> Khó giảm thuế xăng dầu vì nhà máy lọc dầu
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Tin đồn Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải tạm ngưng hoạt động do sự cố rộ lên trong tuần qua. Đặc biệt khi một số hãng tin quốc tế đăng thông tin việc nhà máy này phải tạm ngưng trong vòng 2 tuần khiến các đầu mối tiêu thụ xăng dầu lo lắng, tăng cường nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài
Theo xác nhận của công ty, sự cố xảy ra vào ngày 8-10, nhiệt độ ở khớp giãn nở nhiệt trên đường xả khí CO tại phân xưởng Cracking xúc tác - nơi được ví như “trái tim” của nhà máy lọc dầu - tăng cao bất thường.
Các chuyên gia, kỹ sư nhà máy lập tức xử lý, hiệu chỉnh kỹ thuật. Ông Giang khẳng định: Sự cố trong ngưỡng an toàn, tầm kiểm soát. Các hiệu chỉnh không ảnh hưởng đến vận hành và không có chuyện nhà máy tạm ngưng hoạt động.
Đây là lần tái phát “bệnh” thứ 2 của nhà máy lọc dầu chỉ trong thời gian ngắn. Trước đó, từ 16 đến 23-8, Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải tạm ngưng hoạt động để xử lý sự cố ở phân xưởng Cracking xúc tác này.
Lần tạm ngưng hoạt động vào cuối tháng 5-2012 vừa qua được lãnh đạo nhà máy xác nhận do hết hạn hợp đồng, cần có đợt kiểm tra, đánh giá kỹ thuật, chất lượng.
Tuy nhiên, theo ông Giang: “Với quy mô nhà máy lọc dầu lớn và phức tạp như Dung Quất không thể không tránh khỏi những trục trặc, sự cố cần khắc phục hiệu chỉnh”.
Theo lộ trình, các vấn đề kỹ thuật, hợp đồng tài chính, sự cố nhà máy sẽ được xử lý triệt để để nhà thầu Technip tiến hành nghiệm thu lần cuối cùng vào cuối năm nay.
Ông Giang nhấn mạnh: Nhà máy đang vận hành 100% công suất, đảm bảo cung cấp xăng dầu ổn định cho các đầu mối. Việc một số đầu mối xăng dầu đổ xô nhập khẩu hàng nước ngoài, theo lãnh đạo nhà máy lọc dầu Dung Quất: Có thể do nhà máy có những điều chỉnh nhỏ, giảm công suất trong thời gian ngắn nên sản lượng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, do nhu cầu thị trường tăng nên các đầu mối chủ động nhập xăng dầu từ nước ngoài để cung ứng.
Theo mục tiêu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đảm bảo cung cấp 1/3 nhu cầu xăng dầu thị trường trong nước, không xuất bán ra nước ngoài.
Một số trường hợp nhà máy phải “xuất ngoại” sản phẩm do điều kiện khách quan, không để sản phẩm bị ứ đọng và được Bộ ngành cho phép.
Đơn cử sản phẩm xăng máy bay, thời gian đầu ở dạng dầu hoa (chưa đạt). Nhà máy đang chạy nên để vận hành phải xuất một số chuyến ra thị trường nước ngoài, do trong nước không tiêu thụ hết.