‘Nóng’ chuyện nợ và an toàn vốn tại các ‘đại gia’ ngân hàng

‘Nóng’ chuyện nợ và an toàn vốn tại các ‘đại gia’ ngân hàng
Trong bản báo cáo Kết quả Kiểm toán 2011 về niên độ ngân sách 2010, Kiểm toán Nhà nước đã thẳng thắn chỉ ra từ những điểm chưa được trong chính sách điều hành của NHNN cho đến những sai sót, bất cập của các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh.

Theo kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 8 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố sáng nay (18-7), trong năm 2010, các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tài chính được kiểm toán đạt lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, đảm bảo các chỉ tiêu hoạt động, an toàn sử dụng vốn và lợi nhuận.

Tuy nhiên, KTNN cho biết, vẫn còn tình trạng NHTM nhiều tháng không đạt mức tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) theo quy định của NHNN. Cụ thể, hệ số CAR của một ngân hàng quốc doanh lớn như Vietcombank nhiều tháng liền vẫn còn thấp hơn 8% (tháng 1 đạt 6,8%; tháng 2 đạt 6,5%; tháng 3 đạt 7,6%...). Ba tháng cuối năm 2010, mặc dù có cải thiện hơn song chỉ số này của Vietcombank vẫn dưới quy định 9% (tháng 10 đạt 6,73%; tháng 11 đạt 6,28% và tháng 12 đạt 7,3%).

Về hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết, hiệu quả một số khoản đầu tư được chỉ ra còn ở mức thấp. Cơ quan kiểm toán dẫn chứng tiếp về trường hợp Vietcombank, khoản góp vốn vào Tổng công ty Dịch vụ Bưu chính Viễn Thông Sài Gòn bị suy giảm gần 90% giá trị. Nếu như giá trị thực vốn góp là 138 tỷ đồng thị tài ngày 31-12-2010, chỉ còn lại vỏn vẹn 23 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại một ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank, năm 2010, ngân hàng này đã tăng các khoản đầu tư chứng khoán tại các tổ chức tín dụng và tổng công ty. Chứng khoán nợ do các TCTD trong nước phát hành tăng hơn 4.900 tỷ đồng so với 2009 (Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam tăng 1.000 tỷ đồng, NH Chính sách Xã hội tăng 1.000 tỷ đồng, NH Liên doanh Indovina tăng 1.250 tỷ đồng...).

Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tăng hơn 10.300 tỷ đồng, trong đó EVN tăng 941 tỷ đồng, TĐ Sông Đà tăng 530 tỷ đồng, Vinaconex tăng 1.000 tỷ đồng, Xi măng Công Thanh tăng 2.200 tỷ đồng...

Về quản lý thu nhập, chi phí, cơ quan kiểm toán ghi nhận, các ngân hàng đã kiểm toán quản lý thu nhập, chi phí tương đối chặt chẽ, thu nhập của các ngân hàng chủ yếu từ các hoạt động tín dụng. Thu lãi từ VietinBank chiếm 90,19% tổng thu nhập, của Vietcombank chiếm 84-86% tổng thu nhập. Song, KTNN cũng "phê bình" Vietcombank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác. Cụ thể, ngân hàng này đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 2010 vượt 117,02 tỷ đồng.

Ở hoạt động tín dụng, năm 2010 ghi nhận thời điểm tăng trưởng tín dụng "nóng" gây nhiều áp lực, khó khăn cho việc kiềm lạm phát. Nếu như chỉ tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ chỉ dừng lại ở 6,19% thì trên thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã lên đến 31,19%. Trong đó, mức tăng "khủng khiếp" phải kể đến VietinBank với tốc độ tăng 43,5%, cao hơn mức chung. Tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực chứng khoán và bất động sản trong năm này tới 40,93% và 28,11%.

‘Nóng’ chuyện nợ và an toàn vốn tại các ‘đại gia’ ngân hàng ảnh 1

Trong khi đó, tỉ lệ nợ xấu tăng so năm trước đó và chiếm 2,19% tổng dư nợ. Trong đó, tỉ lệ nợ xấu năm 2010 của Vietcombank là 2,91%, cao hơn 2009 là 2%; của VietinBank là 1,27% tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này ở VDB thì không thể tệ hơn với tỉ lệ 12,45%.

Riêng về hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), trong năm 2010, ngân hàng cho vay thương mại ngoài các chương trình được Nhà nước cho phép, kết quả kinh doanh lỗ 18,1 tỷ đồng, nợ quá hạn 438 tỷ đồng và tăng so với năm trước. Trong khi đó, hoạt động huy động vốn của VDB cũng vượt quá nhu cầu cho vay nên phải gửi tại các NHTM.

Có một điểm đáng lưu ý là trong khi báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính được kiểm toán phản ánh trung thực tình hình tài chính và hoạt động thì tại VDB lại bị "lệch". Cụ thể, Báo cáo tài chính năm 2010 của VDB không hợp nhất với báo cáo tài chính của TCT Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam, không đánh giá lại số dư vốn ODA và có gốc ngoại tệ.

Mặc dù thực hiện được nhiều dự án góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, song tỷ lệ nợ xấu ở VDB quả thực đáng lo ngại với con số lên đến 12,05%. Trong đó, nợ xấu cho vay xuất khẩu là 13,42%, trong đó chưa bao gồm xợ xấu của Chương trình Cu ba và Tàu biển Vinashin).

Khả năng thu hồi nợ của VDB được Kiểm toán đánh giá là khó khăn, nợ đến hạn càng ngày càng tăng.

"Phê" hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước

Trong bản báo cáo lần này, Kiểm toán Nhà nước cũng "phê" cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi áp dụng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn nhiều lãi suất huy động trên thị trường đã tạo điều kiện cho một số TCTD lợi dụng như một nguồn vốn giá rẻ ưu đãi, không cơ cấu lại các khoản đầu tư để trả nợ đúng hạn, làm gia tăng dư nợ vay tái cấp vốn của các NHTM.

‘Nóng’ chuyện nợ và an toàn vốn tại các ‘đại gia’ ngân hàng ảnh 2

Nhiều khoản vay tái cấp vốn năm 2010 phải gia hạn với tổng số nợ gia hạn lên đến 68.250 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh số cho vay. Ngoài ra, việc gia hạn nợ còn được thực hiện không đúng quy định mà theo như cơ quan kiểm toán thì có khoản vay thời hạn 90 ngày được gia hạn đến lần thứ 4, làm thời gian vay kéo dài 389 ngày (mà theo quy định, thời gian cho vay không qua 1 năm và thời gian gia hạn không vượt quá thời gian cho vay lần đầu).

Cũng theo KTNN, trong năm này, VietinBank đã gia tăng huy động vốn từ các TCTD, vay NHNN và huy động khác làm ảnh hưởng đến tính ổn định và công tác cân đối vốn hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Cụ thể, tổng nguồn vốn huy động thị trường 2 và huy động khác là 133.781 tỷ đồng, tăng 61.940 tỷ đồng so với năm 2009 (tương đương tăng tới 86,2) và chiếm 39,38% tổng nguồn vốn huy động của VietinBank.

Như vậy, bức tranh về ngành ngân hàng năm 2010, tập trung ở các ngân hàng chính sách, ngân hàng quốc doanh cũng như sự điều hành của NHNN dưới "con mắt" của Kiểm toán Nhà nước đã được phản ánh khách quan, phần nào rất nghiêm khắc nhưng đã đưa ra những lưu ý rất "giá trị" cho lĩnh vực trọng yếu và nhạy cảm này của nền kinh tế.

Theo Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG