Gian nan mang vàng 'thử lửa'

Gian nan mang vàng 'thử lửa'
TP - Nghị định 24 có vai trò tối quan trọng trong quản lý thị trường vàng đã đi được một phần chặng đường nhưng vẫn “dội” lên khá nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi cơ quan quản lý tiếp tục chứng minh về một lộ trình bài bản để đưa vàng vào khuôn khổ thì thị trường tự do vẫn thể hiện những “tiếng nói” riêng. Tiền Phong xin trích ghi lại ý kiến của một DN kinh doanh vàng bạc nhiều năm kinh nghiệm và nghị định 24 dưới góc nhìn của họ như một kênh tham khảo…

> Chênh giá khi chuyển đổi vàng phi SJC vào túi ai?
> Tiền chênh lệch giá vàng: Vào Ngân hàng Nhà nước

Điều tiết thị trường bằng mệnh lệnh hành chính là một việc làm thật khó khăn nếu không muốn nói là không tưởng. Chúng tôi e Ngân hàng Nhà nước không thể đủ lực để “đua” với thế giới bởi vàng muôn đời nay vẫn là nơi đầu tư, trú ẩn và có xu hướng tăng trong lâu dài.

Việc đấu thầu quay đi quay lại chỉ cho thấy cơ quan quản lý đang “lực bất tòng tâm”, ủy thác lại cho các Ngân hàng thương mại rồi đi một vòng, vàng vẫn phải quay ra thị trường.

Là một DN kinh doanh vàng bạc từ lâu, thay vì làm theo nhu cầu có thực của thị trường, bây giờ chúng tôi thấy mình đang bị chèn ép để “nhốt” vào rọ, bỗng dưng lại phải chạy vạy tìm cách làm đại lý cho một cửa ngân hàng nào đó.

Với tôi, tôi sẽ không chấp nhận việc đi làm thuê cho người khác khi biết mình chẳng được hơn cái gì mà thay vào đó chỉ có mất. Cấm là chuyện công khai, còn kinh doanh là một thế giới khác, sẽ vẫn “đi ngầm” được hay nói thẳng, chúng tôi vẫn sẽ có cách “lách”.

Bạn hãy hình dung vốn dĩ có rất nhiều hạng mục trong vàng, không chỉ mỗi vàng SJC mà với việc “thông thương” vàng qua biên giới, cái tên SJC chả có nghĩa lý gì. Ở biên giới, chỉ cần vàng đủ tiêu chuẩn, chất lượng là đánh “thông” được với thế giới.

Nếu chỉ quản lý SJC thì vàng nguyên liệu khác có làm được không? Ngân hàng Nhà nước liệu có đủ lực để đẩy giá vàng nguyên liệu SJC trung bình mỗi lượng vàng bán ra lãi hoặc thiệt mấy triệu đồng trong khi thị trường vàng nguyên liệu vẫn đang hoạt động?

Và nó căn cứ vào giá Ngân hàng Nhà nước quyết định hay để thị trường quyết định? Như vậy, về bản chất việc “đẩy” SJC về vàng nguyên liệu chỉ thực hiện được một phần nhỏ và không thể quyết định được thị trường.

Nói thật, trong con mắt của dân kinh doanh vàng chúng tôi, hiệu quả của Nghị định 24 là không cao. SJC hay phi SJC chỉ khác nhau về mẫu mã còn về bản chất vẫn là vàng giống hệt nhau. Nếu chỉ còn SJC và đóng cửa thị trường tự do thì được nhưng khổ nỗi, nếu như vậy thì thị trường vàng còn hoạt động với ai?

Vậy Ngân hàng Nhà nước nên làm thế nào với thị trường vàng? Ở các nước khác, Ngân hàng Nhà nước chỉ làm công việc chính là dự trữ, cân đối thị trường trong khi ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước lại “nhảy’ vào kinh doanh, điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính.

Việc làm này sẽ cho lại hiệu quả không cao và chỉ một số ngân hàng thương mại sẽ được lợi. Nếu Ngân hàng Nhà nước “lãi”, người ta sẽ bảo cơ quan quản lý điều hành vĩ mô gì mà lại đi kinh doanh chạy theo lợi nhuận còn nếu lỗ và giả sử như lỗ nặng, sẽ càng khó chấp nhận hơn vì tiền đó dù thế nào cũng là của dân, của nước.

Thực chất đến lúc này, 18 ngàn DN kinh doanh vàng bạc một số thì chuyển sang làm chi nhánh đại lý cho một số ngân hàng, một số Cty được phép chuyển sang kinh doanh vàng miếng.

Về mặt pháp lý, đã là chi nhánh thì họ không còn là DN, vậy sẽ giải quyết khoản thuế, tài chính thế nào khi mà sau này, đứng về mặt nộp ngân sách mà nói, mọi quyết toán sổ sách đều do các ngân hàng định đoạt? Nhìn thẳng ra, những ngân hàng nào được làm vàng sẽ có nguồn thu lớn bởi chính sách quản lý đang “nghiêng” về phía họ (Không phải ngẫu nhiên mà một số ngân hàng đang “lao” vào xin bằng được suất kinh doanh vàng).

Và dù các điều kiện về cấp phép kinh doanh có công khai thì người ta cũng đều ngầm hiểu, nó chỉ trở thành “sân chơi” của các “ông lớn”.

Bây giờ rõ ràng là người dân muốn mua vàng phải qua mấy “cầu”, vậy giá cả có bị “đội” lên không, có ai vụ lợi trong giá cả không? Câu trả lời chưa hẳn đã dứt khoát là “không”.

Mua bán chậm chạp, qua vài nấc, rồi vàng trả trước, trả sau, các đại lý và giá vàng thị trường tự do sẽ phải “tính phí” mà họ phải chi trả. Tóm lại, câu chuyện đấu thầu vàng, từ góc nhìn của chúng tôi, chả khác gì việc xin ‘quota’ nhập khẩu ngày xưa.

Có lẽ vẫn sẽ có một sự “đi đêm”, nhất là khi những bước trong đấu thầu chỉ chung chung là có giá trần, giá sàn và việc trúng thầu căn cứ vào thị trường, năng lực DN…Nói một cách khác, với nghị định 24, thị trường vàng đang chia lại “miếng bánh” và cuộc “thử lửa” này thật sự chưa hết gian nan.

Khánh Huyền
lược ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG