Sản xuất đường bị dồn vào 'cửa tử'

Sản xuất đường bị dồn vào 'cửa tử'
TP - Đường nhập lậu tràn ngập thị trường khiến các nhà sản xuất đường trong nước đang bị dồn vào “cửa tử”. Đó là tiếng kêu cứu của Hiệp hội mía đường tại một cuộc họp của các nhà sản xuất đường Việt Nam diễn ra ngày 29/9, tại TPHCM.

> Mía đường: Vị đắng thủ công
> Hàng nghìn tỷ đồng mất trắng vì đường lậu

Cty đường Bourbon Tây Ninh đang chật vật cạnh tranh về giá và đối mặt với đường nhập lậu
Cty đường Bourbon Tây Ninh đang chật vật cạnh tranh về giá và đối mặt với đường nhập lậu.

1/3 là đường nhập lậu

Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, ông Nguyễn Hải cho biết, tổng nguồn cung đường niên vụ 2012-2013 tính đến thời điểm hiện tại là 1,78 triệu tấn. Ước tính lượng đường tiêu thụ khoảng 1,35 triệu tấn và lượng dư thừa do cung vượt cầu là 400.000 tấn.

Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân khiến đường dư thừa. Lý do khiến lượng đường trong nước dư thừa, dồn ứ là đường nhập lậu đổ về ồ ạt, chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan đi qua biên giới Campuchia.

“Chúng tôi ước tính có khoảng trên 400 nghìn tấn đường nhập lậu, chiếm 1/3 lượng đường tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Với giá rất rẻ, có khi chỉ bằng một nửa giá đường trong nước, lượng đường nhập lậu này đã khiến đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh, dẫn đến tồn ứ với một lượng rất lớn”- ông Hải nói.

Đường nhập theo Quota: siêu lợi nhuận

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho biết, trên thị trường còn có một nguồn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan (quota) do Bộ Công Thương cấp, số lượng thay đổi theo từng niên vụ nhưng với con số không nhỏ. Cụ thể, niên vụ 2012-2013 là 70 nghìn tấn và niên vụ 2013-2014 là 735 nghìn tấn.

Theo ông Hải, Hiệp hội không được biết chính thức có bao nhiêu doanh nghiệp và cụ thể những doanh nghiệp nào được cấp quota, nhưng theo nguồn tin không chính thức, có khoảng 20 doanh nghiệp được cấp quota nhập khẩu loại đường này, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và một số ít nhà máy đường.

Điều đáng nói, số đường nhập khẩu theo quota này đã gây nên nỗi bức xúc lớn đối với hầu hết các nhà sản xuất đường trong nước bởi những bất hợp lý của nó đem lại.

Ông Đỗ Thành Liêm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP đường Khánh Hòa tính toán, một doanh nghiệp chỉ cần được giao quota nhập 20 nghìn tấn đường là có thể thu lợi nhuận ít nhất 80 tỷ đồng từ chênh lệch giá nhập khẩu với giá trong nước.

Tính toán chi tiết hơn, ông Lê Xuân Quang - Tổng GĐ Công ty CP mía đường La Ngà cho biết, với số lượng nhập khẩu là 20 nghìn tấn, lợi nhuận còn có thể lên đến 100 tỷ chứ không chỉ dừng lại con số 80. “Siêu lợi nhuận” - ông Quang nói.

Đằng nào cũng “chết”

Ông Nguyễn Thành Long-Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các nhà sản xuất đường trong nước đang phải đứng trước hai sự lựa chọn cực kỳ khó khăn. Muốn đẩy hết lượng đường tồn kho ra thị trường, các doanh nghiệp buộc phải giảm giá bán đường xuống thấp, và đó là một hành động tự sát vì sẽ lỗ nặng. Hoặc, để có lãi, các doanh nghiệp buộc phải hạ giá thu mua mía xuống. Như vậy, mùa sau bà con nông dân sẽ bỏ mía, quay lưng với nhà máy và lúc đó doanh nghiệp sản xuất đường cũng sẽ điêu đứng. “Đằng nào cũng chết, mỗi doanh nghiệp tự chọn cách chết thì tùy” - ông Long nói.

Ông Long cũng cho biết, bắt đầu kể từ vụ mùa này, Hiệp hội buông việc định hướng giá mua mía cho bà con nông dân và để các nhà máy tự quyết định lấy. Điều đó cũng có nghĩa lợi nhuận của nông dân khó được đảm bảo như trước.

“Với giá đường thấp thế này, không nhà sản xuất đường nào hỗ trợ được người trồng mía nữa. Nông dân sẽ chuyển sang cây trồng khác có lợi hơn, trong khi các nhà máy tự động cạnh tranh nhau để đẩy đường ra thị trường bằng việc hạ giá đường xuống thấp hơn nữa và lúc đó sẽ còn thê thảm hơn” - Ông Subbaiah, Tổng giám đốc Cty đường KCP (Phú Yên) thốt lên. Ông Subbaiah cho biết, KCP là một doanh nghiệp có lượng đường tồn kho thuộc loại lớn nhất, với 38.000 trong tổng lượng đã sản xuất là 90.000 tấn.

Dự tính, tổng sản lượng đường cung cho thị trường niên vụ 2013-2014 trên 2 triệu tấn và lượng đường dư thừa từ 500-600 nghìn tấn. Đường tồn kho tại các nhà máy đường tính đến 20/9/2013 là 208.589 tấn, trong đó chủ yếu là đường luyện RE 10.494 tấn tại các Cty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.