Ông Zhong Heng Shan, giám đốc công ty Nguyên Long Sơn quyết định không mua đất tại Bình Thuận của ông Phạm Phú Thạnh nữa. |
Theo báo Pháp luật, trong ngày 20-7, ông Zhong Heng Shan đã gặp ông Phạm Phú Thạnh để hủy bỏ các hợp đồng mua bán đất chui trước đây giữa 2 ông. Theo thỏa thuận giữa 2 bên, trước ngày 5-8, ông Thạnh phải trả lại số tiền mà ông Zhong Heng Shan đã đưa cho ông trước đây.
Như thông tin đã đưa trước đây, mọi giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất giữa ông Thạnh và ông Zhong Heng Shan đều được thực hiện bằng các biên bản thỏa thuận giữa 2 bên. Sau đó, ông Thạnh tìm cách để hợp thức hóa giấy tờ chuyển nhượng số đất trên về cho công ty Nguyên Long Sơn do ông Zhong Heng Shan làm chủ.
Theo kiểm tra của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, ông Thạnh mua gom tại địa bàn huyện tất cả là hơn 60 ha đất nông nghiệp, trong đó có 1,2 ha tại xã Hàm Đức và 59,7 ha tại xã Hàm Chính. Số đất tại đây ông Thạnh đã mua từ năm 2007 và 2008.
Đến khi ông Zhong Heng Shan vào Việt Nam đầu tư thì ông này nhờ ông Thạnh thu gom đất giùm để ông Zhong Heng Shan trồng thanh long và xây dựng nhà xưởng sơ chế trái thanh long. Theo báo Pháp luật thì ông Zhong Heng Shan đã đưa ông Thạnh hơn 10 tỷ đồng để làm việc này.
Để hợp thức hóa việc chuyển nhượng đất cho người Trung Quốc, ông Thạnh đã thành lập công ty Nguyên Long Sơn, sau đó đưa ông Zhong Heng Shan vào làm thành viên góp vốn trong công ty rồi trở thành giám đốc công ty.
Trong thời gian này, ông Thạnh làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng 1,2 ha đất tại xã Hàm Đức thành đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà xưởng. Sau đó ông Thạnh làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng số đất này và 59,7 ha đất tại xã Hàm Chính cho công ty Nguyên Long Sơn. Các hợp đồng chuyển nhượng này đã được công chứng.
Tuy nhiên, khi ông Thạnh làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất thì cơ quan chức năng phát hiện những hợp đồng chuyển nhượng này không đúng quy định do công ty Nguyên Long Sơn có vốn đầu tư nước ngoài. Thủ tục chuyển nhượng đất của ông Thạnh cho công ty Nguyên Long Sơn bị đình lại tại đây và các cơ quan thông tin đại chúng phát hiện, cảnh báo.
Như vậy, đến đây thì nỗ lực hợp thức hóa việc chuyển nhượng đất của ông Thạnh cho doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ lỡ và không có cơ hội hoàn thành. Do đó, hành động tự hủy bỏ giao dịch mua bán đất “chui” giữa ông Thạnh và ông Zhong Heng Shan là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, hành động trên chỉ là giao dịch cá nhân giữa hai bên. Việc ông Thạnh thu gom, mua đất tại hai xã Hàm Đức, Hàm Chính với các hộ dân cũng chỉ là giao dịch dân sự giữa các bên. Tuy việc mua bán 59,7 ha đất bằng giấy tay là chưa đúng thủ tục theo quy định pháp luật nhưng cũng không phải là hành vi tội phạm để có thể truy cứu trách nhiệm của các bên.
Dù vậy, đây cũng là 1 bài học cảnh báo cho sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Nếu như hồ sơ chuyển nhượng cho công ty Nguyên Long Sơn không bị phát hiện sai thủ tục vào phút cuối thì DN Trung Quốc này đã nghiễm nhiên có được quyền sử dụng đất hơn 60 ha đất trên như người Việt Nam. Rất may là thủ đoạn lách luật đầu tư này đã bị phát hiện kịp thời.
Ngoài ra, những thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất mà Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận nhận định là chưa chặt chẽ, thiếu cơ sở… cần được làm rõ. Tại sao lại thiếu chặt chẽ, thiếu cơ sở? Ai làm việc này? Có việc cố tình sai sót vì tư lợi ở đây hay không?... Những điều này cần cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc để răn đe.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc này. Hy vọng sau báo cáo này, Chính phủ sẽ có biện pháp xử lý trách nhiệm những người liên quan thỏa đáng và có biện pháp phòng ngừa để tránh lập lại những trường hợp như thế này tại các địa phương khác.
Theo Pháp luật – Dân trí