Chứng khoán & BĐS: Cặp đôi không song hành

Chứng khoán & BĐS: Cặp đôi không song hành
TP - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển  - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng TPHCM (IIB) chia sẻ với Tiền Phong toàn cảnh về bức tranh kinh tế và chứng khoán năm 2013 và những nhận định về cơ hội đầu tư.

> Chặn được rửa tiền, trốn thuế?
> Đại gia Việt 'đau' vì chứng khoán

Lạm phát - dấu hiệu chưa rõ rệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2013 đã tăng 1,25% so với tháng trước, nhiều ý kiến quan ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát 7% trong năm 2013. Cá nhân ông có nhận định gì về bức tranh kinh tế hiện nay?

Đúng ra CPI đã có thể tăng vào hồi tháng 12-2012 nhưng không tăng do sức cầu yếu xuất phát từ tâm lý của người dân và quan trọng hơn là dòng tiền chưa đủ mạnh.

Đến tháng đầu năm 2013, dưới áp lực mua sắm cuối năm, giá cả hàng hóa dịp Tết tăng mạnh góp phần đẩy CPI tháng 1 tăng cũng là điều dễ hiểu. Điều đó cho thấy “bóng ma” lạm phát có thể quay lại bất cứ lúc nào nếu chính sách điều hành nền kinh tế không được kiểm soát tốt. Hai cái gốc để kiềm chế lạm phát là quản lý tiền tệ và phát triển hàng hóa.

Hiện nay, Chính phủ vẫn đang giám sát tốt chính sách tiền tệ, tài khóa, lãi suất từng bước được giảm, vấn đề còn lại là làm sao kích thích được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Theo tôi, bức tranh kinh tế năm 2013 không thể xấu hơn năm 2012 vì kinh tế vĩ mô đã sáng sủa hơn.

CPI tháng 1 tăng chỉ là dấu hiệu cảnh báo chứ chưa phải là biểu hiện rõ rệt của việc lạm phát tăng trở lại. Vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp phải chủ động tìm sự giao thoa với ngân hàng, tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất hàng hóa hài hòa với sức cầu.

Chứng khoán, vàng, bất động sản, kênh nào được chọn?. Ảnh: Trần Anh
Chứng khoán, vàng, bất động sản, kênh nào được chọn?. Ảnh: Trần Anh.

Từ cuối năm 2012 đến nay thực tế cho thấy dòng tiền tập trung mạnh vào TTCK. Phải chăng nhà đầu tư đang làm ngơ với các kênh đầu tư khác?Theo ông, nếu phân tích rạch ròi, năm 2013 kênh nào sẽ hy vọng cho sinh lời?

Kết quả bình quân các kênh đầu tư năm 2012 không phải là điều quá bất ngờ. Kênh đầu tư chứng khoán có nhiều cơ hội khi giá chứng khoán đã giảm sâu vào đầu năm 2012.

Tuy nhiên mức sinh lời gần 17% của kênh chứng khoán so với mức thua lỗ bình quân 15% của bất động sản (BĐS) là “nghịch biến” hiếm hoi khi các năm trước “cặp đôi” chứng khoán và BĐS thường sóng đôi cùng tăng, cùng giảm.

Kênh tiền gửi ngân hàng với mức lãi suất 12%/năm được xem là khá tốt so với các kênh đầu tư khác, chỉ đứng sau chứng khoán. Ngoài ra, vàng vẫn được nhiều người ưa chuộng dù giá vàng SJC đã cao quá nhiều so với giá thế giới.

Với triển vọng hồi phục kinh tế vĩ mô, cơ hội cho các kênh đầu tư tại Việt Nam vẫn hấp dẫn. Tuy nhiên mức sinh lời của các kênh đầu tư năm 2012 sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong đó có thể chứng khoán sẽ thu hút hơn.

Dự báo trong năm 2013, kinh tế sẽ dần lấy lại đà hồi phục qua đó kích thích TTCK khởi sắc. Đặc biệt, khi nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào khả năng cải tổ nền kinh tế cũng như môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, sẽ có một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK.

Vốn ngoại sẽ vào

Chứng khoán & BĐS: Cặp đôi không song hành ảnh 2

TTCK từ đầu năm 2013 đến nay tăng điểm khá mạnh. Nhưng nếu nhìn toàn cảnh từ bức tranh kinh tế, e ngại chứng khoán vẫn đậm gam màu “xám” . Liệu tâm lý nhà đầu tư còn hưng phấn kéo dài?

TTCK có xu hướng tăng mạnh và kéo dài kể từ đầu năm 2013. Nguyên nhân tăng điểm này chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng về sự hồi phục kinh tế Việt Nam và yếu tố hỗ trợ từ khối ngoại và kỳ vọng về những tác động tích cực trong các gói giải pháp của Chính phủ mà tiêu biểu là Nghị quyết 02 với nội dung trọng tâm liên quan đến các giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS.

Tuy nhiên, thị trường tăng điểm chưa bền vững do nhà đầu tư chưa yên tâm đà tăng của thị trường và cốt lõi dòng tiền chưa thực dồi dào.

Theo tôi, trong quý 1/2013, VN-Index sẽ xuống dưới 400 điểm do nhà đầu tư đã đẩy giá khá mạnh vào cuối năm 2012. Dự kiến trong quý 2 sẽ có các đợt sóng tăng - giảm theo xu thế tăng và thị trường có thể vượt qua mức 450 điểm vào quý 3.2013 đem lại mức thu lời tốt cho các nhà đầu tư đã mua vào trong đợt giảm giá quý 1-2013.

Việc lãnh đạo CTCP Chứng khoán Tràng An (TAS) bị bắt giam vừa qua vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy những bất ổn trong các công ty chứng khoán (CTCK). Ông có cảnh báo gì cho nhà đầu tư trong lựa chọn CTCK để mở tài khoản và vai trò của Nhà nước trong vấn đề minh bạch hóa quản lý thị trường?

Sự việc của CTCP Chứng khoán Tràng An là minh chứng cho sự khó khăn của các CTCK yếu kém, cũng có phần lỗi ở nhà đầu tư khi chọn những công ty có dịch vụ thoáng mà không đánh giá mức độ uy tín, vững chắc của những công ty này.

Trong quá trình chờ đợi các cơ quan chức năng thực hiện việc tái cấu trúc CTCK và TTCK bản thân nhà đầu tư nên chủ động tự phòng tránh rủi ro khi mở tài khoản giao dịch tại các CTCK.

Những công ty nào quản lý minh bạch, tách bạch tài khoản nhà đầu tư cho ngân hàng quản lý cũng như những công ty có đối tác là tổ chức tài chính lớn sẽ an toàn hơn thay vì chỉ chạy theo những công ty cho dịch vụ đòn bẩy tài chính.

Cảm ơn ông.

TTCK diễn biến không tốt trong năm 2012 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các CTCK. Thị trường đã chứng kiến sự đào thải của nhiều công ty quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu kém và hoạt động không hiệu quả.

Nhiều CTCK thua lỗ thậm chí phải tuyên bố giải thể. Thống kê trong năm 2012 có 11 CTCK bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, 3 công ty bị đưa vào diện kiểm soát. Cũng trong năm 2012, có 4 CTCK bị rút giấy phép hoạt động, có trên 50% CTCK bị lỗ và trên 70% công ty có lỗ lũy kế…

 

Trần Anh
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG