> Những giống cây trồng bạc tỷ
> Gạo vàng giúp tránh bệnh mù lòa
Giống quý, giáo sư giỏi về tay DN chịu chi
Cách đây 5 năm, một DN tư nhân ở Nam Định chi 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa TH3-3 của PGS TS Nguyễn Thị Trâm (nguyên giảng viên trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội). Vụ chuyển nhượng này đã làm “choáng” giới nghiên cứu khoa học nông nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, thời ăn nên làm ra, đại gia thủy sản một thời - bà Phạm Thị Diệu Hiền cũng gây “sốc”, khi bỏ tới 100 triệu đồng/tháng để trả lương cho ông Nguyễn Việt Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản), làm Viện trưởng Thủy sản của Cty CP Thủy sản Bình An.
Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed), thị trường mua bán bản quyền giống, cũng như việc thu hút các nhà khoa học giỏi về đầu quân ở các DN đang khá sôi động. Theo bà, thời buổi này, không có sản phẩm bản quyền, rất khó kinh doanh.
Trong hơn 5 năm qua, Vinaseed đã bỏ 150 tỷ đồng cho nghiên cứu, mua bản quyền giống, và xây dựng cơ sở vật chất hiện đại. Hiện Vinaseed đã chi tiền mua tới 5 giống. Trong đó giá cao nhất là giống ngô HN68 (của Viện nghiên cứu Ngô) 4 tỷ đồng (năm 2012). Ngoài ra, Vinaseed còn mua giống OM 6976 (của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long) 2 tỷ đồng; giống lúa thơm RVT (của Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, thuộc Đại học Thành Tây-Hà Nội), do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhập nội và tuyển chọn hơn 1 tỷ đồng...
Theo bà Liên, Vinaseed hiện đang hội tụ những giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giống của Việt Nam. Chẳng hạn, về đậu đỗ có GS Viện sĩ Trần Đình Long; ngô là GS Viện sĩ Trần Hồng Uy (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu ngô); GS Trần Duy Quý (nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) về chọn tạo lúa thuần; PGS Nguyễn Thị Trâm, chuyên gia mảng lúa lai...
Theo các DN, thông thường, để một loại giống được phổ biến vào sản xuất cũng mất 5-7 tỷ đồng nữa cho truyền thông, xây dựng mô, tập huấn... Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tổng Cty CP giống cây trồng Thái Bình cho biết, để có được bản quyền giống lúa BC15, TBR45... phổ biến trên thị trường hiện nay đã phải chi cả chục tỷ đồng (từ mua vật liệu gene, chọn tạo, khảo nghiệm, làm mô hình...).
Quỵt bản quyền của nông dân
Nhiều DN lĩnh vực nông nghiệp cho biết, ở Việt Nam chưa có một chuẩn mực để đánh giá giá trị các sản phẩm nghiên cứu, nên việc mua bán bản quyền giống là thỏa thuận. “Trong khi các nhà khoa học cần bán, nên thương thảo cũng rất dễ chịu”- lãnh đạo một DN chia sẻ. Thực tế, giống để các DN chọn mua thương mại hóa không nhiều. Chẳng hạn, tổng kết về chương trình khoa học công nghệ cho “tam nông” trong 5 năm qua, riêng lúa có 164 giống được công nhận, nhưng chiếm thị phần, sử dụng trong sản xuất cũng chỉ đếm đầu ngón tay.
Theo GS Trần Đình Long (Chủ tịch Hội giống Cây trồng Việt Nam), việc chuyển nhượng bản quyền các giống đang trong giai đoạn ban đầu (dù đã có những thương vụ “lớn” như giống lúa TH3-3 tới 10 tỷ đồng, hay có giống đưa ra giá 2, 3, 4 tỷ đồng).
“Cái này chưa có cơ sở khoa học bài bản nào để đánh giá. Bản thân các giống nghiên cứu mới cũng chưa hoàn chỉnh; chưa ra tấm, ra món. Nhiều giống đưa không phát triển được. Ở nước ngoài bản quyền giống đắt hơn, đương nhiên đi liền là chất lượng tốt hơn” - GS Long nói. GS cũng cho biết, việc mua bán chỉ với giống mới; giống địa phương, giống đặc sản thì không bản quyền. Chỉ có nông dân chịu thiệt. Bởi vì, nhiều công ty dùng kinh doanh mà không trả bản quyền cho ai cả.
“Việc mua bản quyền giống cần phải gắn DN với nông dân, chia sẻ lợi ích mới làm được. Các nhà khoa học chỉ cần tạo ra 4-5 giống lúa quốc gia, chất lượng cao, thị trường hóa. Còn mỗi năm tạo ra hàng trăm giống lúa ở ĐBSCL mà ứng dụng thấp thì không được” . GS Viện sỹ Trần Đình Long |