Hà Nội đẩy mạnh tiêu thụ gà đồi Yên Thế

Hà Nội đẩy mạnh tiêu thụ gà đồi Yên Thế
TP - Việc tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu “gà đồi Yên Thế” cho thị trường Hà Nội vừa mới đây đã hứa hẹn cơ hội cho người tiêu dùng Thủ đô được ăn gà “nội” sạch, chất lượng thay vì gà “ngoại” nhập thuộc dòng thải loại.

> Mỗi năm, 8 triệu con gà nhập lậu ‘tuồn’ vào Việt Nam
> Buôn bán gia cầm nhập lậu tại chợ Hà Vỹ giảm

Siết gà thải, loại

Ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho rằng, gà đồi Yên Thế có nhiều ưu điểm: Là giống gà được chăn thả tự nhiên, là loại gà đầu tiên trong cả nước được Bộ Khoa học công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu.

Hiện Yên Thế đang là huyện dẫn đầu về tổng đàn gia cầm trong cả nước, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 13-15 triệu con/năm, với khoảng hơn 7.000 hộ chăn nuôi gà, trong đó có trên 1,2 nghìn hộ nuôi từ 1- 5 nghìn con gà thương phẩm/lứa.

Với việc nhà nhà nuôi gà, người người nuôi gà nên kỹ thuật chăn nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh rất tốt.

Biểu hiện rõ nhất là gà Yên Thế luôn trụ vững qua nhiều đợt dịch bệnh lớn của ngành gia cầm. Sản lượng nhiều nhưng theo thống kê hiện lượng tiêu thụ gà Yên Thế ở thị trường Hà Nội mới chiếm khoảng 10-13%, còn lại là các thị trường khác!

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hà Nội cho biết, mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ hơn 500 tấn gia súc, gia cầm/ngày.

Theo bà Mai, trước đây người Hà Nội ăn tới 90 tấn gia cầm thải loại mỗi ngày thông qua chợ đầu mối Hà Vỹ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, đặc biệt là việc thành lập và duy trì Đội kiểm tra liên ngành phòng chống mua bán gia cầm nhập lậu thì đến ngày 10-12, kiểm tra tại chợ Hà Vỹ thì đã không còn gà thải loại.

Điều đáng mừng, một số hộ kinh doanh đã chuyển sang bán gà đồi Yên Thế. Giá gà Yên Thế cũng vì thế mà tăng vọt từ 70 nghìn đồng/kg lên 90 nghìn đồng/kg.

Bà Mai đề nghị: Bắc Giang cần quan tâm chỉ đạo và chú trọng từ khâu tuyển chọn con giống, chăm sóc và lưu thông, tránh tình trạng lập lờ đánh lận con đen, ảnh hưởng đến thương hiệu của gà Yên Thế, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng Hà Nội.

Nhận diện gà Yên Thế

Lo lắng của không ít nhà kinh doanh có mặt tại hội nghị là làm thế nào để nhận biết được gà đồi Yên Thế so với các loại gà khác? Cách nào để ngăn chặn tình trạng vì chạy theo lợi nhuận mà người kinh doanh có thể bỏ các loại gà khác lẫn vào gà đồi Yên Thế để tiêu thụ tại Hà Nội? Một vấn đề nữa là hiện Hà Nội đang cấm kinh doanh gà lông (gà chưa chế biến) tại 4 quận nội thành thì việc chế biến, vận chuyển sao cho gà Yên Thế giữ được vị tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng? Ông Vượng thừa nhận, hiện nay toàn huyện mới có duy nhất một cơ sở chế biến nhỏ với sản lượng thấp.

Trước mắt, toàn bộ số gà do đơn vị này cung cấp sẽ được kiểm dịch, đóng gói và dán nhãn hiệu “Gà đồi Yên Thế” có mã vạch đàng hoàng.

Đối với gà lông, ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bắc Giang cho biết, khi vận chuyển về Hà Nội sẽ được kẹp chì cả xe.

Bắc Giang cần chịu trách nhiệm về các sản phẩm mang thương hiệu “gà đồi Yên Thế”, bảo đảm nguồn cung ổn định và cam kết về giá trong quá trình tiêu thụ.

Hà Nội đảm bảo xây dựng mạng lưới cung ứng đến các khu phố, cụm dân cư, các doanh nghiệp kinh doanh “gà đồi Yên Thế” được ưu tiên tham gia chương trình bình ổn thị trường ngay trong Tết này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG