng 0,1% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 7 là 5,2%.

Tuy nhiên, khó có thể nói là WB lạc quan hơn về kinh tế Việt Nam khi mà tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2014 từ mức 5,7% xuống 5,4% và sẽ tiếp tục duy trì ở mức này trong năm 2015.

Không những vậy, dự báo về lạm phát cũng được nâng lên mức 8,8% trong năm 2013 thay cho mức 8,2% được đưa ra hồi tháng 7, trước khi giảm về 7,4% và 7,7% trong năm 2014 và 2015.

Đặc biệt theo WB, Việt Nam đang phải chịu nhiều áp lực do tăng trưởng những năm gần đây chậm lại, nguồn thu giảm và tăng chi. WB cũng khuyến cáo Việt Nam cần kiểm soát bội chi để bảo đảm tính bền vững tài khóa trong trung hạn.

5. Ngân sách và tình thế lưỡng nan

Theo Bộ Tài chính, lũy kế đến hết tháng 9/2013, tổng thu NSNN ước đạt 543.835 tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán năm; tổng chi NSNN ước đạt 70% dự toán (theo tính toán ước khoảng 684,6 nghìn tỷ đồng). Như vậy, chỉ trong 9 tháng đầu năm bội chi NSNN đã lên tới gần 141 nghìn tỷ đồng, bằng 86,9% dự toán năm.

Điều đó cho thấy, nhiều khả năng không thể hoàn thành mục tiêu giữ bội chi NSNN ở mức 4,8% GDP trong năm 2013. Do thu ngân sách gặp khó nên chi cho đầu tư phát triển cũng bị ảnh hưởng, từ đó lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, để có tiền chi cho đầu tư phát triển, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội nâng trần bội chi từ mức 4,8% GDP lên 5,3% GDP trong năm 2014.

Đó cũng là điều khó tránh bởi, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nguồn vốn đầu tư từ NSNN vẫn giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Nó lại càng quan trọng hơn trong bối cảnh tổng cầu suy giảm, DN kiệt quệ như hiện nay.

Tuy nhiên, đi kèm theo đó, phải kiểm tra giám sát chặt chẽ để hạn chế thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, chỉ nên xem đây là giải pháp tình thế. Về lâu dài cần phải tinh giản lại bộ máy hành chính, đi đôi với việc tái cấu trúc lại khối DNNN và đầu tư công để giảm gánh nặng cho NSNN.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG