> Khởi tố, xét xử các vụ tham nhũng lớn từ quý 2/2013
> Chánh án TANDTC nói về 'chạy' án tham nhũng
Theo nhóm nghiên cứu của WB, 44% doanh nghiệp (DN) phải trả chi phí không chính thức, và xác suất DN trả hối lộ là cao nhất khi giao dịch với cơ quan thuế (32,6%), tiếp đến là cơ quan quản lý chuyên ngành (20,5%), ngân hàng (16,6%) và cảnh sát giao thông (16,3%). Về phía CBCC, có 45% CBCC chứng kiến hành vi tham nhũng.
Hiệu trưởng trường ĐH CNTT Gia Định – Tiến sỹ, luật sư Nguyễn Đăng Liêm cho rằng: 70% cán bộ công chức (CBCC) “ăn lộc” hơn là ăn lương, và tìm cách móc chỗ này, móc chỗ kia.
“Lộc”, theo ông Liêm, đó là những khoản quà do người dân, DN biếu hoặc CBCC tìm cách gây khó khăn buộc người dân, DN phải chung chi, biếu xén. Cũng theo nhóm nghiên cứu WB, 63% số DN cho rằng CBCC cố tình dây dưa.
Nhóm nghiên cứu WB và nhiều chuyên gia cho rằng, công khai minh bạch là biện pháp hữu hiệu để phá vỡ vòng lẩn quẩn của tham nhũng hành chính. Ông Nguyễn Đăng Liêm đề nghị cần sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin để làm cơ sở cho các cơ quan đại diện của dân, các cơ quan truyền thông, DN và người dân giám sát. |
Ông Phạm Ngọc Thạch-Phó trưởng Ban pháp chế VCCI lưu ý hệ thống quy định phức tạp, đặc biệt tính minh bạch kém, trong khi việc phân công phân nhiệm không rõ ràng, ai cũng có quyền…là những nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng.
Phần lớn các địa phương hiện nay chỉ cung cấp thông tin khi DN đến xin và liên hệ trực tiếp với cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân cụ thể. Chỉ các DN có quan hệ thân quen với chính quyền, người nhà, người thân, bạn hữu hay “cò chính sách” mới tiếp cận được những thông tin cần thiết. Hệ quả, chủ nghĩa thân hữu bành trướng, môi trường đầu tư thiếu minh bạch, thiếu hấp dẫn và “làm ổ” cho tham nhũng phát sinh.
Tuy nhiên, không ít vụ việc hay nguyên nhân gây ra tham nhũng lại xuất phát từ phía DN. “DN có phần trách nhiệm trong vòng tròn lẩn quẩn của tham nhũng hành chính”- đại điện nhóm nghiên cứu WB, bà Trần Thị Lan Hương nói, đồng thời cho biết 59% DN nói đã từng xử lý khó khăn bằng cách đưa tiền, quà biếu; 63% DN nói các khoản chi không chính thức tạo ra cơ chế “bất thành văn” để giải quyết chóng vánh công việc.
“Chúng ta khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo chống tham nhũng nhưng chưa có biện pháp bảo vệ cũng như khen thưởng người dân”- ông Nguyễn Đăng Liêm nói. Thậm chí, theo ông Liêm, đa số người chống tham nhũng sau đó bị trù dập, trả thù và phải chuyển chỗ ở hoặc gặp khó trong việc làm ăn. Và, đó chính là lý do cho người dân, DN rất ngại chống tham nhũng.