Ngân hàng hai ngày trước giờ ‘G’

Ngân hàng hai ngày trước giờ ‘G’
Chủ trương giảm lãi suất xuống 15%/năm đối với các khoản vay cũ nhằm giảm gánh nặng tài chính cho DN là cách tháo gỡ hợp lý. Trong bối cảnh hiện nay, việc chia sẻ khó khăn với DN cũng là cách “tự cứu mình”.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012 của ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu, kể từ 15-7, các TCTD phải giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm. Thông điệp này đã nhận được sự đồng tình lớn trong xã hội và sự đồng thuận cao trong hệ thống ngân hàng.

Cũng bởi vậy, không phải đợi đến giờ G, tính đến hết ngày 12-7 đã có 5 NHTM Nhà nước lớn và hơn 10 NHTMCP nhỏ “vào cuộc”. Điều đó cho thấy, ngành Ngân hàng sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng DN để vực dậy sự tăng trưởng.

Theo NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngoài việc giảm lãi suất tất cả các khoản nợ cũ về 15%/năm, ngân hàng này sẵn sàng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh từ 9-11% khi DN thực hiện dịch vụ trọn gói tại BIDV. Các lĩnh vực ưu tiên, các khoản vay ngắn hạn của khách hàng có định hạng tín nhiệm cao thuộc lĩnh vực này, lãi suất cho vay chỉ ở mức 11-12%.

Tổng giám đốc NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Phước Thanh cho biết, ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất từ đầu tháng 5 đưa về dưới 18%/năm, nhưng đến nay Vietcombank đang xem xét để đưa lãi suất thấp hơn nữa dưới 15%/năm nhất là đối với các DN sản xuất trong lĩnh vực ưu tiên có thể không quá 11%/năm; những lĩnh vực khác từ 12-13%/năm...

Theo tính toán, qua 2 lần cắt giảm lãi suất, Vietcombank giảm lợi nhuận từ 1.500 - 1.800 tỷ đồng. "Việc mất đi 1.800 tỷ đồng nhưng đổi lại các DN khỏe lên, khách hàng tốt hơn thì sự trả giá đó không phải là cao", ông Thanh bày tỏ.

Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê khẳng định: "Trong thời điểm này, không thể chạy theo lợi nhuận được, mà phải đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu. Thực tế cũng không thể tìm kiếm lợi nhuận khi mà khách hàng của mình đang gặp khó khăn".

Cũng bởi lẽ đó nên SHB có thể xem là ngân hàng tiên phong trong khối NHTMCP thực hiện lộ trình giảm lãi suất. Cụ thể, tính đến ngày 11-7, SHB đã điều chỉnh 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỷ đồng trong đó có nhiều khoản vay lãi suất 13 - 16%/năm. Số khoản vay còn lại có mức lãi suất trên 15%/năm chỉ chiếm 35%/tổng dư nợ của ngân hàng.

Hầu hết các chi nhánh NHTM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng đều đồng thuận cao với chủ trương đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm. Ông Trần Thanh Điện - Giám đốc BIDV chi nhánh Đà Nẵng cho hay: DN sống thì ngân hàng sống. Vì thế, không lý do gì mà không thực hiện chủ trương NHNN chỉ đạo. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để khách hàng trả nợ. Thực tế BIDV Đà Nẵng đã chủ động giảm mạnh lãi suất cho khách hàng từ tháng 4-2012 đến nay và mức lãi suất cho vay mới hầu hết dưới 15%/năm.

Và tại Vietcombank chi nhánh Đà Nẵng, không riêng gì các DN được hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ mà cả khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh hoặc vay tiêu dùng trước đây cũng được ngân hàng này áp dụng lãi suất mới từ dưới 15%/năm hoặc bằng 15%/năm tuỳ theo từng khoản vay ngắn hạn hay trung dài hạn. Ông Lê Diệp - Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng khẳng định: Hiện lãi suất cao nhất áp dụng cho tất cả các khoản vay tại Vietcombank Đà Nẵng là 15%/năm. Lãi suất cho vay bình quân các khoản vay khoảng 13,5%/năm.

