Thưởng Tết: Khi mức ‘khủng’ chỉ là hy hữu

Thưởng Tết: Khi mức ‘khủng’ chỉ là hy hữu
Đã có những doanh nghiệp công bố thưởng Tết lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng đây chỉ là con số hy hữu. Phần lớn doanh nghiệp được hỏi đều lắc đầu khi nhắc đến khoản thưởng cứ “đến hẹn lại lên” vào dịp cuối năm này.
Khi nhận mấy chục triệu vào cuối năm, người ta thường cho rằng được thưởng mấy chục triệu nhưng không nghĩ đến việc, 11 tháng đầu năm đáng lẽ họ được nhận lương 4 triệu thì họ chỉ được nhận 3,2 triệu - Ảnh minh họa
Khi nhận mấy chục triệu vào cuối năm, người ta thường cho rằng được thưởng mấy chục triệu nhưng không nghĩ đến việc, 11 tháng đầu năm đáng lẽ họ được nhận lương 4 triệu thì họ chỉ được nhận 3,2 triệu - Ảnh minh họa.

400 triệu đồng đang là mức thưởng “khủng” nhất cho đến thời điểm này, được Ban quản lý Các khu công nghiệp - khu chế xuất Tp. HCM (Hepza) công bố. Đây là mức thưởng thuộc về một doanh nghiệp trong nước chuyên về hàng tiêu dùng. Và ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức cao nhất của năm nay đang là 217 triệu đồng.

Nói về những mức thưởng “khủng” nói trên, ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban quản lý Hepza cho rằng, mức thưởng hàng trăm triệu đồng chỉ có ở số ít lãnh đạo do hưởng thêm tỷ lệ phần trăm từ doanh thu, lợi nhuận đạt được trong năm. Còn lại, nhìn tổng thể, năm nay khó hơn năm ngoái rất nhiều.

Phía doanh nghiệp, bà Lê Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty An Thái cũng chia sẻ, những doanh nghiệp có mức thưởng cao như vậy hàng năm chỉ đếm chưa hết một bàn tay. Vì thế, “nó chẳng thể phản ánh một cái tết Quý tỵ sung túc đối với người lao động”.

Đấy là chưa kể, có những doanh nghiệp gặp năm khó khăn, hàng tháng người lao động chỉ được tạm ứng từ 60% đến 80% lương. Khi tháng 12 kết thúc, hoàn thành kế hoạch, họ được lấy lại từ 20% đến 40% của “cái gọi là tạm ứng để họ thanh toán tiền lương”. Cách nhận lương này khiến lao động được nhận tiền nhiều hơn vào cuối năm, vì đầu năm lao động chưa nhận đủ mà chỉ là tạm ứng.

Trong khi đó, báo cáo lại chỉ quan tâm đến thu nhập, lương thưởng cuối năm là bao nhiêu chứ không chia bình quân 12 tháng làm việc.

Chẳng hạn, người lao động được "thưởng" 15-20 triệu đồng vào cuối năm, nhưng trong năm, đáng lẽ họ được nhận lương 4 triệu đồng/tháng thì chỉ được nhận 3,2 triệu đồng.

Năm nay, số liệu báo cáo từ Hepza cho thấy, hiện mới có khoảng 1/5 doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Tp.HCM báo cáo tình hình lương thưởng 2012, giảm một nửa so với năm ngoái. Điều này phản ánh một thực trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp. Đơn giản, làm ăn tốt, thưởng tết cao, chẳng ai lại không muốn báo cáo thành tích cả, một cán bộ của Hepze nói.

Với số liệu tổng hợp nói trên, đại diện của cơ quan này phân tích, thông thường những doanh nghiệp có báo cáo và báo cáo sớm là những đơn vị trong năm làm ăn tốt. Trong số hơn 640 doanh nghiệp chưa có báo cáo thì số doanh nghiệp làm ăn khó và không có thưởng tết chắc chắn là không ít.

Vị này dẫn chứng, trong năm 2012 có 79 doanh nghiệp giảm công suất, 11 dự án ngừng hoạt động, 22 công ty giải thể, đã chiếm hơn 17% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Những lao động đã và đang làm việc tại các đơn vị này khó mà có được một khoản tiền thưởng Tết.

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp gần như vẫn “án binh bất động” liên quan đến chuyện thưởng Tết. Khi được hỏi đến “chuyện nhạy cảm” này đều lắc đầu cười, hoặc là than năm nay là một năm khó hơn bao giờ hết.
“Kế hoạch này có khi phải trốn công nhân”, một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế thương hiệu đóng trên địa bàn Cầu Giấy cho rằng, dù vẫn biết, nếu không có một khoản tiền thưởng, lao động sẽ gặp khó khăn trong chi tiêu hàng ngày, chưa nói tới việc mua sắm Tết. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa thấy tiền đâu thì làm sao có thể bàn về chuyện thưởng tết.

Theo VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.