Không có đất cho kẻ cơ hội

Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ trương giảm lãi suất xuống 15%/năm đối với các khoản vay cũ nhằm giảm gánh nặng tài chính cho DN là cách tháo gỡ hợp lý. Với yêu cầu này, những ngân hàng tỷ trọng hợp đồng tín dụng cũ thấp dĩ nhiên không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận, nhưng với ngân hàng tỷ trọng này cao thì đây sẽ là một khó khăn. Song, trong bối cảnh hiện nay, việc chia sẻ khó khăn với DN cũng là cách “tự cứu mình”.

Ngân hàng hai ngày trước giờ ‘G’ ảnh 1

Một chuyên gia kinh tế phân tích, chính sách của NHNN được ban hành ra dựa trên cơ sở diễn biến nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng là một thành phần quan trọng, là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế nên lại càng phải có trách nhiệm chia sẻ những khó khăn hiện nay của nền kinh tế. Trong bối cảnh này, nếu có ngân hàng nào không đồng hành với DN, ngân hàng đó sẽ tự đào thải ra khỏi thị trường, ra khỏi quy luật chung của nền kinh tế.

Cũng có ý kiến băn khoăn với biện pháp hành chính rất có khả năng ngân hàng lách "hợp đồng" phụ kèm theo hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, ông Lê khẳng định, không có hợp đồng nào phụ đối với các khoản vay tại SHB. Mức lãi suất ghi trên hợp đồng tín dụng sẽ là mức lãi suất khách hàng được hưởng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Đặng - Tổng giám đốc HDBank cho rằng, sẽ không có chuyện xin - cho vì đây là quan hệ kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Có chăng việc ngân hàng chỉ yêu cầu các DN thực hiện cam kết về sử dụng dịch vụ ngân hàng, ngân hàng quản lý dòng tiền ra - vào của DN... Đây là những điều kiện hết sức bình thường để ngân hàng kiểm tra tình hình hoạt động của DN và hơn thế cũng để gia tăng lợi ích giúp cho khách hàng chủ động trong kế hoạch kinh doanh.

Việc điều chỉnh lãi suất lần này sẽ được NHNN thực hiện quyết liệt. Theo một lãnh đạo NHNN, từ nay đến 15-7-2012, Hội sở từng ngân hàng phải chỉ đạo các chi nhánh toàn hệ thống rà soát giảm lãi suất. Sau ngày này, Thống đốc cùng Ban lãnh đạo NHNN xuống làm việc với các tỉnh, thành phố, đồng thời sẽ yêu cầu NHNN chi nhánh phối hợp với tỉnh ủy, UBND làm việc với từng TCTD để triển khai việc giảm lãi suất một cách rốt ráo.

Theo Thời báo ngân hàng

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank

Với vai trò là NHTM Nhà nước, Agribank thực hiện nghiêm túc việc điềuchỉnh lãi suất cho vay tối đa 15%. Bốn nhóm tín dụng thuộc diện ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và DNNVV thì áp dụng mức trần lãi suất cho vay 13%/năm. Còn các lĩnh vực khác chúng tôi căn cứ vào nhu cầu vay vốn, uy tín, khả năng trả nợ để áp dụng mức lãi suất cho vay phù hợp, tối đa 15%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm, Agribank đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suấtcho vay, điều này đồng nghĩa với việc giảm doanh thu lãi tiền vay hơn3.000 tỷ đồng. Dự kiến đợt giảm này, doanh thu sẽ giảm tiếp khoảng 4.500 tỷ đồng. Việc này cũng gây khó khăn về mặt tài chính cho Agribank. Nhưng chúng tôi nhận thức rằng, đây là biện pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho DN, hài hòa lợi ích giữa khách hàng vay. Bù lại, Agribank sẽ tiết kiệm các khoản chi phí, tăng các khoản thu để bù đắp số thu lãi tiền vay bị giảm.

Ông Trịnh Bằng Có - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Phương Đông Việt phấn khởi: Khoản vay của DN tại Eximbank Đà Nẵng đã được điều chỉnh về mức hợp lý, giảm về mức lãi suất 15%/năm so với 24%/năm như trước tháng 6/2012. Sự điều chỉnh này giúp DN tiết kiệm được hơn 60 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng, số tiền này đủ để DN trả lương cho 18 lao động/tháng.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG